pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cách phòng ngừa và điều trị chấn thương khi bơi?
Tuy rằng bơi lội đem đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe và sự thú vị khi tham gia. Bơi thường xuyên sẽ làm tăng sự linh hoạt, cải thiện sức bền và nhịp tim, giúp rèn luyện sức khỏe thể chất. Nhưng nếu tập luyện không đúng cách hoặc quá sức chịu đựng của cơ thể có thể dẫn đến những chấn thương khi bơi nguy hiểm.
1. Các chấn thương khi bơi thường gặp là gì?
Thông thường, các chấn thương cổ và vai là những chấn thương phổ biến nhất mà người tham gia gặp phải trong quá trình tập luyện. Người bơi có thể đối mặt với những vấn đề như:
- Kích ứng, viêm khớp vai.
- Viêm gân xoay.
- Hội chứng ngả vai (đây là hội chứng do áp lực lên các cơ vòng dẫn đến bít một phần của xương bả vai khi nâng cánh tay lên trên).
- Đau cổ và vùng lưng.
- Viêm gân bắp tay.
Ngoài ra, vùng đầu gối bị căng thẳng khi bơi cũng có thể dẫn đến những chấn thương xung quanh vùng xương bánh chè hoặc ở bên trong đầu gối.
2. Nguyên nhân gây ra chấn thương
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chấn thương khi bơi lội. Tuy nhiên chủ yếu chúng đều xuất phát từ việc bơi không đúng kỹ thuật hay tập luyện với cường độ cao quá mức chịu đựng của cơ thể. Cụ thể hơn, các nguyên nhân bao gồm:
- Kỹ thuật bơi lội không tốt. Người bơi không thực hiện đúng các động tác hoặc thở sai kỹ thuật.
- Cường độ tập luyện quá cao dẫn đến không đủ thời gian nghỉ ngơi.
- Độ linh hoạt của cơ thể khi bơi kém hoặc không có nhiều phạm vi chuyển động. Do vậy sẽ ảnh hưởng tới sức mạnh của vòng quay tay và xương bả vai.
- Động tác bơi không ổn định, đạp chân không đồng đều gây ảnh hưởng đến cơ xương khớp vùng hông.
3. Điều trị chấn thương khi bơi lội
Lời khuyên hữu ích nhất được đưa ra là bất kỳ ai khi bơi lội bị đau dữ dội hoặc cơn đau âm ỉ kéo dài trên 48 tiếng nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các bác sĩ sẽ giúp bạn đánh giá và đưa ra phương pháp điều trị giúp ngăn ngừa những biến chứng lâu dài ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Bên cạnh đó, ngay khi có những biểu hiện đau sau khi bơi, người tập câng dùng đá lạnh lăn vào vùng bị đau 10 phút, thực hiện 2 lần mỗi ngày để giúp giảm đau vùng bị chấn thương. Nếu bị đau ở vùng cổ có thể do việc nâng đầu lên khỏi mặt nước để thở nhiều lần gây đau mãn tính. Để cải thiện tình trạng này có thể dành vài ngày luyện tập trên bờ. Thực hiện các động tác giãn cơ cổ và vai để nới lỏng cơ bắp. Tập các bài tập bổ trợ phần cổ và vai, đặc biệt chú ý khi bơi tránh quạt tay rộng quá mức.
Nếu người bơi bị đau vùng dưới lưng kèm sưng tấy, cần nghỉ ngơi từ 2 đến 3 ngày và hạn chế luyện tập. Hãy làm nóng khu vực bị đau để giúp các cơ được thư giãn. Tập các bài tập ngồi xổm giúp tăng cường cơ bắp sau và các bài tập giãn cơ vùng lưng để cải thiện.
4. Làm thế nào để phòng tránh chấn thương?
Dưới đây là một số biện pháp mà bạn có thể thực hiện để giúp phòng tránh các chấn thương có thể xảy ra trong quá trình luyện tập:
- Khởi động kỹ càng trước khi bơi. Khởi động các khớp và cơ thật kỹ tất cả các khớp như khớp cổ tay, cổ chân, khớp vai, khớp khuỷu tay, khớp gối, và khớp cổ…
- Duy trì bơi xen kẽ các kiểu bơi khác nhau để tránh những căng thẳng lặp đi lặp lại cho các mô xương khớp.
- Tránh xoay hông quá mức trong quá trình bơi lội.
- Tránh luyện tập khi các cơ bắp mệt mỏi. Không nên tăng cường độ luyện tập quá mức chịu đựng của cơ thể.
- Kiểm tra với huấn luyện viên về kỹ thuật bơi đúng cách để tránh các chấn thương không đáng có.
- Để cơ thể được nghỉ ngơi giữa các buổi tập giúp cơ bắp được phục hồi.