pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần giải quyết hiệu quả tình trạng ách tắc, ùn ứ hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu
Một điểm giải cứu nông sản do bị ùn ứ, ách tắc không thể thông quan qua cửa khẩu. Ảnh LĐ
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 9, ngày 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn này được tổ chức trực tuyến kết hợp trực tuyến kết nối 62 điểm cầu trên toàn quốc đối với hai lĩnh vực công thương và tài nguyên, môi trường.
Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: việc lựa chọn và quyết định 2 nội dung chất vấn tại Phiên họp thứ 9 là rất "đúng" và "trúng", vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước.
Đối với lĩnh vực công thương, dự thảo Nghị quyết nêu rõ: Tăng cường hợp tác quốc tế về thương mại, có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, nhất là các mặt hàng nông sản. Có chính sách đẩy nhanh việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch với lộ trình thực hiện cụ thể.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán các Nghị định thư với Trung Quốc để giảm tỷ lệ, thời gian nông sản Việt Nam phải qua kiểm tra khi xuất khẩu vào Trung Quốc. Thường xuyên cập nhật thông tin tình hình trong nước và quốc tế để người dân, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiến độ thu hoạch và điều tiết lượng hàng hóa vận chuyển lên các cửa khẩu…
Phát biểu liên quan nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch đó là cả một quá trình. Điều mà cử tri quan tâm nhất hiện nay là giải quyết tình trạng ách tắc về vấn đề ùn ứ hàng hóa, nhất là hàng nông sản tại các cửa khẩu thì cần phải nêu rõ ngay trong Nghị quyết. Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, qua thực tế trên cửa khẩu Tân Thanh cho thấy vấn đề ách tắc liên quan đến nhiều vấn đề như về phối hợp liên ngành, vấn đề kiểm tra sau thông quan, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý làm thêm giờ... Cử tri quan tâm là việc có để tình trạng ùn ứ hàng hóa này xảy ra hay không, chứ không phải chờ đến khi làm xong chính ngạch mới giải quyết được vấn đề ùn ứ hàng hóa xuất khẩu.
Về kinh doanh xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục việc rà soát để hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu; điều hành giá xăng dầu bám sát giá thế giới, quản lý theo thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước. Cần phải điều chỉnh giá xăng dầu linh hoạt hơn, tiếp tục rà soát sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP nếu thấy cần thiết.
Còn về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn liên quan lĩnh vực tài nguyên, môi trường, nhiều đại biểu nêu ý kiến, cần có chính sách để khuyến khích sử dụng công nghệ xanh, ít xả thải, tức là đi vào biện pháp phòng ngừa, bên cạnh các giải pháp xử lý cần chú trọng các biện pháp hạn chế bớt nguồn xả thải.
Đồng thời đề nghị lưu ý đến nhóm biện pháp xử lý trong quản lý đất đai, đặt vấn đề về thoái hóa đất, xử lý nghiêm tình trạng liên quan đến thoái hóa đất…
Với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.