Để giúp trẻ biết chủ động xây dựng nếp sống lành mạnh, tích cực, gia đình cần phối hợp với nhà trường giáo dục trẻ nhận thức sâu sắc về tác hại của những nết xấu. Trẻ nhỏ có tật xấu như tự do, tùy tiện là do chúng suy nghĩ còn hạn chế, thậm chí là lệch lạc. Ở tuổi “Ăn chưa biết no, lo chưa tới” nên các cháu chọn lối sống buông thả và sống gấp, sống vội.
Trẻ có nếp sống xấu cũng có thể do một số cháu tự cho mình thông minh, tài giỏi nên kiêu ngạo không để tâm đến những lời phê bình, góp ý của mọi người. Nếu trẻ không thay đổi nhận thức thì chưa thể nói đến việc uốn nắn những tật xấu. Vì thế, các bậc phụ huynh cần kiên trì, bình tĩnh dùng những lời lẽ tâm tình, những việc làm cụ thể, sinh động để phân tích, giải thích cho trẻ hiểu ra những tác hại của những tật xấu, thức tỉnh lòng hướng thiện.
“Chủng ngừa” cho tâm hồn con bằng những lời hay ý đẹp. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ hãy chỉ rõ dần cho trẻ thấy các hành vi lễ phép, ứng xử văn minh, lịch sự. Đồng thời, cũng chỉ rõ những biểu hiện cụ thể của những nét tính cách xấu như lười biếng, hoang phí, tùy tiện,… không phù hợp với chuẩn mực xã hội.
Giáo dục trẻ tránh xa những tật xấu như nói tục, chửi bậy, đánh nhau… là một quá trình lâu dài, liên tục. Các bậc cha mẹ thật kiên trì để những điều hay lẽ phải thấm dần dần khắc sâu vào tâm trí trẻ một cách tự nhiên.
Khi đã tạo được một lá chắn vững chắc, trẻ sẽ có được sức đề kháng trước những tiêm nhiễm của thói quen xấu. Càng khôn lớn trẻ càng hiểu rõ được giá trị của việc ứng xử lịch thiệp. Khi đó, trẻ sẽ được “chủng ngừa” nên cảm thấy “dị ứng” dù trẻ có chứng kiến những hành vi xấu thì cũng đã biết để tránh không làm theo.
Đưa ra các biện pháp sinh động để ngăn chặn hành vi sai lệch. Chẳng hạn, nếu trẻ thích tiêu xài hoang phí, mỗi lần trẻ xin tiền, cha mẹ cần hỏi rõ con sẽ chi tiêu vào những việc gì, nếu những mục đích chính đáng, cha mẹ nên hướng dẫn để con tiêu xài hợp lý, sau đó nên quản lý, kiểm tra con đã sử dụng tiền thế nào. Khen ngợi khi con làm tốt, nhắc nhở khi con có hành vi sai trái.
Trong trường hợp, trẻ mắc quá nhiều nết xấu như tụ tập với bạn bè, ham chơi, lười học tập... Cha mẹ cần phải gần gũi, sâu sát con hơn nữa để chia sẻ với con những vướng mắc, khó khăn, tạo điểm tựa tinh thần vững chắc để trẻ dần tránh xa lối sống xấu.
Lập ra nội quy gia đình để ràng buộc và kiểm soát trẻ. Do khả năng tự kiềm chế của trẻ kém, nên trẻ dễ bị lây nhiễm và mắc những tật xấu. Vì thế, để tạo nếp sống lành mạnh, giúp trẻ tiến bộ không ngừng, gia đình nên cùng nhau đặt ra những quy tắc hợp lý để ràng buộc trẻ.
Lưu ý, không ép buộc, cưỡng bức trẻ mà hãy cho trẻ cơ hội bàn bạc, đưa ra ý kiến để trẻ có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các quy tắc đã được xây dựng. Quy định phải nghiêm khắc, rõ ràng và phù hợp với điều kiện cụ thể để trẻ có thể thực hiện được. Cha mẹ phải gương mẫu chấp hành, nói đi đôi với làm để thuyết phục trẻ. Phải quyết tâm duy trì và có kiểm tra đánh giá việc thực hiện nội quy nghiêm chỉnh. Luôn tạo bầu không khí gia đình ấm cúng, lành mạnh, hòa thuận và vui vẻ để trẻ phát triển một cách tích cực.