Cả trăm nghìn vé trên cao tốc Nội Bài-Lào Cai 'bốc hơi' bí hiểm

27/10/2018 - 09:07
Trước thông tin tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai bị mất cả trăm nghìn vé, gây thất thoát lớn, nhiều chuyên gia cho rằng trách nhiệm chính là chủ đầu tư.
lao-cai-2.jpg
Cao tốc Nội Bài-Lào Cai được thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến từ quý III-2014.

 

Sau những lùm xùm tại cao tốc 34.000 tỷ Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe đã hỏng, hầm chui dân sinh thấm, đột nước, và 8 trạm dừng nghỉ còn chưa giải quyết xong, thì Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) lại lộ thêm chuyện để mất thẻ định danh đầu vào (thẻ thu phí) tại cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Tổng số thẻ định danh phát ra nhưng không thu hồi được từ 11 trạm thu phí trên toàn tuyến lên tới gần 140.000 thẻ.

Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức quản lý, khai thác tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là Công ty CP Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M), một công ty con của VEC.

Hàng trăm nghìn thẻ định danh “mất tích”

Theo số liệu thống kế của VEC O&M, từ tháng 1 - 8/2015, tổng số lượng thẻ định danh phát ra từ 11 trạm thu phí trên toàn tuyến không thu hồi được lên tới 137.221 thẻ, chiếm 3,97% số lượng thẻ phát ra.

VEC đưa ra một loạt nguyên nhân dẫn tới việc để “thất lạc” thẻ định danh. Đặc biệt, VEC cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới việc không thu hồi được thẻ định danh đầu vào là việc tồn tại các điểm mở chưa đóng khi khai thác các đường cao tốc.

Theo VEC, từ ngày 1/1/2014, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng Tây Bắc, Bộ GTVT đã cho phép đưa tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai vào khai thác tạm và đến 2/9/2014 thì đưa vào khai thác toàn tuyến. Do dự án vừa khai thác, vừa tổ chức thi công các hạng mục chưa hoàn thiện nên tại các vị trí thi công, Nhà thầu phải mở các đường đấu nối với đường địa phương để vận chuyển vật liệu, máy móc, nhân công phục vụ thi công.

Không làm rõ được số tiền thất thoát

Trong Văn bản số 13363/KL-BGTVT ngày 24/11/2017, Bộ GTVT khẳng định, có việc thất thu phí trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai và tổng số thẻ đã thất thoát trong 9 tháng đầu năm 2015 là 137/221 thẻ.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, do việc phát các thẻ đầu vào nhưng không kiểm soát được số đầu ra của từng loại và còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến việc mất thẻ nên không thể tính toán được con số thất thu cụ thể.

“Việc tồn tại các điểm mở là nguyên nhân chính dẫn tới việc không thu hồi được thẻ định danh đầu vào, do các phương tiện khi lưu thông trên tuyến lợi dụng các điểm mở để đi vào các đường của địa phương, không đi qua trạm thu phí để trốn phí”, VEC lý giải.

lao-cai-1.jpg
Cao tốc Nội Bài – Lào Cai bị cho là đã làm mất hàng trăm nghìn vé xe, thất thoát tiền rất lớn.

 

Sai sót không thể chấp nhận, lý giải chưa thuyết phục

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia giao thông khi phân tích những lý giải nêu trên của VEC.

Theo TS Nguyễn Hữu Đức – Chuyên gia giao thông đô thị của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khẳng định, việc để mất hàng trăm nghìn thẻ định danh đầu vào trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai là vấn đề nghiêm trọng.

“Rõ ràng con số thất thoát là quá lớn. Nếu như chỉ mất vài chục hoặc vài trăm cái thì còn có thể thông cảm được. Đằng này để mất hàng trăm nghìn cái thẻ là có vấn đề, là sai sót không thể chấp nhận được”, ông Đức nói và cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân, bởi câu chuyện không đơn giản như những lý do mà VEC đưa ra.

Nhận định về việc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác khi chưa hoàn thiện, ông Nguyễn Hữu Đức cho biết, đây là câu chuyện chỉ diễn ra ở Việt Nam.

“Ở nước ngoài khi đường chưa xong thì không bao giờ người ta cho khai thác”, TS Đức nhìn nhận và phân tích, đây là điều đã từng diễn ra tại nhiều tuyến đường ở Việt Nam.

Vì điều kiện đặc thù và một số lý do, trong đó có lý do cần giải tỏa ùn tắc nên lâu nay vẫn có không ít tuyến đường vẫn phải đưa vào khai thác khi chưa hoàn thành.

“Ở nước ngoài là làm theo cơ chế thị trường, không thể đưa ra thị trường sản phẩm hàng hóa chưa hoàn thiện, đường cao tốc cũng thế. Còn ở nước ta thì khác. Có nhiều trường hợp, đường chưa làm xong nhưng địa phương yêu cầu thì vẫn phải mở. Nhiều khi rất khó xử lý. Tất nhiên khi khai thác sớm thì đơn vị khai thác đường phải có trách nhiệm tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn trên toàn tuyến. Không thể đổ hết lỗi cho việc mất thẻ do đường khai thác sớm là xong được”, TS Nguyễn Hữu Đức nhận định.

Đồng tình quan điểm trên, một chuyên gia giao thông (đề nghị không nêu tên) cho rằng lý giải của VEC chưa thực sự thuyết phục. Ví dụ, việc các xe ưu tiên không thu phí thì VEC đã có danh mục cụ thể các xe nào được ưu tiên chưa? Nếu có thì phải thống kê được số lượng xe ưu tiên và tính toán thì ra ngay con số.

“Còn đổ lỗi cho trình độ, nghiệp vụ của nhân viên là hết sức vô lý. Khác nào VEC làm việc thiếu chuyên nghiệp khi những nhân viên này không có trình độ, lại chưa được đào tạo bài bản đã cho ra làm công việc quan trọng như thế thì trách nhiệm thuộc về ai?”, vị chuyên gia nói.

Vị chuyên gia này đánh giá: Thứ nhất, chủ đầu tư đã buông lỏng quản lý trong một thời gian dài dẫn đến thất thoát ngân sách của Nhà nước. Cứ thử tính, lấy hàng trăm ngàn lượt xe “biến mất” nhân với giá vé thấp nhất một lần lưu thông (300.000 đồng/lượt) thì sẽ thấy số tiền thất thoát không hề nhỏ.

Thứ hai, để xe “trốn” khỏi cao tốc được thì cũng có thể những xe khác lọt vào được, việc này rất nguy hiểm, nhất là gây mất an toàn giao thông.

“Từ những vấn đề không rõ ràng như trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng như công an, kiểm toán, thanh tra, nên vào cuộc để làm rõ đúng sai và làm rõ trách nhiệm”, vị chuyên gia đề nghị.

Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên thẳng thắn đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của công ty quản lý khi để xảy ra tình trạng lái xe trốn phí.

“Hành lang đường cao tốc thì phải quản lý một cách chặt chẽ vì còn liên quan đến các vấn đề an toàn giao thông. Vì vậy cần đặt ra trách nhiệm của đơn vị quản lý trên tuyến cao tốc này. Nếu đơn vị quản lý buông lỏng việc thu phí thì chẳng khác nào để người bán hàng mà không cần thu tiền. Cho nên việc người quản lý phải chịu hoàn toàn trách nhiệm là không cần phải bàn cãi”, ông Bùi Danh Liên thẳng thắn.

Nói về đường cao tốc có nhiều điểm mở chưa đóng khi đã hoàn thiện, ông Liên cũng cho rằng đó là trách nhiệm của nhà quản lý. Lẽ ra đơn vị phải có biện pháp chặn hoặc xử lý các điểm mở này kịp thời để tránh tình trạng trốn phí cũng như đảm bảo an toàn giao thông.

“Công ty quản lý đường cao tốc phải tuyên truyền cho người dân về ý thức lưu thông trên cao tốc. Bên cạnh đó, phải có đề xuất giải pháp với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ. Đến khi có chuyện xảy ra thì đổ lỗi không thu được phí và không hoàn vốn là không được. Cần thiết thì nên đề nghị công an điều tra rõ ràng về việc này”, ông Liên bày tỏ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm