Nhiều bố mẹ luôn nói rằng vì con không ly hôn, song lại suốt ngày “nội chiến” mà không biết rằng việc này gây ra tổn thương lớn cho trẻ. Thường xuyên phải đối mặt với những cuộc cãi vã của bố mẹ khiến trẻ gặp trở ngại trong việc giao tiếp với thế giới bên ngoài, mất tự tin trong cuộc sống. Nghiêm trọng hơn, một số bé vì chuyện này mà nảy sinh cảm giác sợ hôn nhân, có suy nghĩ “không muốn lặp lại bi kịch của bố mẹ nên lớn lên nhất định sẽ không lập gia đình”.
Mục đích của việc cãi nhau là để hai bên bày tỏ quan điểm của bản thân, chứ không phải để thay đổi hay thậm chí “đánh bại” đối phương, vậy nên đừng miễn cưỡng người kia nghe theo mình. Nếu nhận thức được điều này thì tranh cãi có thể trở thành liều thuốc tốt cho các cặp vợ chồng, nhưng vẫn cần biết cách để không ảnh hưởng tới trẻ.
Tuyệt đối không kể khổ với con
Nhiều người sau khi cãi nhau không kìm được mà ra kể lể với con bố thế này, mẹ thế kia. Việc làm này khiến trẻ đối mặt quá sớm với những phiền não của thế giới người lớn, làm tăng thêm lo lắng trong tâm hồn non nớt của bé. Trẻ nhỏ vốn ngây thơ, hãy để bé sống trong thế giới đơn thuần của mình. Bố mẹ nên tìm cách giải tỏa bằng việc tâm sự với bạn bè hoặc người thân chứ đừng đem chuyện không hay kể cho con.
Không phán xét đối phương trước mặt trẻ
Hành động phán xét sẽ gây tác hại cho việc hình thành nhân cách của trẻ. Trong trường hợp bé yêu quý cả hai bố mẹ, vì không muốn mất lòng bên nào nên bé sẽ ở trạng thái bất nhất giữa biểu hiện bên ngoài và suy nghĩ nội tâm, ở trước mặt người này nói một đằng, nhưng khi gặp người kia lại nói một nẻo. Còn nếu bé chỉ yêu quý bố hoặc mẹ, sẽ dẫn đến tâm lý cô lập người kia, từ đó mối quan hệ vợ chồng càng thêm rạn nứt.
Chỉ nói cho trẻ biết sự việc khách quan
Sau khi bạn đã điều chỉnh ổn thỏa tâm trạng của mình có thể nói cho con biết việc hai vợ chồng cãi nhau, nhưng hãy nhớ rằng: chỉ kể sự việc khách quan. Kể cho trẻ về nguyên nhân dẫn tới cãi vã và không thêm bất kỳ ý kiến chủ quan nào của bản thân. Bạn có thể nói đơn giản rằng “bố mẹ có ý kiến bất đồng trong việc này mà cãi nhau”, hoặc “ vì bố làm việc này khiến cho mẹ giận”, như vậy vừa cho trẻ cảm giác mình không phải người ngoài cuộc, vừa không gây lo lắng cho trẻ.