pnvnonline@phunuvietnam.vn
Các bệnh về da dễ tái phát trong mùa lạnh và cách ứng phó
Thời tiết chuyển lạnh, hanh khô khiến bạn dễ mắc các bệnh về da. Để bảo vệ da cần biết chăm sóc da đúng cách, phòng ngừa và ứng phó với các bệnh về da dễ bị tái phát trong mùa lạnh.
1. Các bệnh về da dễ tái phát trong mùa lạnh
1.1. Nổi mề đay do lạnh
Rất nhiều người bị nổi mề đay do lạnh khi tiếp xúc với không khí lạnh cơ thể sẽ bị nuổi những hạt sần, mảng màu đỏ có kích thước từ vài cm đến thành mảng, xuất hiện triệu chứng phù nề, rất ngứa. Tuy nhiên, triệu chứng này chỉ xuất hiện vài giờ, thậm chí có người chỉ xuất hiện 20 đến 30 phút là tự biến mất.
Bệnh về da như mề đay xuất hiện tái phát ở vị trí cũ và cả các vị trí mới trên cơ thể. Những đối tượng dễ bị nổi mày đay do cơ địa nhạy cảm. Vì thế muốn phòng bệnh mày đay xuất hiện nên hạn chế tiếp xúc với môi trường lạnh, giữ ấm cơ thể, tránh các thực phẩm dễ bị dị ứng, thuốc gây dị ứng và thận trọng trong việc lựa chọn mĩ phẩm để sử dụng.
Khi bắt buộc phải ra ngoài trời nên đeo khẩu trang, mặc quần áo kín hoặc quần áo bảo hộ lao động khi tiếp xúc với môi trường có nhiều hóa chất độc hại.
1.2. Bị ngứa do thời tiết lạnh
Biểu hiện ngứa ngoài da là một trong những bệnh về da thường gặp vào mùa đông. Khi thời tiết lạnh sẽ xuất hiện ngứa, ngứa nhẹ cho đến ngứa dữ dội, triệu chứng ngứa thường xuất hiện vào ban đêm trước khi đi ngủ. Đối với thời tiết lạnh, trời càng lạnh thì ngứa lại càng nhiều.
Rất nhiều người do không chịu đựng được cảm giác ngứa nên gãi, hành động này làm trầy xước da, chảy máu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm khuẩn khiến da chịu tổn thương, các vết thương hở trên da càng lâu khỏi khi trời lạnh.
Ngoài ngứa do thời tiết lạnh còn có các nguyên nhân khác gây ngứa do viêm da như: mề đay, vảy nến, mụn và á sừng,... Trong thời tiết lạnh da tiết ít mồ hôi hơn và các axit hữu có sẽ khiến da khô, nứt nẻ gây hiện tượng ngứa.
Thời tiết hanh khô của mùa lạnh khiến da nứt nẻ, gây hiện tượng ngứa - Ảnh minh họa
Bản chất của ngứa do thời tiết chỉ có thể điều trị theo từng đợt, không thể khỏi vĩnh viễn. Tuy nhiên, khi thời tiết ấm lên thì dấu hiệu ngứa cũng giảm bớt. Bảo vệ da khỏi bị ngứa bằng cách giữ gìn vệ sinh chung, rửa tay vệ sinh da sạch sẽ. Mùa đông, trời lạnh cơ thể tiết ít mồ hôi nhưng vẫn phải tắm rửa thường xuyên đặc biệt cần vệ sinh vùng kín, nách, bẹn,... để da những vùng đó thông thoáng, sạch sẽ.
Lưu ý: Thói quen ngâm mình trong nước nóng để giảm ngứa là suy nghĩ sai lầm, việc ngâm mình trong nước nóng khiến da mất chất nhờn, da càng mau khô và nứt nẻ khiến bạn dễ ngứa. Sau khi tắm xong nên lau khô người và bôi kem dưỡng ẩm phù hợp lên da.
Xuất hiện dấu hiệu ngứa kéo dài, liên tục bạn cần tìm đến bác sĩ da liễu để được thăm khám và đưa hướng điều trị phù hợp. Không tự ý sử dụng thuốc làm trần xước da khiến da bị nhiễm trùng, viêm da.
1.3. Bệnh vẩy nến
Bệnh vẩy nến là bệnh về da thường gặp vào mùa đông đặc biệt là các tổn thương da kèm theo ngứa, xuất hiện các dát đỏ có vảy trắng phủ trên bề mặt, dày và nhiều lớp xếp chồng lên nhau, dễ bong giống giọt nến nên có tên gọi là vẩy nến.
Những vị trí thường xuất hiện vảy nến: khuỷu tay, đầu gối, rìa tóc, mông và vùng xương cùng. Nhưng đó chỉ là dấu hiệu xuất hiện ban đầu, lâu dần không chữa trị kịp thời vảy nến có thể phát triển toàn cơ thể, dai dẳng và gây biến chứng như viêm, biến dạng xương khớp.
Để chữa trị vảy nến cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, duy trì chế độ điều trị, sinh hoạt hợp lý. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn uống thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng. Ăn nhiều rau xanh, củ quả tươi và uống đủ nước để da không bị khô, tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại. Hạn chế rượu, bia và thuốc lá. Quan trọng không tự ý dừng thuốc khi đang trong quá trình điều trị dù các dấu hiệu bệnh thuyên giảm.
1.4. Nứt gót chân
Nứt gót chân khi da bị khô ở gót mất đi độ đàn hồi và tách ra khi trọng lượng cơ thể dồn xuống chân. Bệnh về nứt gót chân ít người quan tâm và chữa trị đúng cách. Nứt gót chân do da khô gây áp lực lên phần gót chân, ngoài ra còn nguyên nhân từ bệnh tật, sử dụng xà phòng có chất tẩy mạnh, tắm nước quá nóng,...
Nứt gót chân có thể gây chảy máu, đau đớn và cản trở quá trình đi lại, lao động - Ảnh minh họa
Những người phải đứng lâu trên sàn cứng, phụ nữ mang thai khiến gót chân chịu nhiều áp lực hơn dễ khiến gót chân bị nứt. Thời tiết trở lạnh có thể gây chảy máu, nứt sâu và đau đớn, cản trở quá trình đi lại, lao động.
1.5. Bệnh chàm
Bệnh chàm da là bệnh viêm da cơ địa thường xuất hiện ở những người bị dị ứng và hen suyễn. Chàm xuất hiện những tổn thương da chân, mặt, có tróc vẩy đỏ, mùa lạnh bệnh càng nặng.
Đối tượng bị chàm thường là trẻ nhở dưới 2 tuổi. Chàm sữa ở trẻ xuất hiện các mảng hồng ban sẩn, mụn nước, đóng mày, tróc vảy. Vị trí thường thấy là ở hai má sau đó lan đến cằm, đầu, trán. Tuy nhiên, bệnh không xuất hiện ở mắt hay mũi. Nếu bệnh nặng sẽ lan ở mặt, dưới cánh tay, các khuỷu tay, thân mình, tứ chi,...
Để hạn chế bệnh chàm tái phát cần giữ ấm cơ thể, ăn uống đầy đủ, tránh tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa. Đối với trẻ nhỏ nên cho trẻ uống nhiều nước, vệ sinh mặt, miệng kỹ sai mỗi lần ăn. Không nên mặc đồ quá chật cho trẻ vì dễ gây kích ứng da, nên cắt móng tay cho trẻ tránh gãi và đi găng tay bảo vệ trẻ. Đặc biệt không tự ý cho trẻ sử dụng thuốc khi chưa thăm khám bác sĩ.
2. Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?
Người bị dị ứng thời tiết khi tiếp xúc với các yếu tố bất lợi sẽ xuất hiện các triệu chứng dị ứng về da rất nhanh. Khi cơ thể tiếp xúc với sự thay đổi của môi trường sẽ gây hiện tượng dị ứng thời tiết, mỗi đối tượng sẽ xuất hiện các phản ứng khác nhau trước tác nhân gây dị ứng thời tiết và mức độ dị ứng cũng khác nhau.
Dị ứng về da do thời tiết là hiện tượng thường xuất hiện vào mùa đông khi nhiệt độ hạ thấp, không khí khô khiến tình trạng dị ứng da xảy ra nặng hơn. Ngoài ra, khi trời mưa gió cũng dễ xảy ra tình trạng dị ứng.
Dị ứng thời tiết gồm 2 dạng là cấp tính và mãn tính. Nếu bệnh ở dạng cấp tính thì tình trạng bệnh dị ứng do thời tiết sẽ kéo dài từ 1 ngày đến dưới 6 tuần. Biểu hiện xuất hiện triệu chứng ngứa gây cảm giác khó chịu cho người bị bệnh. Tuy nhiên, bệnh nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn tới tình trạng dị ứng mạn tính gây nguy hiểm cho người bị bệnh như xuất hiện dấu hiệu phù nề, gây nhiễm trùng da, tụt huyết áp, sốc phản vệ và thậm chí còn gây tử vong.
3. Bị dị ứng thời tiết nên làm gì?
Đối với các bệnh về dị ứng thời tiết là các bệnh không thể điều trị dứt điểm vì liên quan đến cơ địa và hệ miễn dịch của từng người. Những người thường xuyên bị dị ứng thời tiết chỉ có giải pháp cần điều trị theo từng đợt và hạn chế với các yếu tố thời tiết bất lợi khiến tình trạng dị ứng xảy ra.
Ngoài ra, người dễ bị dị ứng thời tiết nên hạn chế tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa và không hút thuốc lá hoặc uống đồ uống có cồn để tránh kích thích tình trạng dị ứng khiến bệnh trầm trọng hơn. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, trái cây và thực hiện chế độ nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng. Nếu kết quả điều trị dị ứng không khả quan cần gặp bác sĩ để nhận được hỗ trợ kịp thời vì bệnh có thể gây ra những biến chứng không mong muốn nếu kéo dài.