Các giai đoạn sốt xuất huyết thường gặp

Thảo Ngân
30/09/2020 - 17:34
Các giai đoạn sốt xuất huyết thường gặp
Sốt xuất huyết là bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn tới tử vong. Xác định được các giai đoạn sốt xuất huyết và diễn biến của bệnh giúp việc điều trị đạt hiệu quả cao hơn.

Sốt xuất huyết có tên khoa học là Dengue Fever, là loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây ra bởi virus Dengue. Tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết - virus Dengue thường tồn tại trong cơ thể loài muỗi vằn (muỗi Aedes aegypti).

1. Sốt xuất huyết là gì?

Con đường truyền bệnh sang người diễn ra như sau: Muỗi vằn cái hút máu bệnh nhân nhiễm virus Dengue, ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 1 đến 2 tuần. 

Trong thời gian này, muỗi vằn tiếp tục đốt và truyền bệnh người chưa nhiễm bệnh. Vòng tuần hoàn này tiếp tục được lặp đi lặp lại, vì vậy nguy cơ bùng phát thành dịch là rất cao.

Thời điểm sốt xuất huyết bùng phát thành dịch thường là vào mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 8). Độ ẩm không khí cao cùng môi trường ẩm ướt là điều kiện lí tưởng cho các loài muỗi sinh sôi và virus Dengue phát triển.

Do vậy, việc phân biệt đâu là muỗi thường, đâu là muỗi gây bệnh sốt xuất huyết cũng rất quan trọng. Bạn có thể xem thêm trong bài viết: Hướng dẫn phân biệt muỗi thường và muỗi gây sốt xuất huyết!

Trước đây, đối tượng mắc bệnh sốt xuất huyết thường là trẻ nhỏ, tuy nhiên bệnh đang có xu hướng "tấn công" cả người lớn với tỉ lệ gây tử vong cao. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị, những trường hợp nặng điều trị hầu như chỉ hạ sốt, truyền dịch và chống sốc tích cực. Những trường hợp nhiễm bệnh nhẹ có thể tự khỏi sau một tuần. 

Sau khi bị nhiễm virus gây bệnh, bệnh nhân thường có một số biểu hiện khác nhau trong từng giai đoạn sốt xuất huyết. Xác định chính xác diễn biến và các giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết giúp việc điều trị có hiệu quả cao hơn và đề phòng các biến chứng.

  • Tham khảo thêm

    7 biến chứng đặc biệt nguy hiểm của sốt xuất huyết: Có thể xuất huyết não, tử vong nhanh

2. Các giai đoạn sốt xuất huyết thường gặp

2.1. Giai đoạn ủ bệnh

Sau khi bị muỗi vằn mang virus Dengue cắn (đốt), các tác nhân gây bệnh sẽ ủ trong cơ thể bệnh nhân từ 3 đến 14 ngày. Ở giai đoạn sốt xuất huyết đầu tiên, bệnh nhân thường không có triệu chứng gì đặc biệt, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường.

2.2. Giai đoạn sốt

Ở giai đoạn sốt xuất huyết này, bệnh nhân thường sốt cao đột ngột (trên 39 độ) mà không rõ nguyên nhân. Sốt thường kéo dài trong khoảng từ 2 đến 7 ngày đầu tiên, sốt cao nhất là vào 3 ngày đầu của bệnh. Từ ngày thứ 4 trở đi, bệnh nhân thường không còn sốt cao và các triệu chứng cũng giảm nhẹ dần.

Trong thời gian này, ngoài biểu hiện sốt cao, bệnh nhân còn có thể xuất hiện triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ bắp, đau sau hốc mắt, đau bụng, buồn nôn, nôn, đau thượng vị và tiêu chảy,... Đây cũng là lúc các chấm nhỏ màu đỏ (xuất huyết) bắt đầu xuất hiện dưới da, niêm mạc và cả nội tạng.

Ở giai đoạn sốt xuất huyết này, tuyệt đối không được sử aspirin, analgin, ibuprofen để hạ sốt vì đây là các thành phần có thể gây ra xuất huyết, tan máu. Khi có biểu hiện sốt xuất huyết, chỉ được sử dụng paracetamol để hạ sốt với liều lượng không quá 60mg/kg cân nặng/ ngày ( đối với người lớn). Không nên tự ý truyền dịch và sử dụng các loại thuốc khác để đề phòng tác dụng phụ.

Ngoài ra, nên tới bệnh viện sớm để được chuẩn đoán và điều trị kịp thời. Tiến hành điều trị sớm từ giai đoạn sốt xuất huyết này sẽ hạn chế được nguy cơ xảy ra các biến chứng như: giảm tiểu cầu, suy đa tạng, chảy máu dạ dày,....

2.3. Giai đoạn nguy hiểm

Sau khi sốt 2-7 ngày là giai đoạn sốt xuất huyết nguy hiểm nhất với nhiều nguy cơ xảy ra biến chứng, người bệnh không nên chủ quan. Sau khi giảm sốt, các biểu hiện có thể gặp là: thoát huyết tương dẫn tới sốc (vật vã, tay chân lạnh, nhịp tim nhanh,...) hoặc tràn dịch màng phổi, phù nề mí mắt, căng da.

  • Tham khảo thêm

    Cần làm gì để tránh xa các biến chứng sốt xuất huyết?

 2.4. Giai đoạn phục hồi

Sau khi điều trị các triệu chứng và không còn ở trong tình trạng nguy hiểm, cơ thể bệnh nhân bắt đầu dần hồi phục. Giai đoạn sốt xuất huyết cuối cùng này thường kéo dài từ 2-7 ngày tùy vào thể trạng của người bệnh. Lúc này, cảm giác thèm ăn trở lại. sức khỏe của bệnh nhân tốt lên, đồng thời các chỉ số tiểu cầu, huyết áp, nhịp tim,... cũng dần trở về trạng thái bình thường.

Tuy nhiên, ở giai đoạn sốt xuất huyết cuối cùng, vẫn nên thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe và các biểu hiện bất thường của bệnh nhân, đặc biệt là trong quá trình truyền dịch.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm