pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần đánh giá toàn diện hiệu quả của việc phân định miền núi, vùng cao
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu. Ảnh quochoi.vn
Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 2, chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo của Hội đồng Dân tộc về việc phân định miền núi, vùng cao. Ông Y Thanh Hà Niê K'đăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, cho biết: Về thực trạng phân định miền núi, vùng cao, việc phân định dựa trên các tiêu chí về mức độ phát triển về kinh tế, xã hội của các đối tượng; sau dần mở rộng để áp dụng thực hiện các chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa và giảm nghèo, an sinh xã hội cũng như đầu tư phát triển. Việc phân định sẽ làm căn cứ thực hiện chế độ, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giảm sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng trong cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, tiêu chí phân định miền núi, vùng cao chưa thực sự bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn, tính phù hợp và tính đồng bộ giữa một số phân định; Các tiêu chí chính để xác định miền núi, vùng cao còn quá đơn giản, chỉ căn cứ yếu tố độ cao so với mặt nước biển và tiêu chí số đơn vị hành chính để xác định là là tỉnh, huyện, xã là miền núi, vùng cao. Đặc biệt, nhiều văn bản pháp luật quy định phạm vi quá rộng cho nhiều vùng và chưa thống nhất, dẫn đến việc quy định đối tượng chính sách chưa cụ thể theo tính chất chính sách, đôi khi chồng lấn, khó cụ thể hóa và tổ chức thực hiện làm giảm hiệu quả chính sách…
Từ những tồn tại hạn chế trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ tổng kết đánh giá toàn diện hiệu quả của việc phân định miền núi, vùng cao; phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển. Xác định một cơ quan đầu mối quản lý chủ trì theo dõi chung về vấn đề phân định. Bên cạnh đó tiến hành nghiên cứu, xây dựng và ban hành tiêu chí phân định miền núi, vùng cao; rà soát phân định, bảo đảm cơ sở pháp lý cũng như tính thống nhất, đồng bộ để thực hiện chính sách, pháp luật.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh bày tỏ sự đồng tình với báo cáo giám sát về tình hình cũng như thực tế của Hội đồng Dân tộc. Vừa qua, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 88/2019/QH14, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 33/2020/QĐ-TTg, trong đó đã xác định các tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển. Nhưng khi ban hành bộ tiêu chí mới để cập nhật, tích hợp thì chưa có Nghị quyết thay thế và chưa có đánh giá một cách toàn diện.
Trên cơ sở đó, ông Hầu A Lềnh đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Hội đồng Dân tộc phối hợp với Uỷ ban Dân tộc cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đánh giá kĩ hơn để kiến nghị với các cấp có thẩm quyền nhằm tích hợp, điều chỉnh, bổ sung đánh giá toàn diện hơn.
Bổ sung thêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, phân định miền núi, vùng cao là phân định theo hình thức tự nhiên mang yếu tố bất biến nên việc xác định miền núi, vùng cao cực kì quan trọng, đó là cơ sở để ban hành một số quy định, chế độ, chính sách pháp luật. Việc áp dụng các chính sách khác trên cơ sở phân định theo trình độ phát triển mang rất nhiều yếu tố bị động cho nên một số chính sách không phù hợp và có một số chính sách gây lãng phí. Hiện nay, trong hệ thống pháp luật của Nhà nước đã đưa không ít nhóm đối tượng vào một điều khoản đối tượng ưu tiên nên đã dẫn đến tình trạng áp dụng chính sách gặp nhiều khó khăn trong việc cụ thể hoá.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, xuất phát từ vấn đề thực tiễn đặt ra trong Nghị quyết của Quốc hội và kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV về yêu cầu thực hiện phân định miền núi, vùng cao nhưng đến nay, việc triển khai thực hiện chưa đạt yêu cầu. Do đó, đề nghị Hội đồng Dân tộc tiếp tục phối hợp với Uỷ ban Dân tộc tiến hành tổng kết đánh giá toàn diện hiệu quả của việc phân định miền núi, vùng cao cùng với việc xem xét các hình thức phân định khác. Rà soát các văn bản chính sách pháp luật có liên quan, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định trong hệ thống chính sách pháp luật hiện hành. Đồng thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung tiêu chí và thực hiện phân định miền núi, vùng cao làm cơ sở thống nhất, đồng bộ để thực hiện chính sách pháp luật trong giai đoạn tiếp theo.