Những sợi bún trắng trong, mềm, mát, được dùng để lót dạ điểm tâm buổi sáng, có thể ăn trong bữa chính buổi trưa, buổi tối, để rồi, khi ăn khuya, nhiều người vẫn chọn bún. Bún không để ăn riêng, một mình, nhưng lại là nguyên liệu không thể thiếu được của nhiều món bắt đầu bằng bún, như bún cá, bún chả, bún riêu cua...
Thế giới các món ăn từ bún cũng vô cùng phong phú, nào là bún chan nước, bún trộn, bún xào, bún ăn liền... Dù bạn chọn món nào, những sợi trắng trong “mềm như bún” vẫn là hương vị khó quên.
Các món bún cũng hợp với mọi mùa, mọi thời tiết của xứ nhiệt đới. Mùa hè, khi cơm trắng trở nên khô khan, khó nuốt, những sợi bún như trôi tuột vào trong cổ họng, mát rượi. Mùa đông, một tô bún nóng hôi hổi đủ ấm lòng giữa những trận gió mùa đông bắc. Để làm được những sợi bún trắng trong, có mặt tại các chợ to, chợ nhỏ trên khắp nước Việt cũng thật cầu kỳ và mất nhiều thời gian.
Muốn bún được trắng, được ngon, phải lựa loại gạo mùa, thơm và dẻo, đem đãi sạch, ngâm nước để qua đêm cho gạo mềm. Sau đó, đưa gạo ngâm xay thành thứ bột nhão, dẻo. Đó mới là công đoạn đầu tiên. Bước tiếp theo là ủ bột, chắt bỏ nước chua, rồi đem ép thành từng quả bột to.
Những quả bột này lại tiếp tục trải qua công đoạn nhào, trộn trong nước sạch, lọc kỹ nhiều lần để thu được tinh bột gạo. Tinh bột gạo được cho vào chiếc khuôn được chế riêng để tạo nên những sợi bún dài, chảy xuống nồi nước sôi. Khi bún chín nổi lên, sẽ được ngâm vào nước lạnh để sợi bún không dính vào nhau và tạo hình cho bún.
Không cầu kỳ, là loại bún rối, sau khi vớt khỏi nước, được để ráo, không cần sắp xếp theo hình dáng cố định. Bún rối cũng là món bún quen thuộc nhất, được dùng cho hầu hết món bún nước như bún bò, bún bung, bún cá... Tiếp theo, đó là bún lá (nhiều nơi còn gọi là bún vắt), các sợi bún được cuộn tròn thành từng miếng nhỏ cỡ bàn tay, khi ăn được cắt thành miếng vừa miệng, dùng với các món bún chấm như bún nem, bún đậu, bún ốc nguội... Ngoài ra, còn có bún nắm, bún vảy ốc, bún sợi to, sợi nhỏ, bún thửa riêng cho các nhà hàng...
Từ những sợ bún trắng trong, mỗi vùng miền lại sáng tạo ra những loại bún đặc trưng riêng của mình. Người miền Bắc không thể thiếu bún thang, bún chả, bún mọc, bún riêu cua. Người miền Trung có món bún bò Huế, bún chả cá, bún sứa... nổi tiếng. Món bún của miền Nam mang một nét hấp dẫn riêng và đặc biệt, không thể bỏ qua các món bún của miền Tây sông nước với món mắm đậm đà khó quên.
Nhưng dù nấu theo kiểu nào, món bún nước cũng ngon đậm vị nhờ nồi nước dùng trong, ngọt được ninh từ xương, rau, củ, gia vị trong nhiều giờ. Khi ăn, lấy một nhúm bún nhỏ, chần sơ qua trong nước sôi vừa đủ để sợi bún tơi ra, xếp vào bát, cho thêm các thứ rau, thịt ăn kèm, chan nước dùng còn đang nóng hôi hổi vào ngập mặt bún, hít hà, thưởng thức. Nếu không thích ăn bún nước, hãy thử thưởng thức một tô bún cá trộn, bún bò Nam bộ, bún hến hay bún xào, ngon nhưng cũng không quá nặng bụng.
Trong hành trình tìm hiểu về bún, hãy cùng điểm qua một vài món bún mang đậm hương sắc vùng miền của đất Việt:
Bún thang Hà Nội
Mỗi khi nói đến ẩm thực Hà Nội, không thể thiếu bún thang. Bún thang không chỉ cầu kỳ ở nước dùng dậy thơm mùi cà cuống, sá sùng, mắm tôm mà còn được trình bày hấp dẫn như một vườn hoa đang khoe sắc. Nào là sắc vàng của những sợi trứng tráng nhỏ tơi, sắc hồng của giò lụa, sắc trắng của thịt gà, một chút nâu của nấm hương, màu xanh của hành lá, rau răm...
Tất cả nguyên liệu được xếp nổi bật trên nền bún trắng tinh. Những sợi bún như một tấm phông nền hoàn hảo để nổi bật các nguyên liệu xung quanh, để hương vị bún thang chinh phục và làm hài lòng những người sành ăn nhất.
Bún bò Huế
Bún bò Huế là một trong những đặc sản của xứ Huế mộng mơ. Món ăn có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, một cục tiết nhỏ, kết hợp hài hòa với loại nước dùng có màu đỏ đặc trưng. Tùy từng nơi, bún bò Huế còn được gia giảm thêm thịt bò tái, chả bò, nhưng không thể thiếu được hương mắm ruốc-hương vị rất riêng của nồi bún bò Huế.
Bún mắm
Đây là món đặc trưng của miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Món ăn được chế biến từ các nguyên liệu rất đơn giản gồm nước cốt dừa, thịt cá, ngũ vị hương, bột điều, sả để nấu thành một nồi nước màu vàng đục, có vị béo và mùi thơm thoang thoảng. Món bún dậy thơm mùi cá biển, tôm khô, các vị rau...
Vùng đất nào, miền quê nào cũng có rất nhiều món ăn từ bún. Hãy dành thời gian khám phá, thưởng thức để thêm yêu từng sợi bún trắng trong, thêm yêu hương vị giản dị mà quá đỗi thân thương của các món bún Việt.