pnvnonline@phunuvietnam.vn
Các nhà khoa học sử dụng cá mập hổ để vẽ bản đồ đại dương
Một nhóm gồm bảy con cá mập hổ do tổ chức phi lợi nhuận bảo tồn đại dương của Mỹ thuê Beneath the Waves gần đây đã hoàn thành một sứ mệnh duy nhất: vạch ra một khu vực của Bahamas, nơi hiện đã được công nhận là đồng cỏ biển lớn nhất thế giới.
Tất nhiên, những con cá mập không biết về sứ mệnh của mình, nhưng dù sao thì đó cũng là một thành công vang dội, theo một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Nature.
Trong nhiều năm, Beneath the Waves đã theo dõi hành vi của cá mập hổ ở Bahamas với mục tiêu xác định xem môi trường biển mà loài cá mập này di chuyển thường xuyên có thể được cải thiện như thế nào.
Trước đây, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cá mập hổ dành một khoảng thời gian đáng kể trên đồng cỏ biển để tìm kiếm con mồi. Và chúng có thể bơi khoảng 44 dặm mỗi ngày trên khu vực này, bởi vậy chúng đã được lựa chọn để trở thành đối tác nghiên cứu tuyệt vời cho giới khoa học với hy vọng lập bản đồ chính xác môi trường cỏ biển của Trái Đất.
Nhóm nghiên cứu đã trang bị cho sáu con cá mập camera sử dụng các khớp xoay được thiết kế chống ăn mòn trong nước muối. Một con cá mập còn lại sẽ được đeo máy ảnh 360 độ, và đây cũng là lần đầu tiên động vật biển được trang bị máy ảnh 360 độ lên cơ thể.
Theo báo cáo của ABC Australia, điều quan trọng là các nhà khoa học phải ước tính chính xác có bao nhiêu cỏ biển trên Trái Đất, vì cỏ biển có thể lưu trữ carbon lâu hơn hầu hết các loài thực vật trên cạn.
Carbon được lưu trữ trong các hệ sinh thái biển và ven biển được gọi là "carbon xanh", nhưng điều khiến cỏ biển trở nên đặc biệt hữu ích là nó lưu trữ lượng carbon đó trong lớp trầm tích bên dưới, thay vì tự giữ lấy nó.
Mặt khác, thực vật trên cạn thường giải phóng carbon dự trữ khi chúng chết và phân hủy.
Với cỏ biển, "rất nhiều carbon sẽ được cô đọng trong đất, nơi nó có thể bị giữ lại hàng thiên niên kỷ nếu nó môi trường không bị xáo trộn", Michael Rasheed, người đứng đầu Phòng thí nghiệm sinh thái cỏ biển tại Đại học James Cook, nói với ABC Australia.
Thật không may, phần lớn cỏ biển của Trái Đất đang bị xáo trộn do kết hợp của sự tàn phá trực tiếp của con người, cùng với thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu - sau đó giải phóng carbon dự trữ đó vào khí quyển và làm tăng thêm sự nóng lên toàn cầu.
Theo Rasheed, Trái Đất đang mất "tới 7%" cỏ biển mỗi năm, trên toàn cầu.
Vì lý do đó, cá mập hổ trở thành loài có ích đối với môi trường và có thể làm giảm tác động của biến đổi khí hậu, vì chúng giúp giữ cho đồng cỏ biển khỏe mạnh bằng cách săn mồi các loài ăn cỏ biển như rùa biển, cá nược và lợn biển - những loài này ăn cỏ biển và góp phần làm suy giảm cỏ biển.
Chu kỳ tự nhiên này cũng được chứng minh là mang lại lợi ích to lớn cho các nhà khoa học.
"Những con cá mập hổ đã dẫn chúng tôi đến hệ sinh thái cỏ biển ở Bahamas, nơi mà chúng tôi biết bây giờ có khả năng là bể chứa carbon xanh lớn nhất trên hành tinh", Austin Gallagher, nhà khoa học và giám đốc điều hành chính của Beneath the Waves cho biết.
Ông nói: "Trang bị camera vào động vật với mục đích phục vụ khoa học không hẳn là một điều mới mẻ, nhưng sử dụng cách tiếp cận này để lập bản đồ các đáy biển là một khái niệm tương đối mới. Tôi thực sự nghĩ rằng đó là cách duy nhất để khảo sát chính xác đáy biển trên khắp các vùng đại dương rộng lớn và xa xôi".
Khảo sát thích hợp là cách duy nhất để các nhà nghiên cứu thực sự hiểu hành tinh của chúng ta còn lại bao nhiêu cỏ biển - đó là cách duy nhất để cung cấp dữ liệu cho việc bảo tồn thích hợp các môi trường sống tự nhiên này.
Rasheed nói: "Cỏ biển cũng giúp ngăn chặn xói mòn bờ biển. Và ở những nơi bạn thấy có cỏ biển mọc tươi tốt, môi trường biển ở đó chắc chắn sẽ rất trong sạch, bởi loài thực vật này sẽ loại bỏ trầm tích và chất dinh dưỡng chảy từ đất ra rạn san hô".
Các ước tính hiện tại nói rằng có khoảng 99.660 đến gần 1 triệu dặm vuông cỏ biển đã được xác minh dưới lòng đại dương, nhưng vẫn chưa có cách nào để biết chắc chắn cho đến nay.
Dựa trên những ước tính này, đồng cỏ mới được lập bản đồ ở Bahamas, có thể trải dài ước tính 92.000 km vuông, tương đương 57.200 dặm vuông, có thể chứa từ 19 đến 26 phần trăm carbon xanh bị chôn vùi trong cỏ biển trên toàn cầu.
Gallagher nói rằng tình trạng hiện tại của cuộc khủng hoảng khí hậu có nghĩa là những đồng cỏ này cần được bảo vệ nhiều hơn.
Ông nói: "Mức độ được ghi nhận của các đồng cỏ biển vẫn chưa được hiểu rõ. Vì vậy, rõ ràng là cần phải lập bản đồ và khoa học để nhanh chóng ghi lại những khu vực này, và sau đó bảo vệ chúng, vì vô số lợi ích mà chúng mang lại cho con người và sự tồn tại của chính chúng ta".