pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần nhạy cảm giới trong quy trình tố tụng người chưa thành niên phạm tội
PGS.TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: PVH
PGS.TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho rằng, người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi, chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tâm lý và kinh nghiệm sống, trình độ nhận thức còn hạn chế. Ở độ tuổi này, sự phát triển tâm sinh lý phức tạp có ảnh hưởng đáng kể tới nhận thức và hành vi của người vị thành niên, dễ dẫn đến các hành vi sai trái, hành vi lệch chuẩn. Đặc biệt, với người chưa thành niên có hoàn cảnh đặc biệt như nghèo đói, trẻ khuyết tật, cha mẹ ly hôn, gia đình bất hoà, dễ có những cảm xúc và hành vi tiêu cực.
Người chưa thành niên là đối tượng dễ bị tổn thương nên họ còn là nạn nhân của các hành vi phạm tội, trong phạm vi gia đình và ngoài xã hội. Bên cạnh đó, người chưa thành niên cũng có thể là người làm chứng, nhân chứng cho hành vi phạm tội. Chính sách, pháp luật về người chưa thành niên, thủ tục, biện pháp xử lý chuyên biệt đối với người chưa thành niên, vì vậy cần nhân văn và thân thiện, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, đảm bảo thủ tục tố tụng thân thiện, đảm bảo việc đối xử bình đẳng, không có phân biệt đối xử, đặc biệt là phân biệt đối xử theo giới.
Về thủ tục tố tụng thân thiện với người chưa thành niên, bà Dương Kim Anh cho rằng: Trẻ em, người chưa thành niên có quyền được bảo vệ khỏi những khó khăn trong suốt quá trình tư pháp. Các em được bảo vệ khỏi mọi hình thức xâm phạm và ngược đãi từ thời điểm hành vi phạm pháp bị phát hiện cho tới suốt quá trình điều tra, truy tố, và xét xử hành vi đó. Thủ tục tố tụng thân thiện giúp giảm xung đột lợi ích, giúp bảo vệ quyền, nhân phẩm của người phạm tội, đặc biệt là trường hợp người chưa thành niên phạm tội.
Đặc biệt, nam, nữ chưa thành niên có nhu cầu, có đặc điểm tâm sinh lý khác nhau, nên các thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người phạm tội, bị hại, người làm chứng cần có tính nhạy cảm giới. Việc lấy lời khai, đối chất, việc xem xét dấu vết cơ thể, việc giám sát, điều kiện vật chất, nhà vệ sinh, nơi tắm rửa, giặt giũ cần lưu ý an toàn về thân thể cũng như nhân phẩm của người chưa thành niên.
Nêu các vấn đề giới tồn tại trong Dự thảo Luật, bà Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho rằng: Dự thảo luật còn chung chung, chưa bao quát hết các vấn đề giới trong tư pháp vị thành niên; việc đảm bảo an toàn cho người thành niên là người bị hại, người làm chứng trong quá trình tố tụng theo quy định của pháp luật mới chỉ nói chung chung, chưa nói rõ việc bảo vệ quyền và nhân phẩm; hoạt động tư pháp người chưa thành niên cần có sự tham gia của các nhân sự, các chuyên gia có hiểu biết về tâm lý học, khoa học giáo dục, về xã hội học, đặc biệt là xã hội học giới.
Bên cạnh đó, người chưa thành niên xuất hiện trong Dự thảo luật, với tư cách là người bị hại, người làm chứng, hay người phạm tội, người bị buộc tội còn mang tính thụ động, ở vai trò là người được hỏi, người thực hiện các yêu cầu tố tụng, thay vì thể hiện nhu cầu, tiếng nói, đề xuất tâm tư, nguyện vọng hay thực hiện phản biện để đảm bảo quyền lợi cho mình...
Theo đó, bà Dương Kim Anh đề xuất: cần rà soát bổ sung, nhấn mạnh rằng tư pháp người chưa thành niên quan tâm bảo vệ quyền con người, nhân phẩm con người, nghiêm cấm kỳ thị, không phân biệt đối xử, đặc biệt là phân biệt đối xử theo giới. Các dịch vụ hỗ trợ tư pháp vị thành niên cần đáp ứng nhu cầu giới của người chưa thành niên và người thực hiện bảo vệ tư pháp vị thành niên, đặc biệt là nhu cầu giới thực tế, nhu cầu giới chiến lược. Đặc biệt là cần thúc đẩy vai trò, trách nhiệm của nhà trường và xã hội, bên cạnh trách nhiệm của cha mẹ, gia đình...
Góp ý một số nội dung cụ thể, luật sư Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, cho rằng: Quy định nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất (Điều 5) trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt các quy định của dự thảo Luật này thì cần làm rõ khái niệm "lợi ích tốt nhất", khái niệm "chỉ trong trường hợp cần thiết". Đồng thời, quy định về xử lý chuyên biệt (Điều 12) cần được rà soát, chỉnh lý cho rõ ràng, dễ hiểu và hiểu thống nhất mà trước hết là cần làm rõ khái niệm "xử lý chuyên biệt" có đồng nghĩa với khái niệm "tư pháp người chưa thành niên" được giải thích tại khoản 8 Điều 4 không?
Bên cạnh đó, quy định về quyền của người chưa thành niên (Chương III), ông Lê Việt Trường đề nghị rà soát chỉnh lý thống nhất quyền được trợ giúp pháp lý, phiên dịch đối với người chưa thành niên được quy định tại Chương này. Tại các Điều từ 21 đến 24, nếu người chưa thành niên thuộc dân tộc thiểu số không giao tiếp được bằng tiếng phổ thông thì đều cần được phiên dịch.
Báo cáo tình hình người dưới 18 tuổi phạm tội và bị hại trong các vụ án hình sự năm 2021 tại Việt Nam của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Liên Minh Châu Âu, và UNICEF (2023) cho thấy, có tới 96,17% tội phạm bị khởi tố bị can là nam giới; tỷ lệ này ở nữ giới là 3,83%.
Như vậy, tội phạm chưa thành niên là nữ, nhóm này thuộc nhóm thiểu số và cần được quan tâm bảo vệ, hỗ trợ, không có kỳ thị, phân biệt đối xử và là nhóm cần cân nhắc ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng như xử lý chuyển hướng tại cộng đồng hay biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, tuỳ theo mức độ phạm tội.