Biểu diễn không còn là ưu tiên số một
Chị cảm thấy thế nào khi "Yếm đào xuống phố" không giành giải Album của năm 2014?
Không hiểu sao khi chưa công bố giải, tôi đã dự cảm là mình sẽ không đoạt giải nên tôi không buồn hay thất vọng. Cánh cung 3 của Đỗ Bảo là một album tuyệt vời và các album khác trong đề cử cũng rất xuất sắc. Song, nói thật là tôi cũng có chút chạnh lòng. Yếm đào xuống phố được khen ngợi nhiều và rất gần với các tiêu chí của giải Cống hiến như giàu sáng tạo, có tính thể nghiệm cao, đề cao âm nhạc truyền thống... Tiếc là truyền thông không bầu chọn cho nó, có thể truyền thông cũng không quan tâm đến âm nhạc truyền thống lắm.
Vậy mà chị nói không buồn?
Đúng là tôi không buồn. Bởi vì mỗi giải thưởng có một cách đánh giá riêng. Cống hiến là giải do truyền thông bầu chọn chứ không phải giải của giới chuyên môn. Hơn nữa, điều mà tôi dành nhiều tâm huyết nhất hiện nay là việc giảng dạy, tôi sẽ đào tạo các tài năng âm nhạc của đất nước ra sao. Việc biểu diễn giờ chỉ là phụ. Đoạt giải hay không không còn là mối quan tâm lớn nhất của tôi nữa.
Chị vẫn đang được xem là một nghệ sỹ trẻ và đang có những bước phát triển rất lớn. Vậy mà biểu diễn chỉ là việc phụ với chị?
Nói như thế nghĩa là giờ biểu diễn không phải ưu tiên số một của tôi. Còn tôi vẫn song hành hai công việc: Biểu diễn và giảng dạy. Cả hai đều hỗ trợ mật thiết cho nhau. Việc giảng dạy giúp tôi có thêm kiến thức cho biểu diễn, kinh nghiệm biểu diễn lại cho tôi những bài học thực tế sống động để dạy học trò.
Kết hợp Chèo với Jazz không nhằm chứng minh mình khác biệt
Trở lại với "Yếm đào xuống phố" và thể nghiệm kết hợp Chèo với Jazz của chị. Trước chị đã có Quốc Trung và Nguyên Lê “tung hứng” với Chèo rồi. Khi mới bắt đầu dự án này, có ai khuyên chị không nên lặp lại?
Đúng là đã có nhiều nghệ sỹ thể nghiệm với Chèo nhưng theo tôi biết thì đều là các dự án khí nhạc. Còn Yếm đào xuống phố là một thể nghiệm thanh nhạc nên không phải sự lặp lại. Hơn nữa, khi tôi nảy ra ý tưởng Chèo Jazz và quyết tâm thực hiện nó không phải vì mục đích là tạo ra cái khác mọi người. Tôi không bao giờ làm việc theo tiêu chí mỗi năm phải ra một sản phẩm theo phong cách mới nọ, phong cách mới kia. Tôi thực sự yêu các loại hình nghệ thuật truyền thống và mong muốn sáng tạo trên chất liệu đó để tôn vinh nó lên.
Liệu đây có phải là một ý tưởng liều lĩnh? Bởi chị được đào tạo hàng chục năm về opera thính phòng, làm sao có thể hát tốt thể loại âm nhạc cổ truyền, vốn dĩ từ kỹ thuật vận dụng hơi thở đến kỹ thuật biểu cảm đều hoàn toàn khác biệt?
Ồ, tôi cũng nghĩ như thế. Và tôi bỗng khao khát muốn biết xem nếu mà như thế thì sẽ ra sao. Như chị nói, kỹ thuật hát nhạc cổ điển châu Âu và hát âm nhạc cổ truyền rất khác nhau. Kể từ khi học hát đến khi đi hát và dạy hát, tôi đều tuân thủ chặt chẽ kỹ thuật hát opera thính phòng nên rất khó thay đổi. Vì thế, để có được một Yếm đào xuống phố với thể nghiệm Chèo Jazz thành công, đó thực sự là những công sức mà chính tôi cũng không thể đong đếm được trong suốt 2 năm thực hiện.
Kỳ công để hát được Chèo hay là kỳ công để hát Chèo trên nền nhạc Jazz?
Cả hai. Để hát được Chèo, tôi không dám theo một nghệ nhân nào cả. Bởi các nghệ nhân sẽ dạy tôi từ đầu, bắt đầu từ việc lấy hơi thở. Mà như thế thì tôi không làm được. Vì hát opera thính phòng vẫn là thể loại chính của tôi. Tôi phải học bằng cách mua đĩa nhạc về nghe. Có được đĩa của nghệ nhân nghĩa là có được tinh túy của họ rồi. Tôi nghe, học, tìm hiểu, cảm nhận theo cách của mình và biến nó thành của mình. Nhưng hát được Chèo đã khó, hát Chèo trên nền nhạc Jazz mà không làm méo mó biến dạng Chèo thì càng khó hơn. Chèo giống như thứ mắm tôm đậm đặc không thể pha chế với loại mắm nào khác. Jazz lại là mảnh đất màu mỡ cho các nghệ sỹ phá cách, sáng tạo. Chèo chuẩn mực và vô cùng chặt chẽ. Jazz lại có tính ngẫu hứng rất cao. Làm thế nào để sự chuẩn mực chặt chẽ kia có thể tung tẩy trên cái ngẫu hứng, đó là sự lao tâm khổ tứ không của riêng tôi, mà của nhiều người trong ê kíp thực hiện.
Nghiêm túệu quả
Nhìn lại con đường chị đi trong gần 10 năm qua, kể từ cuộc thi Sao Mai 2005 đến nay, thấy từng bước chân của chị dường như đều được đong đếm kỹ càng để bước nào cũng chắc chắn thành công?
Tôi không phải người tính toán kỹ lưỡng thế đâu. Nhưng tôi chỉ làm khi mình cảm thấy đã đủ chín. Tư duy của một giảng viên khiến tôi và chồng có sự chắc chắn, nghiêm túc. Vì nghiêm túc nên hiệu quả chăng?
Sự chắc chắn cũng hơi quá thì phải vì phải đến 7 năm gắn bó với nhau Tân Nhàn - Tuấn Anh mới chịu làm liveshow?
Là vì sự khó tính của hai vợ chồng. Nếu làm liveshow, cả tôi và anh Tuấn Anh đều phải đảm bảo rằng, thời điểm đó mình thực sự tự tin, có thể hát thật đã, có thể cống hiến cho khán giả những tiết mục chất lượng tốt nhất. Chúng tôi không muốn làm ra những chương trình làng nhàng, không có gì mới mẻ, đột phá, rồi nhờ truyền thông lăng xê lên.
Vợ chồng đều là nghệ sỹ nổi tiếng và mỗi người có một phong cách khác nhau. Hẳn khi làm việc chung, anh chị có những bất đồng rất lớn?
Ngược lại là chúng tôi chẳng có bất đồng nào. Chúng tôi đều là giáo viên. Thanh nhạc thì có những tiêu chí chuẩn mực không thể phá bỏ. Chỉ khi ai cố tình lệch ra những chuẩn mực đó thì mới có sự bất đồng.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!