pnvnonline@phunuvietnam.vn
Các nốt mụn thuỷ đậu sau khi đóng vảy có lây không? Khi nào thì bệnh không còn lây nhiễm?
Bệnh thủy đậu hay còn gọi là trái rạ gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh và gây nên những triệu chứng mệt mỏi, khó chịu. Vì vậy, rất nhiều người quan tâm đến thời gian khỏi bệnh cũng như khả năng lây lan của nốt mụn thủy đậu sau khi đã đóng vảy.
Vậy thực tế các nốt mụn thủy đậu sau khi đóng vảy có lây không và khi nào bệnh không còn lây nhiễm?
1. Khi nào thì các nốt mụn thủy đậu khô lại và đóng vảy?
Các chuyên gia y tế về da liễu đã chứng minh rằng việc những nốt mụn thủy đậu khô lại và đóng vảy là dấu hiệu hồi phục khi mắc bệnh.
Trên thực tế, giai đoạn phát triển của thủy đậu còn tùy thuộc vào thể trạng của mỗi bệnh nhân. Tuy nhiên, trung bình mất từ 7 đến 21 ngày để những triệu chứng cụ thể xuất hiện và từ 7 đến 10 ngày sau đó thì các nốt mụn sẽ khô lại và cơ thể dần bình phục.
Trong đó, giai đoạn toàn phát, các ban thủy đậu dạng bỏng nước xuất hiện và tự đóng vảy, bong tróc dần. Tình trạng này sẽ tái diễn liên tục trong một thời gian sau đó đóng vảy hoàn toàn. Thông thường khi bong tróc, các nốt mụn thủy đậu sẽ không để lại sẹo ở trẻ em nhưng lại rất dễ để lại sẹo ở người lớn.
Từ đó, có thể kết luận rằng các nốt thủy đậu sẽ đóng vảy khi bệnh thủy đậu đến giai đoạn hồi phục. Lúc này, bệnh nhân cần đặc biệt chú ý để không bị sẹo.
2. Các nốt mụn thủy đậu sau khi đóng vảy có lây không?
Các ban dưới dạng phỏng nước là một biểu hiện đặc trưng của bệnh thủy đậu. Những nốt mụn này tiến triển dần từ các mụn đỏ thành các mụn nước. Khi vỡ ra, dịch mủ bên trong chảy ra ngoài và có thể lây lan nếu người khỏe mạnh tiếp xúc trực tiếp.
Sau khi chảy hết dịch mủ, các nốt mủ sẽ tự đóng vảy. Chu kì này lặp đi lặp lại nhiều lần tại các vùng da của cơ thể cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.
Do đó ngay cả khi các nốt thủy đậu có dấu hiệu đóng vảy thì bệnh nhân cũng không nên chủ quan vì tình trạng nổi mụn nước, vỡ ra sau đó đóng vảy có thể lặp đi lặp lại nhiều lần. Thêm vào đó, giai đoạn này cũng là thời gian có nguy cơ lây nhiễm cao nhất của bệnh. Các nốt thủy đậu thường mọc thành nhiều đợt, các đợt thông thường sẽ cách nhau từ 2 đến 3 ngày.
Các nốt mụn sẽ tự khô và đóng vảy màu nâu sẫm sau từ 5 đến 7 ngày kể từ khi phát ban. Nếu được chăm sóc và kiêng khem cẩn thận thì vảy sẽ tự bong sau 1 tuần và không để lại các vết thâm sẹo.
Nếu sau khi đóng vảy mà vẫn còn đau rát ở trên da, có hiện tượng sưng đỏ kèm theo mủ thì người bệnh cần đến cơ sở y tế do có thể đã bị bội nhiễm do vi khuẩn.
=>> Đọc thêm kiến thức về bệnh thủy đậu qua bài viết: Bệnh thủy đậu có lây không? Những điều cần lưu ý để phòng tránh lây bệnh
3. Khi nào thủy đậu không còn lây nhiễm?
Theo các bác sĩ chuyên khoa, nguy cơ lây nhiễm bệnh thủy đậu chỉ thật sự hết nếu các nốt mụn đã khô và không xuất hiện thêm bất kỳ mụn nước mới nào trên cơ thể. Bệnh nhân cần theo dõi cơ thể thật kĩ để chắc chắn rằng các nốt mụn đóng vảy, bong tróc hoàn toàn để có thể biết thật sự không còn nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khác.
Lúc này, bệnh nhân có thể không cần cách ly, đi làm hoặc đi học bình thường. Trong giai đoạn hồi phục, cần lưu ý chăm sóc thật cẩn thận. Có thể sử dụng nước muối sinh lý để làm mềm lớp vảy và dễ bóc ra khỏi bề mặt da một cách dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, cần lưu ý khi vảy thủy đậu vẫn còn dính chắc, tuyệt đối không nên cố gắng bóc để chúng bong ra vì sẽ rất dễ làm da tổn thương và để lại sẹo.