pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cách bảo vệ họng trong thời điểm giao mùa hè - thu
Thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ, độ ẩm thay đổi thất thường khiến cho vi khuẩn, virus phát triển mạnh, hệ thống miễn dịch của con người suy giảm. Từ đó, dễ gây ra các bệnh hô hấp, đau họng là một trong những triệu chứng phổ biến.
1. Tại sao thời điểm giao mùa hè - thu dễ gây đau họng
Đau họng là cảm giác đau, khô hoặc ngứa trong cổ họng. Hầu hết đau họng là do nhiễm trùng, hoặc do các yếu tố môi trường như không khí khô, khói bụi... Mặc dù đau họng có thể gây khó chịu nhưng thường sẽ tự khỏi.
Khi thời tiết thay đổi, cơ thể con người không kịp thích ứng, hệ miễn dịch suy yếu nên dễ bị vi khuẩn, virus tấn công. Mà trong thời điểm chuyển mùa hè - thu, độ ẩm và nhiệt độ phù hợp để các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển. Vì vậy, con người dễ mắc bệnh trong thời gian này, phổ biến là cảm cúm, viêm họng, dị ứng… Các bệnh này thường có các triệu chứng là đau họng.
2. Cách bảo vệ họng trong mùa hè - thu
Để ngăn ngừa nhiễm các bệnh về đường hô hấp cũng như đau họng, biện pháp tốt nhất để đảm bảo sức khỏe là bảo vệ các bộ phận mũi - họng.
- Vệ sinh răng miệng, mũi - họng thường xuyên
Mũi - họng có chứa rất nhiều vi khuẩn do thường trao đổi với môi trường, thực phẩm. Vì vậy, để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển gây bệnh, các bạn nên vệ sinh mũi - họng hàng ngày với nước muối sinh lý. Mỗi ngày nên dùng 2 lần, sáng thức dậy và tối đi ngủ.
- Giữ ấm cơ thể nhất là vùng họng
Giao mùa hè thu, nhiệt độ có sự thay đổi, sáng sớm và tối nhiệt độ hơi se lạnh. Thêm đó, nhiều người vẫn có thói quen dùng quạt, điều hòa vào khoảng thời gian này nên dễ gây đau họng, các bệnh hô hấp.
Vì vậy, các bạn nên giữ ấm cho cơ thể khi nhiệt độ xuống thấp, nên tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, khi ngủ nên bảo vệ những bộ phận cổ, đầu, ngực.
- Hạn chế dùng thực phẩm lạnh
Những thực phẩm lạnh sẽ làm gia tăng khả năng bị đau họng. Do đó, trong thời tiết giao mùa hè - thu, các bạn nên lựa chọn những thực phẩm nóng, ấm.
- Tăng sức đề kháng
Một trong những nguyên nhân khiến chúng ta dễ bị bệnh khi thời tiết thay đổi là hệ miễn dịch suy yếu. Để bảo vệ sức khoẻ, điều cần thiết là bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, xây dựng lối sống lành mạnh nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Chế độ ăn uống: Bổ sung đa dạng thực phẩm với nhiều khoáng chất và vitamin. Một số thực phẩm nên bổ sung thường xuyên như: ớt chuông, cam, quýt, súp lơ, tỏi, gừng, sữa chua, các loại hạt… Đặc biệt, nên hạn chế thực phẩm chiên rán, đồ uống có chất kích thích…
Lối sống: Nên duy trì lối sống lành mạnh như ngủ sớm, vận động thường xuyên, tập thể dục (đi bộ, yoga, đạp xe…)
- Sát khuẩn thường xuyên
Để hạn chế sự lây nhiễm từ virus gây bệnh, các bạn nên rửa tay, sát khuẩn thường xuyên, nhất là khi ra ngoài. Trong nhà nên vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, khô ráo.
3. Khi bị đau họng nên làm gì để cải thiện
Khi bị đau họng trong thời tiết giao mùa hè - thu, các bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau để làm giảm các triệu chứng:
- Súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối ấm có thể giúp làm dịu cổ họng ngứa ngáy. Muối kéo chất nhầy ra khỏi mô sưng, viêm và giúp giảm cảm giác khó chịu.
Mayo Clinic khuyên bạn nên kết hợp 1/4 đến 1/2 thìa cà phê muối ăn với 4 đến 8ml nước ấm. Khuấy đều cho đến khi muối tan hết. Sau đó súc miệng trong vài giây và nhổ ra. Lặp lại việc súc miệng bằng muối vài lần mỗi ngày.
- Dùng trà với mật ong
Trà ấm pha với mật ong có thể giúp làm dịu cổ họng khi bị đau. Bạn có thể uống một cốc trà khi cơn đau họng bắt đầu ngứa ngáy.
Bạn có thể cân nhắc lựa chọn trà xanh, loại trà có tác dụng kháng khuẩn, giảm đau và giàu chất chống oxy hóa cũng như giúp giảm viêm.
Mật ong có một lợi ích khác khi bạn bị ốm. Nghiên cứu cho thấy đây là một loại thuốc giảm ho hiệu quả và hoạt động tương tự như thuốc ho không kê đơn.
- Uống đủ nước
Uống đủ nước là một phần quan trọng trong việc điều trị đau họng. Khi bạn bị mất nước, cơ thể không thể sản xuất đủ nước bọt và chất nhầy để giữ cho cổ họng của bạn được bôi trơn tự nhiên. Điều này sẽ khiến tình trạng sưng tấy và viêm nhiễm trở nên trầm trọng hơn. Ngoài nước, trà ấm và súp ấm cũng là những lựa chọn tuyệt vời.
- Giữ ấm vùng cổ
Giữ ấm vùng cổ sẽ giúp tình trạng đau họng được thuyên giảm, ngăn ngừa sự nhiễm lạnh từ bên ngoài. Đặc biệt, khi đi ngủ, các bạn nên dùng khăn hoặc chăn đắp lên vùng cổ, thoa thêm một chút dầu tràm, dầu long não… sẽ hữu ích trong việc làm giảm cơn đau họng.
- Dùng thuốc
Đối với những trường hợp bị đau họng nặng, khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, các bạn có thể dùng kháng sinh. Nhưng cần thăm khám và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.
4. Đau họng khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Hầu hết các cơn đau họng sẽ dần thuyên giảm, có thể hoặc không cần dùng đến thuốc. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau họng kéo dài, kèm theo nhiều triệu chứng bất thường khác nên đến bệnh viện kiểm tra, cụ thể:
- Bị đau dữ dội khi nuốt
- Sốt cao
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
Có thể nói, đau họng trong thời điểm giao mùa là tình trạng nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, mọi người hoàn toàn có thể phòng bệnh với lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ, sát khuẩn thường xuyên, giữ vệ sinh nhà cửa…
Nguồn tham khảo:
- Understanding Sore Throat - the Basics
- Help for Sore Throats