pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần những khóa tập huấn cho phụ huynh nông thôn về quản lý việc sử dụng điện thoại của con
Chị Nguyễn Thị Phúc cùng con
Ở nông thôn hiện nay, việc trẻ được cha mẹ cho tiếp cận điện thoại thông minh sớm đã nảy sinh nhiều nguy ngại, trong đó có việc nghiện game và tiếp cận những nội dung khiêu dâm, đồi trụy, lối sống lệch lạc.
Một thời gian tham gia làm Phó trưởng thôn, Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN xã, tôi phải tìm hiểu thực tế cuộc sống của người dân. Tôi nhận thấy nhiều gia đình có con nhỏ cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh từ rất sớm. Có gia đình, con hơi khóc một tí cũng đưa điện thoại cho con nghịch. Việc này khiến trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh về mắt, rối loạn hành vi, chậm phát triển, giảm khả năng học tập. Thậm chí có trẻ ở độ tuổi học đường, qua điện thoại mà trở thành "nghiện" game, nghiện mạng xã hội, xem các nội dung khiêu dâm, đồi trụy. Khi đã "mê" điện thoại, trẻ em ở vùng quê gần đây quên dần những trò chơi truyền thống mang tính cộng đồng, sự đoàn kết, tinh thần sẻ chia như ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây...
Hai con tôi cũng sớm được tiếp cận điện thoại thông minh. Ngoài những lợi ích đối với việc học, cho con sử dụng điện thoại thông minh sớm còn có những tiêu cực nảy sinh, cụ thể là việc khó dạy dỗ con cái hơn trước. Khi đứa trẻ chưa say sưa với điện thoại thông minh, việc quản lý của cha mẹ rất dễ. Nhưng khi con đã "nghiện" rồi, nếu bị tịch thu, trái ý, con thường phản ứng một cách thái quá. Trước tình hình này, việc giáo dục con cũng cần phải thay đổi. Cha mẹ cần phân tích cho con hiểu, rồi đi đến thống nhất thời gian sử dụng điện thoại trong ngày.
Với đặc tính lao động nông nghiệp ở nông thôn, nhiều cha mẹ không có thời gian nhiều ở bên con, không thể biết lúc nào con truy cập vào những nội dung không lành mạnh. Tôi mong muốn thời gian tới, các cấp chính quyền, các cấp Hội và nhà trường sẽ thiết kế những buổi học, khóa tập huấn dành cho trẻ em, các bậc phụ huynh về việc sử dụng, quản lý việc sử dụng điện thoại thông minh sao cho hợp lý và hiệu quả nhất. Cần có nhiều buổi học được tổ chức thường xuyên trong nhà trường, giúp các cháu nâng cao nhận thức về những lợi ích và tác hại của việc sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều.
Việc đảm bảo sự tham gia đầy đủ của phụ nữ trong các hoạt động chính trị-xã hội không chỉ giúp nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ mà còn là chìa khóa cho sự phát triển bền vững và tiến bộ lâu dài của xã hội.
Từ trải nghiệm của bản thân, hãy chia sẻ những vấn đề đặt ra, giải pháp nhằm thúc đẩy phụ nữ tham chính trong diễn đàn "Tiếng nói phụ nữ" tháng 8/2021.
Mọi ý kiến xin gửi về toà soạn Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoặc qua e-mail: diendanbaopn@gmail.com.