"Cải tạo vườn tạp" giúp bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

PV
17/11/2022 - 12:01
"Cải tạo vườn tạp" giúp bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Người dân xã Pả Vi thu hoạch rau màu

Mô hình "cải tạo vườn tạp" đã và đang tạo hướng đi mới trong sản xuất tại xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Bước đầu mô hình này đã giúp nông dân nâng cao đời sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.

Thay đổi cơ cấu cây trồng

Trước đây, gia đình chị Sùng Thị Máy (thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi) có đất vườn khá rộng. Tuy nhiên, gia đình chị cũng như nhiều hộ khác đều để trống khiến cho cỏ dại mọc um tùm. Cách đây 2 năm, chị được chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nên đã bắt tay vào cải tạo vườn tạp.

Chị chăm chỉ và tận dụng phân bò ủ hoai để bón. Những luống rau vì thế càng ngày càng xanh tốt với đủ các loại: cải ngọt, bắp cải, các loại đậu. "Ngày trước, muốn ăn rau gia đình tôi phải ra chợ mua hoặc đi hái rau rừng. Từ khi tự trồng, không chỉ cung cấp cho gia đình mà còn có rau để bán. Một tháng bán các loại rau tôi cũng thu về được từ 1- 3 triệu đồng", chị Máy chia sẻ.

"Cải tạo vườn tạp" giúp bà con dân tộc phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Cán bộ chuyên môn xã Pả Vi thăm vườn rau của gia đình chị Sùng Thị Máy, thôn Pả Vi Thượng.

Nhận thấy việc trồng rau có hiệu quả, cùng với sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn xã, bà Giàng Thị Pháy (thôn Pả Vi Thượng) cũng đã tích cực cải tạo đất, lên luống, trồng các loại rau xanh. Bà chia sẻ: Nhà tôi có gần 0,3 ha đất vườn, trước kia chỉ trồng ngô, mỗi năm một vụ nên thu nhập rất thấp. Sau khi thu hoạch ngô thì không có gì làm. Từ khi được tuyên truyền, gia đình tôi chuyển sang trồng rau. Chồng tôi cày, xới đất, lên luống, tôi và các con thì gieo hạt, nhổ cỏ, bón phân… Nhờ việc trồng rau mà các thành viên trong gia đình có việc làm thường xuyên hơn, thu nhập cũng ổn định hơn.

Tương tự, vườn rau của gia đình chị Và Thị Súa (thôn Pả Vi Thượng) cũng đang xanh tốt. Chị Súa cho biết, gia đình trồng đủ các loại rau như su hào, bắp cải, cải chíp, cải làn, hành, tỏi. Tùy loại rau mà thời gian chăm sóc từ 2 đến 4 tháng là cho thu hoạch. Chị mang ra chợ bán, hoặc tiêu thụ tại vườn được khoảng 3-5 triệu đồng, đủ để gia đình trang trải sinh hoạt.

"Cải tạo vườn tạp" giúp bà con dân tộc phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Vườn rau của người dân được cải tạo từ vườn tạp

Ngoài việc cải tạo vườn trồng các loại rau màu; người dân các thôn của xã Pả Vi còn lựa chọn trồng các loại cây ăn quả, cây dược liệu như: cây hồi, xoài, vải, mận. Nhờ được cán bộ xã hướng dẫn tận tình, sự chăm chỉ của bà con các loại cây đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Chị Nông Thị Linh, cán bộ Địa chính- Nông nghiệp (xã Pả Vi) cho biết, việc cải tạo vườn tạp trồng rau xanh trong bà con xã Pả Vi ngày càng được lan tỏa rộng rãi. Để hỗ trợ bà con, chị xuống từng hộ, hướng dẫn người dân chọn cây, con giống phù hợp với thực tế địa phương và kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đặc biệt, sau khi sản phẩm của người dân được thu hoạch, địa phương hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Thay đổi nhận thức người dân

Để giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Pả Vi thay đổi nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất và nâng cao đời sống, phát triển kinh tế gia đình, cấp ủy chính quyền địa phương đã triển khai và thực hiện Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về "Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025".

"Cải tạo vườn tạp" giúp bà con dân tộc phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế

Ông Thào Minh Sơn, Chủ tịch UBND xã Pả Vi cho biết, từ khi triển khai thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, đến nay, toàn xã Pả Vi có 23 hộ tham gia cải tạo vườn tạp. Hiện nay, xã đã cải tạo được rất nhiều vườn mẫu trong đó phải kể đến 2 thôn nổi bật như Pả Vi thượng và Pả Vi hạ...

Để phát huy hiệu quả, UBND xã và các tổ chức Đoàn thể đã tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia chuyển đổi cây trồng từ trồng ngô sang trồng rau, đậu các loại. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ khuyến nông xuống hướng dẫn người dân cách gieo trồng và chăm sóc cây giống.

Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, vườn hộ được quy hoạch khoa học, hiệu quả; sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, người dân đã thay đổi tập quán sản xuất từ tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; đồng thời, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp. Sau khi cải tạo, hầu hết các vườn mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2 - 3 lần so với ban đầu.

Theo ông Sơn, những kết quả bước đầu trong việc cải tạo vườn tạp ở xã Pả Vi đã mở ra hướng đi mới cho nông dân trong việc chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập. Để các mô hình này phát triển bền vững, trong thời gian tới, Đảng ủy, chính quyền xã tiếp tục hướng dẫn người dân về khoa học kỹ thuật, khuyến cáo người dân trồng những loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương.

"Việc triển khai thực hiện mô hình cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn xã", ông Sơn nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm