Cần cấp đủ ‘quota’ chi cho giáo dục trong năm 2020

31/10/2019 - 19:54
Cho rằng dự toán chi ngân sách cho giáo dục trong năm 2019 chưa đạt đủ mức 20% như Quốc hội giao, ĐB Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) kiến nghị mức kinh phí này cần được cấp đủ, phục vụ cho các hoạt động giáo dục vốn đang gặp nhiều bất cập.

Cho ý kiến tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội chiều 31/10, ĐB Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) cho rằng năm 2019, tổng chi cho lĩnh vực giáo dục không đạt đủ 20% theo "quota” Quốc hội giao.

Theo đó, tổng dự toán chi ngân sách năm 2019 cho lĩnh vực giáo dục đào tạo của cả nước là 286.000 tỷ đồng, chiếm 17,6% tổng dự toán chi ngân sách nhà nước, chưa đạt mức 20% như Quốc hội giao. Vấn đề là các mức chi năm sau đều cao hơn năm trước, trong đó chi thường xuyên chiếm 85%, chi đầu tư phát triển chiếm 15%.

“Năm 2020, dự toán chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này là 317.000 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2019, cũng chỉ bằng 18,18% dự kiến tổng chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2020. Do vậy, tôi đề nghị Quốc hội hết sức quan tâm và tạo điều kiện để cung cấp đủ mức kinh phí như 20% mà Quốc hội đã quyết định” - ĐB Quách Thế Tản đề xuất.

 

ĐB Quách Thế Tản. Ảnh: quochoi.vn

Cũng theo ông, báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ còn nêu chung chung về khắc phục hạn chế và tạo chuyển biến cơ bản về giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Một trong những vấn đề được cử tri quan tâm là việc triển khai chương trình phổ thông tổng thể.

“Tôi đề nghị Chính phủ có sự chỉ đạo sát sao việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới về biên soạn, thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông vì từ năm học 2020-2021 thì bắt đầu triển khai chương trình này” - ông đề xuất.

Cũng liên quan đến lĩnh vực giáo dục, ĐB Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho rằng hiện khá bất cập về việc quy định về hình thành trường phổ thông gộp nhiều cấp học, theo yêu cầu của Nghị quyết 19 của Trung ương về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục.

Theo ông, thực tế nhiều tỉnh khó thực hiện, bởi gộp các cấp học khiến việc đi lại của học sinh ở các vùng có địa bàn rộng, vùng miền núi… xa xôi, gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhiều địa phương lại cho rằng đây là chủ trương sáp nhập trường nhiều cấp.

“Tôi biết có địa phương đã xây dựng đề án từ nay đến năm 2030 cơ bản các trường tiểu học và trung học cơ sở nhập lại với nhau để giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập và giảm một số biên chế. Chính vì vậy, tôi đề nghị với Chính phủ tập trung nghiên cứu kỹ và đặc biệt tôi đề nghị Bộ GD&ĐT cho ý kiến về điều này” - ông đề xuất.

Theo ĐB Phương, trong cải cách giáo dục những năm 1980, chúng ta từng nhập cấp 1 và cấp 2 với nhau thành trường phổ thông cơ sở từ lớp 1 đến lớp 9. Sau gần 10 năm tổ chức thực hiện thì thấy rằng việc này không đảm bảo yêu cầu của chất lượng giáo dục, vì thế hết nhập lại tách ra thành trường tiểu học và trường trung học cơ sở.

 

Ảnh minh họa

 

“Cần phải hết sức tính toán về mặt cơ sở khoa học và thực tiễn của mô hình giáo dục. Bởi vì chất lượng giáo dục không thể đơn giản tính bằng chuyện bớt đi đầu mối và bớt đi một số biên chế. Theo tinh thần của nghị quyết là phải thể chế hóa bằng pháp luật để tổ chức chỉ đạo thống nhất, nhưng hiện nay việc này mỗi nơi có một cách hiểu khác nhau. Chính vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục cần xem xét cụ thể để tránh tình trạng chúng ta lại rơi vào tình trạng nhập vào, tách ra rồi lại nhập vào”, ĐB Phương đề xuất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm