pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần các chính sách khuyến khích chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk.
Tiếp tục chương trình Hội nghị ĐBQH chuyên trách chiều 8/9, các đại biểu thảo luận dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Quan tâm vấn đề chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh cho người cao tuổi, đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, cho rằng: Người cao tuổi có những yêu cầu về chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh khác biệt và đặc thù. Ngành y tế cũng cần có sự chuẩn bị cũng như kế hoạch đầu tư cho nhân lực, vật lực kịp thời.
Theo đại biểu, số bệnh viện lão khoa trên cả nước còn rất ít, các khoa lão trong các bệnh viện còn ít được đầu tư. Trong khi đó, đối tượng người già, rất dễ mắc bệnh, di chứng nặng nề, thời gian điều trị dài ngày, tỷ lệ nhập nội trú khá cao. Đại biểu cho rằng việc các bệnh viện lão khoa phải thực hiện cùng hạng mức quy định như với các bệnh viện bình thường là không công bằng, không phù hợp với thực tiễn, không phù hợp với chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho biết, Điều 20 Luật Người cao tuổi có quy định, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi; đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho cơ sở chăm sóc người cao tuổi công lập; hỗ trợ kinh phí cho cơ sở chăm sóc người cao tuổi ngoài công lập nuôi dưỡng người cao tuổi… Tổ chức, cá nhân đóng góp, đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi bằng nguồn kinh phí của mình được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chưa có điều khoản quy định cụ thể cho nội dung này. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần cụ thể hóa chính sách ưu đãi, chính sách khuyến khích đối với các cơ sở khám chữa bệnh cho người cao tuổi, đặc biệt là ưu đãi trong đầu tư xây dựng, giảm thuế trong mua sắm thiết bị y tế cho các cơ sở này.
Trước đó, nêu một số nội dung lớn về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, riêng về y học gia đình, dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm y học gia đình và quy định về y học gia đình. Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo mới đề cập đến cơ sở y học gia đình, chưa làm rõ việc áp dụng theo nguyên lý y học gia đình tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, mối quan hệ của hình thức này với các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh và hệ thống tổ chức khám bệnh, chữa bệnh, điều kiện đảm bảo, cơ chế thanh toán nhằm tăng cường hệ thống y tế cơ sở.
Một số ý kiến cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật xương sống của ngành y tế, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, nên dự án Luật cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chất lượng, phù hợp thực tiễn và khả thi.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số nội dung lớn của dự thảo Luật còn chưa nhận được sự đồng thuận giữa các cơ quan, một số chính sách mới được Ban soạn thảo đề xuất bổ sung mà chưa có đánh giá tác động, một số nội dung của dự thảo cần có sự kết nối, liên thông, đồng bộ với các Luật khác.
Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội cân nhắc việc xem xét, thông qua dự thảo Luật theo quy trình 03 kỳ họp.