pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần quyết sách thiết thực duy trì, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động
Tại phiên thảo luận tại hội trường (sáng 31/5) về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, cho rằng, thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã khiến thị trường lao động sụt giảm, nhiều lao động mất việc làm, mất nguồn thu nhập chính, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, đại biểu Ngọc Dung nhấn mạnh: Tình trạng mất việc làm có thể được xem là một trong những rủi ro lớn nhất. Bởi khi đó người lao động rất dễ bị tổn thương do mất đi nguồn thu nhập chính, mất đi cơ sở kinh tế cần thiết để ổn định cuộc sống cho bản thân và cho cả người phụ thuộc vào họ như trẻ em hay người già không còn sức lao động.
Theo đại biểu, người lao động không còn khả năng chi trả cho các nhu cầu thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, y tế, lương thực, thực phẩm. Thậm chí, người bị thất nghiệp còn có nguy cơ đối mặt với những áp lực, thậm chí là khủng hoảng về tinh thần và có thể dẫn tới những hành động tiêu cực, ảnh hưởng không chỉ tới bản thân và gia đình họ mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội như bạo lực, bỏ học hay tệ nạn xã hội.
Đại biểu nhấn mạnh, tại thời điểm này người dân và doanh nghiệp đang rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội.
Chung mối quan tâm, đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, cho rằng, Việt Nam đã tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, việc ký kết các hiệp định thương mại đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nhưng đi kèm là không ít thách thức, nhất là tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng. Điều này Chính phủ đã lường trước và đã có những quyết sách mang tính vĩ mô và cụ thể.
Tuy nhiên, theo đại biểu Tô Ái Vang, hiện nay tình trạng thất nghiệp của người lao động và những tác động trực tiếp hay gián tiếp của thất nghiệp lên kinh tế xã hội tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm.
Vì thế, đại biểu kiến nghị năm 2023 Chính phủ xác định là năm dữ liệu số Việt Nam, nên các bộ, ngành liên quan sớm hoàn chỉnh dữ liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp hiện nay và phân thất nghiệp thành ba loại chính: thất nghiệp xảy ra khi có sự mất cân đối về mặt cơ cấu giữa cung và cầu lao động; thất nghiệp do tình trạng suy thoái về kinh tế và thất nghiệp xảy ra, quy luật cung cầu trên thị trường.
Còn đại biểu Triệu Quang Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có những biện pháp mạnh mẽ nhằm nâng cao năng suất lao động, thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất, tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định FTA đã ký kết, khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Đồng thời, cần có giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư thương mại, thu hút đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa các ngành, sản phẩm; qua đó tạo việc làm ổn định cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Ngoài ra, một số đại biểu Quốc hội cũng đề xuất có sự hỗ trợ để nhóm lao động tự do, nông dân và các ngành nghề truyền thống tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, cũng như thúc đẩy công tác xã hội hóa, có cơ chế khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các mô hình an sinh xã hội.