Cần tạo sinh kế, nâng cao quyền năng của phụ nữ dân tộc thiểu số

Chị Phù Thị Thơ, người Pà Thẻn, xã Tân Trịnh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang
26/08/2021 - 12:28
Cần tạo sinh kế, nâng cao quyền năng của phụ nữ dân tộc thiểu số

Ảnh minh họa

Để nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số, theo tôi, trước hết phải bắt đầu từ việc tạo sinh kế, cải thiện cuộc sống thông qua phát triển các mô hình kinh tế, tận dụng thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế bền vững.

Những năm gần đây, đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Hà Giang từng bước được nâng cao. Sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số trong các hoạt động cộng đồng, góp tiếng nói đưa ra quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương cũng ngày một nhiều. Trong đó, người dân tộc Tày, Dao, Pà Thẻn sống tập trung ở xã Tân Trịnh và Tân Bắc (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) cũng có sự thay đổi rõ nét. Trình độ của phụ nữ các dân tộc thiểu số nơi đây được nâng cao, phần lớn đều đạt trình độ 12/12, có người có bằng đại học, cao đẳng.

Bản thân tôi có bằng Cao đẳng mầm non. Giống như nhiều chị em nơi đây có chồng đi làm ăn xa, các việc từ trong nhà đến cộng đồng phần lớn do phụ nữ gánh vác. Gần đây, đông đảo chị em phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây đã tự mình đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, lựa chọn người đại diện tham gia các cơ quan dân cử.

Cần tạo sinh kế, nâng cao quyền năng của phụ nữ dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Chị Phù Thị Thơ, người Pà Thẻn, xã Tân Trịnh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang

Mặc dù vậy, tình trạng bất bình đẳng giới, định kiến giới vẫn còn nặng nề. Nhiều gia đình nơi đây còn mang nặng tư tưởng "trọng nam khinh nữ" và cho rằng, phụ nữ chỉ nên làm những việc trong nhà như nội trợ, chăm con, còn những việc quan trọng của thôn bản, chính quyền là dành cho đàn ông. Chính vì vậy, thực tế tồn tại nhiều năm qua, trong các hoạt động cộng đồng của địa phương, nam giới vẫn chiếm số đông và nắm giữ các vị trí ra quyết định.

Mặt khác, bản thân nhiều chị em còn tự ti, rụt rè, ngại tham gia các phong trào, hoạt động chính trị của địa phương. Rào cản lớn nhất chính là bởi đời sống của chị em còn nhiều khó khăn, kinh tế bấp bênh, thiếu ổn định nên đã chi phối thời gian, làm hạn chế về nhận thức cũng như mối quan tâm của chị em tới các hoạt động của cộng đồng. Để nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số, theo tôi, trước hết phải bắt đầu từ việc tạo sinh kế, cải thiện cuộc sống thông qua phát triển các mô hình kinh tế, tận dụng thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế bền vững. Trên cơ sở đời sống nâng cao, nhận thức của chị em vùng dân tộc thiểu số tiến bộ thì ý thức bảo vệ quyền lợi của bản thân, việc tham gia các hoạt động của chính quyền, phong trào của các tổ chức, đoàn thể mới tăng lên.

Tôi cũng kiến nghị các cấp, ngành quan tâm hơn nữa trong thực hiện bình đẳng giới, tạo cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số được thụ hưởng nhiều hơn nữa các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao vai trò của phụ nữ trong các cơ quan, đoàn thể, để họ tham gia góp tiếng nói nhiều hơn nữa ở các cấp chính quyền, cơ quan dân cử...

Việc đảm bảo sự tham gia đầy đủ của phụ nữ trong các hoạt động chính trị-xã hội không chỉ giúp nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ mà còn là chìa khóa cho sự phát triển bền vững và tiến bộ lâu dài của xã hội.

Từ trải nghiệm của bản thân, hãy chia sẻ những vấn đề đặt ra, giải pháp nhằm thúc đẩy phụ nữ tham chính trong diễn đàn "Tiếng nói phụ nữ" tháng 8/2021.

Mọi ý kiến xin gửi về toà soạn Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoặc qua e-mail: diendanbaopn@gmail.com.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm