Huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) là nơi khởi nguồn cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931). Để chỉ đạo phong trào cách mạng, trước đó, Xứ ủy Trung Kỳ đã lựa chọn nhà của cụ Hoàng Viện (ở làng Phúc Mỹ, xã Hưng Châu) làm căn cứ địa cách mạng trong các giai đoạn 1930-1931, 1939-1945. Nhiều lãnh đạo của Đảng như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chu Huy Mân, Bùi San, Trần Quỳ, Trần Văn Quang… đã từng lưu lại nơi đây.
Di tích nhà cụ Hoàng Viện ở làng Phúc Mỹ (xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ Tĩnh), nay thuộc xóm 1, xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Chủ nhân căn nhà là cụ Hoàng Viện (1889-1964), là một nông dân thuần hậu, bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng yêu nước của chí sĩ Phan Bội Châu. Cụ là người có uy tín, có tiếng nói trong nhân dân, nên khi cán bộ cách mạng về đây xây dựng cơ sở, được gia đình cụ bảo vệ, chăm sóc chu đáo.
Vì lẽ đó, tháng 7/1930 do cơ sở cách mạng phát triển, Chi bộ Đảng làng Phúc Mỹ được thành lập tại nhà cụ Hoàng Viện. Sau đó, cụ Hoàng Viện cùng cụ Hoàng Em, Hoàng Xý, Nguyễn Hứa được kết nạp thêm. Từ đó, Chi bộ Đảng làng Phúc Mỹ lãnh đạo nhân dân toàn xã đấu tranh chống đế quốc sôi nổi.
Sau đó, Xứ ủy Trung Kỳ nhận thấy làng Phúc Mỹ là cơ sở cách mạng tốt, lại có truyền thống yêu nước, nên đã chọn nơi đây xây dựng thành căn cứ địa cách mạng từ tháng 9/1930. Và chọn nhà cụ Hoàng Viện để đặt trung tâm liên lạc, nơi làm việc, nuôi giấu cán bộ về hội họp của Xứ ủy.
Nhà cụ Hoàng Viện ở giữa xã, xa đường quốc lộ, xa sông ngòi. Kết hợp với địa thế của làng Phú Mỹ nằm dưới chân núi Nhón, được cấu trúc dưới thung lũng, bên sườn núi, có thể đi ra sông Lam lên ngược về xuôi, ra ga Yên Xuân vào Nam ra Bắc. Đây là địa điểm thuận lợi cho việc bảo vệ, tránh sự phát hiện của kẻ địch.
Cụ Hoàng Viện có 2 ngôi nhà. Nhà trên được ngăn thành 2 phòng, phòng trong có gác xép làm nơi ăn nghỉ cho cán bộ, phòng ngoài là nơi hội họp, tiếp khách. Phía sau nhà có cửa thông ra núi Nhón. Ngôi nhà ngang nhỏ hơn có 3 gian để nấu ăn.
Phía sau nhà có 2 hầm ngầm để tài liệu. Hầm sâu 2m, rộng 1,5m. Phía trên hầm lát gỗ đắp đất kín đáo. Xung quanh hầm cây cối rậm rạp che khuất. Khi cần thiết thì cán bộ xuống hầm, vòng ra sau núi Nhón để thoát.
"Bảo vệ cho Xứ ủy làm việc là đội tự vệ đỏ địa phương, gồm 60 người. Các đồng chí chọn những thanh niên khỏe, nhanh nhẹn bảo vệ các cuộc họp của Xứ ủy và cơ quan ấn loát. Ông Hoàng Nhị, con trai cụ Hoàng Viện được giao nhiệm vụ canh gác trực tiếp cho cơ quan Xứ ủy. Ngoài ra ông còn gánh nước phục vụ cơ quan", ông Hoàng Xuân Thước (66 tuổi), cháu nội cụ Hoàng Viện kể lại.
Bà Viện (vợ ông Hoàng Viện) thường ngày nấu cơm phục vụ cho Xứ ủy. Ban tài chính của Xứ ủy do đồng chí Nguyễn Thuyên, Nguyễn Hứa phụ trách đã đi quyên tiền ở các xã Hưng Phú, Hưng Xá, Hưng Thông, Hưng Thái... về phục vụ cho việc in ấn tài liệu của Đảng.
Ngoài gia đình cụ Hoàng Viện là cơ sở chính hoạt động của xứ ủy còn có các nơi làm việc như nhà cụ Hoàng Tuôn, Hoàng Em, Hoàng Xý, là nơi ẩn loát tài liệu truyền đơn báo chí. Nhà cụ Hoàng Tuôn, bà Nguyễn Thị Đỹ, bà Lê Thị Năm là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng.
Những chỉ thị, các tờ báo như báo “Lao khổ”, “Tiến lên” của Xứ ủy từ đây được chuyển về cơ sở kịp thời chỉ đạo cao trào cách mạng 1930-1931 và phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Các cuộc đấu tranh oanh liệt như Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Anh Sơn, Can Lộc, Thạch Hà... phát triển mạnh mẽ đã làm cho thực dân Pháp và bọn phong kiến hoang mang lo sợ.
Tiêu biểu là cuộc biểu tình của khoảng 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên vào ngày 12/9/1930. Đoàn biểu tình xếp hàng dài hơn 1km tiến về TP Vinh, khi đến gần TP đoàn được bổ sung lên tới gần 3 vạn người, xếp hàng dài tới 4km. Trong cuộc đấu tranh này thực dân Pháp khủng bố tàn bạo làm hy sinh 217 người, 125 người bị thương.
Đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930-1931 là sự ra đời chính quyền Xô viết ở nhiều huyện, xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng đã khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng ta, có ý nghĩa như cuộc tập dượt đầu tiên của Đảng và quần chúng cho Tổng Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 sau này.
Tháng 10/1939, các đồng chí Bùi San, Trần Quỳ, Chu Huy Mân, Trần Văn Quang - cán bộ chủ chốt của Xứ ủy Trung Kỳ về Hưng Châu hoạt động. Cuối năm 1940, tại nhà ông Hoàng Viện. cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ đã đón đồng chí Mười Cúc (tức Nguyễn Văn Linh) cán bộ Trung ương về trực tiếp lãnh đạo phong trào, chỉ đạo Xứ ủy chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc Tổng Khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.
Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, cùng với nhân dân toàn tỉnh và nhân dân cả nước, nhân dân Hưng Châu đã vùng lên lật đổ chính quyền phong kiến tay sai và là 1 trong 4 địa phương (cùng 2 xã Quỳnh Đôi, Sơn Hải thuộc huyện Quỳnh Lưu và xã Nam Thanh thuộc huyện Nam Đàn) giành được chính quyền sớm nhất tỉnh Nghệ An.
Với giá trị lịch sử to lớn trong giai đoạn cách mạng 1930-1931, 1939-1945, năm 1991 nhà ông Hoàng Viện đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Ngày nay, Di tích nhà ông Hoàng Viện trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục tinh thần đoàn kết, tinh thần yêu nước, cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân. Hàng tháng, các trường học, đoàn thanh niên xã thường xuyên tổ chức cho học sinh, đoàn viên, thanh niên về tham quan, nói chuyện về lịch sử, cách mạng, truyền thống yêu nước. Đây cũng là nơi thường xuyên tổ chức lễ kết nạp đoàn viên mới trên địa bàn xã.