Cần tạo niềm tin để chữa lành những tổn thương cho trẻ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

Phạm Thương
30/03/2024 - 16:47
Cần tạo niềm tin để chữa lành những tổn thương cho trẻ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19

Các phụ huynh, học sinh tham gia chương trình

Đó là lời chia sẻ cũng là phương pháp do chuyên gia Tâm lý - GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TPHCM, đưa ra nhằm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần, chữa lành những tổn thương cho trẻ em, học sinh trong bối cảnh hậu Covid-19.

"Dư chấn" tinh thần còn âm ỉ

Covid-19 đã lùi xa được 2 năm và mọi người đang nỗ lực phục hồi kinh tế - xã hội, sức khỏe tinh thần… Song, những "dư chấn" tinh thần vẫn còn âm ỉ, những vết thương lòng của trẻ em vẫn chưa thể nguôi ngoai.

Chị Vũ Thị Thắm (Linh Xuân, TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết: "Chồng tôi mất do đại dịch Covid-19, tôi làm công nhân và nuôi 2 con ăn học. Đứa lớn đã học năm 3 đại học. Đứa nhỏ nay đã vào lớp 8. Giai đoạn chồng mất, tôi lo tất cả mọi thứ từ đưa chồng về quê chôn cất, lo đám, Covid-19 thì không ai dám lại gần. Có lúc tôi phải buông các con nên con bị sốc về tâm lý, nhất là đứa nhỏ. Vì cháu nhỏ được ba đưa rước đi học, chăm sóc nhiều hơn. Tôi đi làm công ty, anh ấy làm tự do nên có nhiều thời gian gần gũi, chăm lo cho con. Đến lúc ba mất đột ngột thì con bé bị sốc, con đang học giỏi mà tụt hạng luôn. 

Sau dịch, con hay im lặng, ít hoạt bát, không muốn giao tiếp nhiều, tôi sợ con bị tự kỷ. Hiện tại, tôi đã học được cách bình tĩnh, vực dậy tinh thần cho con và bản thân. Năm nay, lực học của con lên được học sinh khá. Nhưng tôi biết lâu lâu con vẫn còn rất tủi thân, khóc thầm. Tôi luôn quan tâm dẫn con đến chương trình về chăm sóc sức khỏe tinh thần, tôi muốn con mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng vượt qua vết thương lòng để có thêm niềm tin vào cuộc sống".

Cần tạo “niềm tin tương tự” để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ sau đại dịch Covid-19- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Lê Thị Riêng, phát biểu tại chương trình.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Lê Thị Riêng, cho biết: "Mặc dù không phải là hiện tượng phổ biến nhưng thực tế hiện nay cho thấy tỷ lệ người mắc phải chứng rối loạn tâm thần hậu Covid-19 đang có chiều hướng gia tăng. Nó là hệ lụy gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Một số rối loạn tâm thần hậu Covid-19 hay gặp có thể kể đến như: rối loạn giấc ngủ, rối loạn âu lo, trầm cảm…".

Chuyên gia Tâm lý - GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho hay: Khoảng 1/5 người trưởng thành đang có vấn đề về sức khỏe tinh thần mà không chịu thừa nhận, biểu hiện như: Cười một mình mà không biết tại sao, nhìn ai cũng cảm thấy khó ưa, không muốn giao tiếp… 

Đối với trẻ em, ước tính 14% trẻ em trên toàn cầu (không phải trẻ là trẻ em yếu thế) cũng đang gặp những vấn đề về sức khỏe tinh thần. Các em không may mắn gặp vấn đề trong đại dịch cũng như trẻ em bình thường đều có thể gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Ví dụ các em bị bạn bè nhắn tin đe dọa, không dám nói với ba mẹ, hiện tượng tẩy chay nhóm cũng khiến các em lo lắng…

Chuyên gia Tâm lý - GS.TS Huỳnh Văn Sơn (trái) - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TPHCM - chia sẻ tại chương trình.

"Những trẻ em gặp sang chấn trong đại dịch và sau đại dịch là nhóm trẻ rất nhạy cảm. Các em có diễn tiến tâm lý rất phức tạp, thiếu cân bằng về cảm xúc. Các em có nhu cầu tự vệ rất lớn và dễ xuất hiện cảm xúc tiêu cực một cách bất ngờ. Những biểu hiện tổn thương đó đòi hỏi người lớn, nhất là người ở bên cạnh các em, phải mềm mỏng, nhẫn nhịn và linh hoạt để bắt nhịp với từng cảm xúc của các em, để hiểu và đồng cảm", chuyên gia Tâm lý - GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết.

Hỗ trợ chăm sóc tinh thần

Với mong muốn hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần cho các em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của các con khi thiếu tình cảm của cha, mẹ, có thêm cơ hội tới trường và viết tiếp ước mơ, ngày 30/3, Trường Trung cấp Lê Thị Riêng (TP Thủ Đức, TPHCM) tổ chức "Chương trình Chăm sóc sức khỏe tinh thần và trị liệu tâm lý cho hội viên, học sinh bối cảnh hậu dịch Covid-19 khu vực TPHCM" và trao học bổng cho các em thuộc chương trình "Mẹ đỡ đầu".

Chương trình còn mong muốn tạo ra một không gian an lành và đáng tin cậy, nơi mọi người có thể chia sẻ những nỗi lo âu, nỗi đau và khó khăn của mình, để giúp các em tìm lại được sự cân bằng và khôi phục tinh thần.

Em Hà Thiên Ngân (lớp 8, trường THCS Long Bình, Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ: "Ba con mất do dịch Covid-19, chị gái bị bệnh down, bệnh tim. Một mình mẹ nuôi tụi con rất vất vả. Khi ba mất, con bị sốc và không tin đó là sự thật, con rất đau lòng, vì chỉ nghĩ ba đi làm thôi. Mỗi lúc buồn, con khóc xong rồi nín, nín rồi lại khóc. Mẹ và bạn bè, họ hàng động viên nên thời gian qua, nỗi đau cũng dần được xoa dịu. Tại chương trình, con nghe thầy nói về tình mẫu tử, những bài học tâm lý. Thầy dặn tụi con phải biết yêu bản thân, suy nghĩ tích cực, cố gắng mạnh mẽ vượt qua nỗi buồn đó".

Cần tạo “niềm tin tương tự” để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ sau đại dịch Covid-19- Ảnh 4.

BTC trao học bổng cho các em thuộc chương trình “Mẹ đỡ đầu”.

Với các phụ huynh, đoàn thể, GS.TS Huỳnh Văn Sơn cũng đưa ra hướng dẫn trong quá trình đồng hành cùng các em: "Có một nguyên lý về sự đổ vỡ niềm tin con người, đổ vỡ về điểm nương tựa về đời sống tinh thần, buộc người lớn phải cố gắng để đem đến cho các em niềm tin tương tự. Nghĩa là chúng ta tìm điểm tựa mới. Điểm tựa mới có thể không vững chãi như mối quan hệ trước đó nhưng nó là chỗ dựa cực kỳ quan trọng để các em cảm thấy có được sự tin tưởng trong cuộc sống. Có niềm tin thì chúng ta cũng như các em mới có năng lượng, có suy nghĩ tích cực, có cảm xúc tích cực. Những cảm xúc này có được khi chúng ta có mối quan hệ đồng cảm, chia sẻ, nâng đỡ tinh thần cho trẻ. Chỉ có như vậy thì các em mới có cơ hội để phát triển và cân bằng về mặt tâm lý".

Lời khuyên dành cho các em học sinh, GS.TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh: "Vấn đề sức khỏe tinh thần là vấn đề hiện hữu trong mỗi con người của chúng ta, chỉ có duy nhất một cách là tìm cách nâng đỡ mình và vực mình dậy trước khi liên hệ với người thân hay chuyên gia tâm lý".

BTC trao học bổng cho các em thuộc chương trình “Mẹ đỡ đầu”


* Dịp này, Hội LHPN Việt Nam, Trường Trung cấp Lê Thị Riêng cùng các mạnh thường quân đã trao học bổng cho 124 trẻ em mồ côi do Covid -19, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm