pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần lồng ghép bình đẳng giới trong đào tạo, huấn luyện lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu. Ảnh: quochoi.vn
Phát biểu tại tổ, đại biểu Lê Thị Nguyệt, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, bày tỏ đồng tình về tên gọi của dự thảo. Tuy nhiên, đại biểu này cũng đề nghị làm rõ hơn nội hàm, bản chất để phân biệt lực lương tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở này khác với các khác ở cơ sở thế nào.
Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về Báo cáo đánh giá tác động về việc sẽ làm giảm chi ngân sách dành cho lực lượng này, đồng thời cần đánh giá tác động tới việc làm gia tăng các kinh phí liên quan như xây dựng trụ sở, các chính sách tiền lương, hỗ trợ; chi phí huấn luyện…
Đặc biệt, đại biểu Lê Thị Nguyệt đặt ra vấn đề bổ sung nguyên tắc đảm bảo bình đẳng giới vào trong các điều luật. Trong hoạt động huấn luyện, đào tào lực lượng bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, đại biểu Lê Thị Nguyệt kiến nghị Ban soạn thảo lưu ý tới đặc tiểm sức khỏe, tâm sinh lý khác nhau của đối tượng nam và nữ. Đồng thời lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong nội dung đào tạo, huấn luyện lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị cân nhắc các chế đội cho đối tượng nữ tham gia vào lực lượng bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở; đặc biệt là việc đảm bảo thực hiện các chính sách dành cho nữ giới như thời gian nghỉ thai sản, chế độ trực đêm, chế độ hỗ trợ cho nữ…
Đại biểu Bùi Đăng Dũng, đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, thì cho rằng những năm gần đây tình hình an ninh trật tự rất đáng lo ngại. Ở các thành phố lớn, như TP.HCM, tình trạng cướp giật rất manh động, liều lĩnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận. Ngày xưa có câu "ra ngõ gặp anh hung", ngày nay thì "ra ngõ gặp đầu gấu".
Chính vì vậy, theo đại biểu, Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, là cần thiết và nếu áp dụng tốt vào thực tế thì có tác dụng rất tích cực. Theo đại biểu, cũng như nhiều đại biểu khác cũng bày tỏ băn khoăng việc xây dựng lực lượng này ở cơ sở sẽ tác động, làm tăng ngân sách, chi phí như thế nào, cần Ban soạn thảo làm rõ.
Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Về sự cần thiết đưa lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, "thực tế lực lượng này đang tồn tại, đang hoạt động tại địa phương, chứ không phải đến bây giờ chúng ta xây dựng luật để sinh ra một lực lượng mới". Đây là lực lượng rất quan trọng, trọng tâm của việc huy động được sức mạnh của nhân dân tham gia; và đây là nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Trưởng ngành Công an cũng cho rằng, luật này ra đời không ảnh hưởng đến hoạt động của các mô hình đảm bảo an ninh trật tự khác, đồng thời phát huy sức sáng tạo của nhân dân phù hợp với từng đặc điểm từng địa phương từng xóm, làng từng khu dân cư, phong tục, tập quán truyền thống khác nhau. Đây chính là chỗ dựa cho các lực lượng có thể lồng ghép và tiến hành các nhiệm vụ.
Về vấn đề sử dụng công cụ hỗ trợ, theo Bộ trưởng Bộ Công an, lực lượng này phải được sử dụng công cụ hỗ trợ ở mức nào; vũ khí, phương tiện là gì thì đều có những định hướng, quy định rõ ràng; thậm chí có quy chuẩn về trang phục, tác phong khi tiếp xúc với người dân.
Giải đáp băn khoăn của một số đại biểu cho rằng, dự thảo cần phải giới hạn độ tuổi tham gia, bởi không thể để những người đã về hưu, người ngoài 60 tuổi, không còn đủ sức khỏe để bảo vệ trị an ở cơ sở. Ông Tô Lâm cho biết: Về độ tuổi, quy định ít nhất phải từ 18 tuổi trở lên. Thực tế hiện nay, vùng nông thôn rất ít thanh niên mà tham gia phần lớn là những người có uy tín, người có trách nhiệm, thậm chí công an về hưu, cán bộ nghỉ hưu trong khu phố.