Cách tránh lãi suất cao khi gói 30.000 tỷ hết hạn

11/03/2016 - 14:56
Dùng một gói vay lãi suất thấp khác của ngân hàng, huy động tiền của người thân trả tiền nhà và chấp nhận phí phạt, mua nhà đã xây xong phần thô... là cách để người dân tránh lãi suất cao khi mua nhà từ gói 30.000 tỉ.
Gần 3 tháng nữa là hết thời hạn giải ngân gói vay 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản (1/6/2016). Nhiều người vay mua nhà trong diện này đang lo lắng với thông tin những khoản giải ngân sau 1/6 sẽ phải chịu lãi suất thương mại.

Đối với nhóm người vay gói 30.000 tỷ đồng để mua nhà ở xã hội, khi hết thời hạn giải ngân gói này, theo Luật Nhà ở sửa đổi và Nghị định 100 của Chính phủ, quyền lợi của người mua sẽ được giữ nguyên. Trong khi đó, những khách hàng vay gói hỗ trợ này để mua nhà thương mại giá dưới 1,05 tỉ đồng thì phần tiền giải ngân sau 1/6 không được hưởng mức lãi suất ưu đãi 5%/năm như số tiền giải ngân trước thời điểm đó.

Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2015 số tiền cam kết của gói này đạt 26.999 tỷ đồng (90%), nhưng số tiền giải ngân thực tế chỉ là 17.711 tỷ đồng (59%). Trong số đó, số tiền vay để mua nhà ở xã hội là 3.978 tỷ đồng; còn vay mua nhà thương mại giá thấp là 8.062 tỷ; vay cải tạo, xây nhà là 1.731 tỷ đồng; số còn lại 3.940 tỷ đồng giải ngân cho các tổ chức. Như vậy, lượng tiền vay mua nhà ở thương mại nhiều gấp 2,5 lần so với nhà ở xã hội.
goi-30000ty.jpg
Nhiều người vay gói 30.000 tỷ mua nhà sắp phải trả lãi suất cao. Ảnh minh họa: Internet 
Cách "né" hoặc hạn chế lãi vay thương mại

Tư vấn viên Nguyễn Hà Phương - ngân hàng Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng, có một số cách để người dân tránh lãi vay thương mại sau thời điểm 1/6 như sau:
 
Các ngân hàng đang có một số gói cho vay với lãi suất ưu đãi (khoảng 7–8%/năm), vay trong thời gian nhất định (1–1,5 năm). Người dân nên tham khảo sử dụng gói vay này thay cho khoản phải vay giải ngân sau 1/6 phải chịu lãi thương mại lên đến 10%/năm.
 
Ngoài ra, nếu có tiền, hoặc có thể huy động hay vay mượn người thân, thì người vay nên làm việc với ngân hàng để không vay khoản tiền chưa giải ngân nữa, mà đóng trực tiếp tiền cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người mua nhà sẽ phải chịu phí phạt 0,5% tổng số tiền của đợt giải ngân đó. Đây được gọi là phí phạt không sử dụng hết hạn mức.

Còn với những khách hàng đang tìm mua nhà tại thời điểm này thì nên tìm mua những dự án nhà ở thương mại giá rẻ đã cất nóc, hoặc xong phần thô. Như vậy có thể vay và giải ngân được đến 80% giá trị nhà vào thời điểm ký hợp đồng mua nhà và khách hàng cũng sẽ được giải ngân vốn vay nhiều hơn.
goi30-ty2.jpg
Quy định về thời gian rút vốn vay trong hợp đồng vay thuộc gói 30.000 tỷ đồng.
Thông tin mập mờ, đôi bên đều có lỗi

Chị Quế Trang (Gia Lâm, Hà Nội) đang mua một căn hộ có trị giá hơn 1 tỷ đồng ở Hà Đông. Chị đăng ký vay 750 triệu, mới giải ngân được 450 triệu, còn 300 triệu theo kế hoạch sẽ giải ngân sau 1/6. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, chị Trang chỉ được hưởng lãi suất 5%/năm với số tiền 450 triệu, còn 300 triệu chưa giải ngân, chị sẽ phải chịu mức lãi suất thương mại 10%/năm.

Chị Trang cho biết: “Khi làm hợp đồng mua nhà, cả chủ đầu tư và nhân viên ngân hàng đều không nói cho tôi biết. Tôi vẫn cứ nghĩ rằng, sẽ được vay tiền ngân hàng với lãi suất 5%/năm trong thời gian tối đa là 15 năm. Mà người mua nhà như chúng tôi thì không phải ai cũng hiểu luật để nắm rõ các quy định Nhà nước đưa ra".

Chị Linh Hà đang mua nhà tại một dự án ở Hoài Đức, Hà Nội. Hợp đồng mua bán nhà của chị chỉ quy định: ““Lãi suất thả nổi theo thông tư 11 và thông tư 32 của NHNN” mà hoàn toàn không có hướng dẫn chi tiết lãi suất áp dụng như thế nào. Hiện gia đình chị được giải ngân 400 triệu, số tiền chưa giải ngân là 260 triệu.

Một nhân viên tư vấn ngân hàng BIDV chi nhánh Phạm Hùng, Cầu Giấy cũng thừa nhận: "Phần lớn khách hàng chỉ quan tâm đến phần lãi suất vay và thời hạn vay, còn khi nào hết hạn khách hàng lại không chú ý. Đến bây giờ, khi thời điểm 1/6 sắp đến và thông tin đó lại rộ lên thì khách hàng mới biết".

Luật sư Bùi Quang Hưng, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội bình luận: “Chính sách gói 30.000 tỷ đồng đã rõ ngay từ ban đầu, các chủ đầu tư chắc chắn biết rõ nhưng thông tin đã bị mập mờ, hậu quả chỉ có người mua nhà phải gánh chịu, còn chủ đầu tư thì đã bán xong hàng”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm