pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cách xử lý khi bị côn trùng cắn, đốt vào mùa hè
- 1. Một số biểu hiện thường gặp khi bị côn trùng cắn
- 2. Cách nhận biết các vết cắn của côn trùng
- 3. Nguyên nhân nào gây ra phản ứng với vết cắn và vết đốt?
- 4. Cách xử lý khi bị côn trùng cắn
- 5. Ai thường bị côn trùng cắn?
- 6. Côn trùng cắn có để lại biến chứng không?
- 7. Cách phòng tránh không cho côn trùng đốt
Trong những ngày hè việc bị côn trùng cắn là điều thường xuyên xảy ra, hầu hết các vết cắn thường chỉ gây khó chịu nhẹ, nhưng một số trường hợp bị nặng hơn do dị ứng nghiêm trọng với nọc độc của côn trùng.
Một số loại côn trùng nên lưu ý như ong, kiến, bọ chét, ruồi, muỗi, ong bắp cày và nhện… Vết cắn ban đầu có thể gây đau đớn. Sau đó thường là phản ứng dị ứng với nọc độc tích tụ vào da qua miệng hoặc ngòi của côn trùng.
Chẳng may khi bị côn trùng cắn, các bạn nên xử lý nhanh chóng để hạn chế nọc độc (nếu có) của côn trùng vào cơ thể. Vậy cách xử lý khi bị côn trùng cắn như thế nào là chính xác?
1. Một số biểu hiện thường gặp khi bị côn trùng cắn
Khi bị côn trùng cắn, sau một khoảng thời gian ngắn trên cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng điển hình như:
- Sưng tấy
- Mẩn đỏ hoặc phát ban
- Đau ở vùng bị ảnh hưởng hoặc ở các cơ
- Ngứa
- Cảm thấy nóng vùng xung quanh vị trí vết cắn hoặc vết đốt
- Tê hoặc ngứa ran ở vùng bị ảnh hưởng
Một số ít sẽ gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn do độc tố của côn trùng mạnh như:
- Sốt
- Khó thở
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Co thắt cơ bắp
- Tim đập loạn nhịp
- Sưng môi
- Mất ý thức
2. Cách nhận biết các vết cắn của côn trùng
Đôi khi bạn thấy ngứa, sưng, đỏ, đau, ... mới biết rằng mình bị côn trùng cắn, nhưng bạn không hề biết rằng loại nào đã tấn công. Sau đây sẽ là cách phân biệt vết cắn từ các loại côn trùng:
- Nhện: Tùy thuộc vào loài nhện, chúng có thể gây ra các triệu chứng nhỏ như da đỏ, sưng và đau. Trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể xuất hiện nhanh chóng và nghiêm trọng. Nếu bị góa phụ đen, ẩn dật nâu hoặc các loài nhện nguy hiểm khác cắn hãy đến bệnh viện ngay lập tức để được bác sĩ giúp đỡ.
- Ong: Nếu thấy trên da có vết sưng đỏ, có thể xuất hiện với màu trắng xung quanh và trong hầu hết các trường hợp, ngòi sẽ vẫn còn trên da của bạn thì chứng tỏ bạn bị ong đốt.
- Kiến: Một vết phồng rộp màu trắng, ngứa được bao quanh bởi một đốm đỏ trên da. Riêng kiến ba khoang cắn da sẽ bị sưng đỏ, đau rát, sau đó xuất hiện các mụn nước, có thể kèm theo sốt, lên hạch.
- Muỗi: Muỗi cắn sẽ tạo ra một vết sưng phồng, đỏ và ngứa trên da.
- Bọ ve: Bạn có thể dễ dàng nhận ra vết cắn của bọ ve vì côn trùng thường bám vào da chúng ta khá lâu. Nếu bọ ve biến mất, bạn sẽ nhận thấy vết sưng đỏ nhỏ ở vết cắn, có thể kèm theo một số vết đỏ xung quanh vết cắn. Nếu vết đỏ lan rộng trong vài ngày tới, đó có thể là dấu hiệu của bệnh Lyme.
- Bọ chét: Bọ chét có thể để lại vết ngứa trên da của bạn, thường ở mắt cá chân và chân, xuất hiện một vòng tròn màu đỏ.
3. Nguyên nhân nào gây ra phản ứng với vết cắn và vết đốt?
Khi nọc độc của côn trùng đi vào cơ thể từ vết cắn hoặc vết đốt sẽ làm cho hệ thống miễn dịch của bạn phản ứng lại. Thông thường, phản ứng tức thì của cơ thể bạn sẽ bao gồm mẩn đỏ và sưng tấy tại vị trí vết cắn hoặc vết đốt. Các phản ứng chậm, nhẹ bao gồm ngứa và đau.
Nếu cơ thể bạn dị ứng hoặc nhạy cảm với nọc độc của côn trùng, vết cắn và đốt có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ. Một số triệu chứng nghiêm trọng có thể xuất hiện như cổ họng bị thắt lại và gây khó thở, huyết áp thấp.
Ngoài ra, một số vết cắn hoặc vết đốt có thể gây bệnh khi nọc độc có chứa các tác nhân lây nhiễm.
4. Cách xử lý khi bị côn trùng cắn
Phần lớn các vết cắn hoặc vết đốt sẽ tự khỏi hoặc chúng ta có thể điều trị tại nhà khi vết thương nhẹ. Tuy nhiên, cần xem xét loại côn trùng để có hướng xử lý phù hợp.
- Bị muỗi, kiến đốt: Loại côn trùng này thường không gây nguy hiểm (ngoại trừ muỗi vằn gây sốt xuất huyết) nhưng gây sẩn ngứa. Các bạn có thể dùng thuốc mỡ hoặc thoa kem hydrocortisone lên vùng da bị đốt, vết cắn sẽ được làm dịu nhanh chóng.
- Ong đốt: Nếu nhìn thấy vết chích hãy nặn nọc độc của ong ra bên ngoài, sau đó rửa vết thương bằng xà phòng hoặc nước. Thoa kem hydrocortisone để làm dịu da, hoặc uống thuốc giảm đau. Nếu thuộc loại ong độc như ong vò vẽ, ong bắp cày, … nên đến cơ sở y tế để được điều trị, nhất là trẻ em và người già - đối tượng dễ bị tổn thương.
- Kiến ba khoang: Khi phát hiện loại kiến này đốt các bạn rửa ngay vết thương với xà phòng, hoặc bằng cồn 70 độ, tuyệt đối không gãi hay cào vào vết thương. Có thể dùng dung dịch hồ nước, thuốc mỡ có chứa steroid hoặc kháng sinh có tác dụng làm giảm viêm kháng khuẩn. Các bạn nên đến cơ sở y tế để được kê đơn đúng với tình trạng mắc phải.
- Nhện cắn: Sau khi bị nhện cắn các bạn dùng xà phòng để rửa vết thương, bôi kem kháng sinh, rồi sau đó dùng đá hoặc nước lạnh chườm vùng bị cắn. Có thể dùng acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau, thuốc kháng histamin để giảm sưng.
Tuy nhiên, có rất nhiều loại nhện độc nên khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như đau bụng, chuột rút, nôn nao, … nên đến bệnh viện ngay để được tư vấn và điều trị.
- Tiếp xúc với sâu: Khi bị lông sâu bám vào người không nên gãi hoặc cọ sát mạnh, dùng nhíp để loại bỏ lông sâu, sau đó rửa sạch với xà phòng.
- Bị bọ chét, bọ chó cắn: Chỉ cần loại bỏ chúng ra khỏi da sau đó rửa sạch với xà phòng.
Lưu ý: Đối với các trường hợp gặp các triệu chứng nặng hơn thì nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu. Trong khi chờ nhân viên y tế, các bạn có thể:
- Nới lỏng quần áo của người bệnh
- Đặt người bệnh nằm nghiêng
- Thực hiện hô hấp nhân tạo nếu nhịp thở hoặc nhịp tim ngừng lại
5. Ai thường bị côn trùng cắn?
Bất cứ ai cũng có thể bị côn trùng cắn hoặc đốt. Khả năng bị côn trùng tấn công cao hơn khi ở ngoài trời, đặc biệt là ở các vùng nông thôn hoặc nhiều cây cối.
Tuy nhiên, trẻ em và người lớn tuổi có thể có những phản ứng nghiêm trọng hơn khi bị côn trùng cắn. Vì vậy, những trường hợp này cần được giám sát chặt chẽ, đưa đến bệnh ngay khi có các biểu hiện như sưng mặt, môi hoặc lưỡi, khó nuốt, khó thở, ho, phát ban và ngứa dữ dội.
6. Côn trùng cắn có để lại biến chứng không?
Côn trùng cắn thường không gây nguy hiểm nhưng có một vài trường hợp có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
- Nhiễm trùng thứ phát: Do vi khuẩn xâm nhập qua vị trí đốt khi bạn gãi, làm chày xước hoặc vỡ các mụn nước trên da. Tình trạng này có thể dẫn tới viêm mô tế bào, chốc lở, viêm hạch bạch huyết.
- Nhiễm virus gây bệnh: Nếu bạn bị các loại côn trùng nhiễm bệnh đốt, chẳng hạn như ve gây bệnh Lyme, bệnh sốt phát ban miền núi có thể gặp các biến chứng như viêm màng não, liệt mặt, tổn thương khớp, các vấn đề về tim...
7. Cách phòng tránh không cho côn trùng đốt
Mặc dù côn trùng cắn thường có những triệu chứng nhẹ và tự khỏi, nhưng cũng không ít trường hợp bị "sốc phản vệ" hoặc dị ứng với "nọc độc" dẫn tới nguy hiểm tới tính mạng. Vì vậy, các bạn nên có những cách phòng tránh để không bị côn trùng tấn công, cụ thể:
- Khi ở ngoài trời nên đội mũ và mặc quần áo dài tay để bảo hộ, tránh nước hoa và kem dưỡng da có mùi thơm, sử dụng kem chống côn trùng.
- Đảm bảo nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, phun thuốc diệt muỗi, côn trùng xung quanh nhà, nhất là khu vực cây cối rậm rạp, ao hồ… không nên để chum, vại nước gần nhà.
- Khi ngủ cần mắc màn kể cả ban ngày, hạn chế mở cửa sổ hoặc lắp đặt lưới chặn côn trùng ở cửa sổ.
- Thường xuyên diệt bọ ve cho chó mèo, vật nuôi trong nhà.
Trên đây là cách xử lý khi bị côn trùng cắn, thực hiện đúng quy trình sẽ giúp bạn thuyên giảm triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, vào mùa hè có sự xuất hiện của nhiều loại côn trùng, các bạn nên có những biện pháp đề phòng không cho côn trùng tấn công.
Nguồn tham khảo:
- Bug Bites and Stings
- How to Manage Bug Bites in the Summer