Cần sớm áp chuẩn IFRS để hạn chế những ‘thương vụ mờ ám’

25/02/2019 - 16:20
Đối với các doanh nghiệp cần thẩm định giá hay thực hiện các thương vụ, chuẩn mực kế toán quốc tế (International Financial Reporting Standards, viết tắt IFRS) sẽ là công cụ hữu hiệu để thực hiện được chính xác và nhanh chóng. Nếu như áp chuẩn IFRS từ đầu thì hẳn không thể có mức giá mua "trên trời" như trong một số vụ việc xảy ra thời gian qua.
Việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (International Financial Reporting Standards, viết tắt IFRS) tại Việt Nam hiện vẫn gặp phải một số khó khăn vướng mắc, song không phải là không thể thực hiện, bởi đây được xem là tiêu chí cho hội nhập quốc tế, là công cụ hữu hiệu để hạn chế những thương vụ mờ ám giữa các doanh nghiệp.
 
Phải sớm áp chuẩn
 
Theo kế hoạch của Bộ Tài chính, đến năm 2020, kế toán kiểm toán của Việt Nam phải đạt mức tiệm cận thông lệ quốc tế. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra cho Bộ Tài chính là xây dựng lại hệ thống báo cáo tài chính Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế và một hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam. Điều này đồng nghĩa khi áp dụng theo chuẩn mực quốc tế, hệ thống kế toán, kiểm toán của các doanh nghiệp ở Việt Nam và thế giới sẽ có một “ngôn ngữ” chung.
 
Hơn nữa, các thông tin trong các báo cáo tài chính sẽ trung thực hơn, phù hợp hơn, tạo điều kiện cho người điều hành quản trị doanh nghiệp ra các quyết định. Mặt khác, hiện một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia thị trường vốn quốc tế, nếu báo cáo tài chính được làm theo chuẩn mực quốc tế, thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ yên tâm hơn về các thông tin được công bố trong đó.
 
 
90.jpg
Ảnh minh họa

 

Thực tế, từ vài năm trước, Bộ Tài chính đã cho triển khai xây dựng đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (Vietnam Financial Reporting Standards, viết tắt VFRS) và cập nhật hệ thống chuẩn mực kế toán (Vietnamese Accounting Standards, viết tắt VAS) theo định hướng IFRS tại Việt Nam. Theo đó, đề án áp dụng xây dựng phương án, lộ trình, cách thức áp dụng VAS và VFRS đối với từng nhóm đối tượng cụ thể tại Việt Nam.
 
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng xây dựng hệ thống chuẩn mực VFRS phù hợp với quốc tế và cập nhật hệ thống chuẩn mực VAS hiện hành và ban hành mới một số chuẩn mực mới. Đối tượng bắt buộc phải tham gia VFRS bao gồm các công ty niêm yết, các doanh nghiệp chưa niêm yết nhưng có lợi ích cho công chúng quy mô lớn như ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp nhà nước. VAS được áp dụng cho báo cáo tài chính từ năm 2027, trong khi VFRS dự kiến sẽ được áp dụng từ năm 2025.
 
Theo đánh giá, việc áp dụng IFRS sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực như chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ được cải thiện một cách rõ rệt thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh, giúp báo cáo tài chính của doanh nghiệp Việt Nam có thể so sánh được với các doanh nghiệp khác trên thế giới.
 
Ngoài ra, do IFRS được thừa nhận và áp dụng rộng rãi sẽ giúp người sử dụng báo cáo tài chính có thể so sánh tình hình và kết quả tài chính của các doanh nghiệp giữa các quốc gia khác nhau một cách dễ dàng hơn, do được lập dựa trên cùng một hệ thống chuẩn mực, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thuận lợi hơn trong việc huy động vốn trên thị trường quốc tế.
 
Công cụ để hạn chế “bóp méo” thị trường
 
Theo tài liệu thống kê của Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), tính đến nay đã có 131/143 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm tỷ lệ 93% các nước được IASB khảo sát) đã tuyên bố về việc cho phép áp dụng IFRS dưới các hình thức khác nhau. Trong đó có 119/143 (chiếm tỷ lệ 83,2%) quốc gia và vùng lãnh thổ đã yêu cầu bắt buộc sử dụng các chuẩn mực của IFRS đối với tất cả hoặc hầu hết các đơn vị lợi ích công chúng trong nước. Ở Châu Âu, 31 nước thành viên và 5 vùng lãnh thổ đã áp dụng toàn bộ IFRS.
 
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia chưa có tuyên bố về việc áp dụng IFRS. Thực tế, việc áp dụng IFRS tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Khó khăn lớn nhất hiện nay là do thị trường vốn, thị trường tài chính của Việt Nam phát triển chưa đủ mạnh, một số công cụ tài chính như trái phiếu chuyển đổi, công cụ phái sinh, cổ phiếu ưu đãi chưa được giao dịch rộng rãi nên hầu hết các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm trong việc thực hiện giao dịch và hạch toán các nội dung kinh tế liên quan, do đó không phải lúc nào cũng có thể cung cấp thông tin về giá trị tài chính hợp lý một cách đáng tin cậy. Ngoài ra, do IFRS yêu cầu một số kỹ thuật phức tạp và thực hiện một số đánh giá mang tính chủ quan như việc thực hiện các ước tính về giá trị hợp lý khi không có giá niêm yết trên thị trường, xác định giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai…. nên nếu không có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng thì doanh nghiệp Việt Nam khó có thể áp dụng IFRS thành công.
 
Song, khó không có nghĩa là không thể thực hiện được. Lợi ích quan trọng nhất của IFRS là sẽ tạo ra tính minh bạch. Minh bạch là yếu tố cần thiết để tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, hạn chế những thương vụ mờ ám, những can thiệp “bóp méo” thị trường.
 
Đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, chẳng hạn như Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đơn vị này cũng bắt buộc phải áp dụng theo chuẩn IFRS, vì họ không còn được tiếp cận vốn vay ưu đãi lãi suất, nếu muốn phát hành trái phiếu để vay vốn thương mại, theo quy định tất cả các ngân hàng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp nếu doanh nghiệp đó áp dụng báo cáo tài chính theo IFRS. Hay như tập đoàn VinGroup, trước niêm yết trên thị trường Singapore cũng phải dùng các chuyên gia E&Y hỗ trợ trong việc lập báo cáo theo chuẩn IFRS.
 
 
avgmbiphone.jpg
Nếu như sớm áp dụng chuẩn mực IFRS để định giá tài chính công khai, AVG và Mobifone không thể tự ý "thổi phồng" định giá để mua bán, trục lợi, gây thất thoát cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

 

Đối với các doanh nghiệp cần thẩm định giá hay thực hiện các thương vụ, IFRS sẽ là công cụ hữu hiệu để thực hiện được chính xác và nhanh chóng. Ví dụ vụ mua ụ nổi của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), công ty này đã mua gần 600 tỷ đồng nhưng không sử dụng được, bán cũng không xong, nên bắt buộc ghi 600 tỷ đồng này vào chi phí. Vậy câu hỏi đặt ra: Vinalines bao nhiêu lâu mới bù đắp được thiệt hại đó? Nếu như áp chuẩn IFRS từ đầu thì hẳn không thể có mức giá mua "trên trời" như vậy được.
 
Hay trong thương vụ mua bán cổ phần giữa Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) và CTCP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), công ty thẩm định giá thương vụ này đã "giải thể, mất tích" nên cơ quan chức năng không xử lý được công ty thẩm định giá, mặc dù vụ việc đã ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường. Nếu như áp chuẩn IFRS để tính toán, thẩm định giá thì hẳn AVG không thể được định giá lên đến mức gần 9.000 tỷ đồng (tương ứng 95% cổ phần mà MobiFone đã mua lại). Bởi khi tài chính công khai, AVG hay MobiFone không thể tự ý "thổi phồng" định giá để mua bán, trục lợi, do tài chính thẩm định đã được công khai.
 

Cơ hội để đổi mới quản trị tài chính quốc gia

Trao đổi với PV Báo PNVN về vấn đề này, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết, dù gặp một số vướng mắc nhưng nếu quyết tâm thì vẫn có thể hoàn thành đúng theo kế hoạch. “Việc áp dụng IFRS tại Việt Nam xuất phát từ yêu cầu của Chính phủ khi đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam phát triển bền vững, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Ngoài ra, Việt Nam là nước có độ mở nền kinh tế cao, các hiệp định đều có quy định khuyến khích tự do thương mại, khuyến khích các dòng vốn đầu tư, nhất là từ khu vực tư nhân, vì vậy, tất yếu Việt Nam cần thiết phải thực hiện chuẩn mực về báo cáo tài chính”, ông Tuấn khẳng định.

Theo ông Tuấn, năm 2018, kim ngạch xuất nhập khảu của Việt Nam đã đạt 474 tỷ USD, Việt Nam đã tham gia trên 14 hiệp định thương mại tự do, trong đó đều có các quy định về khuyến khích các dòng vốn đầu tư, khuyến khích tự do thương mại để phát triển kinh tế. Để đẩy mạnh hội nhập, tất yếu phải thực hiện chuẩn mực quốc tế với báo cáo tài chính của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là một yêu cầu tất yếu giúp đổi mới quản trị tài chính quốc gia.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm