Các nhà khoa học nói gì về hiệu quả lọc nước sông Tô Lịch công nghệ Nano?

22/05/2019 - 19:05
Khó triển khai đại trà, chi phí để duy trì sẽ tốn kém; không thể thấy thay đổi một chút đã khẳng định là tốt được… là những ý kiến của các nhà khoa học đánh giá về dự án lọc nước công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản hiện đang thí điểm lọc nước song Tô Lịch.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội cho phép đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty cổ phần Cải Thiện Môi Trường Nhật Việt (JVE) thực hiện “Dự án tài trợ thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản.

Theo đó, có 4 máy đã được lắp đặt trên một đoạn sông Tô Lịch dài khoảng 300m, nằm trên đường Hoàng Quốc Việt giao cắt đường Bưởi và 2 máy trên khu vực Hồ Tây. Đơn vị lắp máy khẳng định, Công nghệ Nano- Bioreactor có thể xử lý ô nhiễm tại sông Tô Lịch không cần nạo vét cơ học nhưng chỉ sau 3 ngày mùi hôi thối sẽ giảm đáng kể. Sau khoảng thời gian 2 tháng các chất thải và bùn dưới sông sẽ bị phân hủy.

Sau 6 ngày lắp máy, hiện đoạn sông Tô Lịch được thử nghiệm, mùi hôi thối đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên, không ít nhà khoa học vẫn hoài nghi về hiệu quả của thiết bị này. 

PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên giảng viên Khoa Hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, giải pháp này chỉ mang tính ngắn hạn.

Theo PGS. Trần Hồng Côn, công nghệ này có thể giải quyết mùi hôi thối nhưng sẽ phải hoạt động liên tục và trong thời gian dài, nếu thiết bị dừng lại thì tình trạng ô nhiễm lại tái diễn. Nếu tiếp tục làm, Hà Nội sẽ phải chi ra số tiền rất lớn để duy trì.  

Nhân viên kỹ thuật lắp máy lọc Nano trên sông Tô Lịch

 Hơn nữa, việc làm sạch bằng máy dù hiệu quả thì cũng chỉ là nhân tạo, sông Tô Lịch vẫn không có khả năng tự làm sạch. Trong khi đó, nếu nạo vét hoàn toàn lớp bùn dưới sông sẽ giết hết các loại vi sinh vật có ích thì sông sẽ trở thành con mương nhân tạo.

Cũng theo PGS. Trần Hồng Côn, vấn đề cốt lõi để giảm ô nhiễm là phải tách được nước thải của hàng chục nghìn hộ dân chảy vào sông. Nếu các giải pháp khác dù có tốt đến đâu cũng chỉ là tạm thời, tình thế.

“Nếu đặt máy dưới lòng sông nhưng hàng ngày hàng ngàn khối nước thải sinh hoạt, sản xuất vẫn đổ ra sông thì tình trạng ô nhiễm sẽ vấn tiếp tục như hiện nay”, PGS. Trần Hồng Côn nói.

Còn theo PGS. Nguyễn Chu Hồi, khoa Môi trường (ĐH Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) trước đây cũng đã có một số đơn vị thử các phương pháp để làm sạch sông Tô Lịch nhưng sau đó rồi thôi.

Theo PGS. Chu Hồi, công nghệ Nano có thể rất tốt nhưng liệu nó sẽ xử lý được đến mức nào? Không thể thấy thay đổi một chút đã khẳng định là tốt được. Ví như, để xử lý nước biển thành nước ngọt thì rất dễ nhưng biến nước biển thành nước ngọt có thể nuôi trồng thủy sản ở ven biển với khối lượng lớn thì không bao giờ khả thi. Do đó, phương pháp này thành công về mặt khoa học, nhưng để áp dụng đại trà thì rất khó.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm