Cảm hóa trẻ ‘hỗn xược’

09/05/2016 - 17:59
Đừng nghĩ, những đứa trẻ hỗn xược, ngỗ ngược là… bỏ đi. Với sự chỉ dẫn đúng, những đứa trẻ đó sẽ phát huy được điểm nổi trội.
trecatinh3.jpg
Đứa con cá tính đòi hỏi tình cảm của cha mẹ nhiều hơn những đứa trẻ khác. Ảnh minh họa internet. 

Khi con còn nhỏ, chị Hoàng Thu Hằng (Khương Hạ, Hà Nội) đã không ít lần khóc vì con. Con chị quá cá tính, thậm chí ngỗ nghịch, hỗn xược. Bé tranh cãi mọi lúc mọi nơi. Mẹ chưa nói hết câu thì con đã cãi xong. Có lúc, chị cảm thấy kiệt sức vì phải tranh luận với con.

Nhiều khi chị ghen tị với các bố mẹ  khác khi họ có con ngoan ngoãn, biết nghe lời. Con tỏ ra hách dịch, thách thức với mẹ, dường như con muốn đưa ra các cuộc chiến với mẹ về tất cả mọi thứ. Bất kể yêu cầu gì của mẹ, con đều... chống đối. Câu “cửa miệng” của con là: Tại sao con phải ăn thứ này? Tại sao con không được làm việc kia trong khi bạn con được làm? Con phải có sự lựa chọn. Mẹ không có quyền áp đặt con…

Chị đã áp dụng biện pháp quát và cấm con cãi. Tuy nhiên, con vẫn tỏ ra bình thản khi nghe giọng cao vút, khi nhìn khuôn mặt cau có đầy tức tối và trơ lì trước đòn roi của mẹ.

Với những đứa trẻ có ý chí mạnh mẽ như thế, việc nuôi dạy hết sức khó khăn. Thật nan giản nếu phải “chiến đấu” với con mỗi ngày như vậy. Sau rất nhiều biện pháp, chị Thu Hằng đã sử dụng sự “đàm phán” với con. Chị đưa ra một loạt sự lựa chọn mà hai mẹ con có thể thống nhất với nhau. Bằng cách này, chị đã tránh được cuộc tranh luận gay gắt với đứa trẻ nhiều lý lẽ, ương ngạnh.

Sau nhiều lần quan sát, chị thấy đằng sau vẻ bướng bỉnh, ngang ngạnh của con là trái tim yếu đuối. Đứa con cá tính đòi hỏi tình cảm của cha mẹ nhiều hơn những đứa trẻ khác. Chính vì vậy, thay vì dùng những cách thông thường, chị thể hiện tình cảm với con một cách mềm mại hơn.

Chị viết một lá thư kể về cảm xúc khi con chào đời, những lần tim mẹ nhói đau khi con bị ngã, bị thương, những kỷ niệm đáng yêu của con... Thi thoảng chị tặng con món quà bất ngờ, một buổi đi xem phim, đi chơi không có trong kế hoạch… Những việc làm nhỏ đó đã khiến con trai ngỗ nghịch trở nên nhẹ nhàng hơn.

Giờ đây, đứa trẻ từng nhiều lần làm chị Thu Hằng mệt mỏi, vất vả lại rất thành công trong cuộc sống. Chị chia sẻ, những đứa trẻ ngang ngạnh rất thích thể hiện cái tôi, thích khám phá, tìm tòi, ưa mạo hiểm và có sự tự tin riêng. Nhiều đứa khi trưởng thành thường là những doanh nhân thành công trong cuộc sống vì chúng là người dám nghĩ, dám làm. Nếu vùi dập cá tính ấy bằng việc đánh chửi, quát mắng, cấm tranh luận, cãi vã,... con sẽ không phát huy được những điểm nổi trội của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm