pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cách phân biệt thủy đậu và sốt phát ban
Thủy đậu và sốt phát ban rất dễ nhầm lẫn vì chúng đều xuất hiện những ban trên da. Việc phân biệt thủy đậu và sốt phát ban sẽ giúp người bệnh có biện pháp xử lý kịp thời, phòng tránh các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe.
1. Phân biệt nguyên nhân gây bệnh thủy đậu và sốt phát ban
Một trong những cách phân biệt thủy đậu và sốt phát ban chính là xem xét nguyên nhân gây bệnh của hai căn bệnh này.
Trong khi sốt phát ban là một bệnh nhiễm trùng nhẹ thường xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ em ở độ tuổi lên 2. Nguyên nhân gây sốt phát ban là hai chủng virus herpes phổ biến và virus herpes 6 và virus herpes 7 gây ra.
Còn thủy đậu là một căn bệnh có khả năng truyền nhiễm cao, do virus varicella zoster gây ra. Thủy đậu có thể xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn.
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh
Dấu hiệu nhận biết bệnh là một trong những phương pháp phân biệt thủy đậu và sốt phát ban dễ dàng nhất:
- Dấu hiệu nhận biết sốt phát ban:
Sốt phát ban được gây ra bởi các virus thông thường và hầu hết là lành tính. Triệu chứng của sốt phát ban là xuất hiện những ban đỏ nhưng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể và sau khi bay thường không để lại sẹo hoặc vết thâm.
- Bệnh thủy đậu có những triệu chứng nào?
Trong khi đó, bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện trong khoảng từ 10 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Thủy đậu là căn bệnh khởi phát đột ngột với dấu hiệu nhận biết là nổi mụn nước ở mặt, chi, sau đó lan nhanh ra toàn thân chỉ trong vòng 12 - 24 giờ.
Các mụn nước có đường kính từ 1 đến 3mm, có chứa dịch trong. Trong những trường hợp nặng, mụn nước sẽ to hoặc mụn sẽ có màu đục khi bị nhiễm trùng.
Khi mắc thủy đậu, bệnh nhân là trẻ em thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn; ở người lớn thì thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Thủy đậu sẽ kéo dài trong khoảng 7 - 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không có khả năng để lại sẹo. Nhưng nếu bị nhiễm thêm vi khuẩn mụn nước có thể để lại sẹo gây mất thẩm mỹ cho người mắc bệnh.
3. Cách điều trị bệnh khác nhau
Ở các bệnh nhân khỏe mạnh, căn bệnh thủy đậu thường tự khỏi mà không cần điều trị y khoa. Bác sĩ có thể kê đơn một số thuốc kháng histamin giúp giảm bớt tình trạng ngứa ngáy, khó chịu do căn bệnh gây ra.
Nếu người bệnh có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng của bệnh thủy đậu, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc để rút ngắn thời gian nhiễm trùng, giảm thiểu khả năng gặp biến chứng. Cụ thể, thuốc kháng virus acyclovir hay globulin miễn dịch dùng đường tiêm tĩnh mạch, dùng trong vòng 24 giờ sau khi triệu chứng phát ban đầu tiên xuất hiện có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của căn bệnh thủy đậu.
Trong khi đó, sốt phát ban thường có diễn biến lành tính và chỉ sau 3 ngày, các nốt phát ban sẽ dần biến mất. Vì vậy, người bệnh chỉ cần hạ sốt, cung cấp nước, trái cây, rau xanh… thì bệnh sẽ mau khỏi và không để lại biến chứng nào nguy hiểm.
Theo các bác sĩ, người bệnh có thể dùng acetaminophen, paracetamol hoặc ibuprofen để hạ sốt trong trường hợp người bị sốt phát ban sốt cao.
4. Phân biệt qua biến chứng của bệnh
Dù cả thủy đậu và sốt phát ban đều là những căn bệnh không đe dọa tới tính mạng của người bệnh nhưng nếu chúng để lại các biến chứng thì lại rất nguy hiểm và hai căn bệnh này để lại những biến chứng khác nhau.
- Biến chứng của thủy đậu:
Như đã nói, thủy đậu là căn bệnh thông thường nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp những biến chứng rất nguy hiểm tới sức khỏe, thậm chí là tử vong.
Cụ thế, những biến chứng có thể gặp ở bệnh nhân thủy đậu là: Mất nước; Nhiễm khuẩn da, mô mềm, xương, khớp hoặc máu; Mất nước; Viêm phổi; Viêm não; Sốc nhiễm độc; Hội chứng Reye đối với những người bệnh dùng aspirin trong thời gian bị thủy đậu.
- Biến chứng của sốt phát ban:
Sốt phát ban là căn bệnh không nghiêm trọng, nhưng nếu để sốt quá cao có thể dẫn tới các biến chứng. Cụ thể, các biến chứng của sốt phát ban là co giật; biến chứng viêm phổi hay viêm não đối với những bệnh nhân có hệ miễn dịch bị tổn hại (người vừa cấy ghép nội tạng hay tủy xương).
5. Chế độ dinh dưỡng của bệnh khác nhau
Một trong những cách phân biệt thủy đậu và sốt phát ban là phân biệt qua chế độ dinh dưỡng của người bệnh.
Theo đó, những người bị thủy đậu nên ăn thức ăn mềm như cháo, khoai tây nghiền; các thức ăn lạnh như kem, sinh tố...; các loại hoa quả không chứa axit,... Người bị thủy đậu không nên dùng các thực phẩm mặn, cay, cứng, giòn và những thực phẩm nóng để tránh tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong khi đó, những người bị sốt phát ban không nên kiêng cữ quá nhiều. Bệnh nhân sốt cần đặc biệt chú ý bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể vì sốt rất dễ gây mất nước. Người bệnh có thể uống nước lọc, sinh tố, nước điện giải.
Ngoài ra, người bị sốt phát ban nên ăn nhiều hơn bình thường và những thực phẩm lỏng như cháo, súp, sữa,... và kiêng thực phẩm như: trứng; các thức ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ; nước lạnh hay nước ngọt có ga.
6. Cách phòng ngừa bệnh
Thủy đậu và sốt phát ban khác nhau ngay từ cách phòng ngừa bệnh:
Đối với bệnh thủy đậu, cách tốt nhất để phòng ngừa căn bệnh này là tiêm vaccine. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), hiệu quả của vaccine ngừa thủy đậu là gần 98% khi nhận đủ hai liều tiêm chủng theo khuyến cáo.
Trong khi đó, sốt phát ban là căn bệnh không có vaccine phòng bệnh. Vì vậy, cách tốt nhất để ngăn ngừa sự lây truyền virus là tránh tiếp xúc với những người bị sốt phát ban.