Cẩn thận nếu bị đánh trống ngực về đêm

Châu Anh
15/03/2024 - 17:30
Cẩn thận nếu bị đánh trống ngực về đêm
Bạn có thể cảm thấy tim đập nhanh hơn như đánh trống ngực (Heart Palpitations) vào ban đêm. Nguyên nhân có thể do một số tình trạng sức khỏe với nhiều mức độ nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng khác nhau.

Các triệu chứng của hiện tượng đánh trống ngực có thể đáng lo ngại nếu chúng xảy ra bất ngờ hoặc chưa từng gặp phải trước đây, các triệu chứng này bao gồm:

- Cảm giác mạch đập không đều hoặc tim bỏ nhịp, hụt nhịp trong một khoảnh khắc.

- Cảm giác đau ở ngực.

- Cảm giác tim "run rẩy" như đang bị kích động (fluttering) hoặc hồi hộp.

- Cảm giác đánh trống ngực, đập mạnh.

1. Nguyên nhân đánh trống ngực về đêm

Có một số yếu tố có thể gây ra tình trạng đánh trống ngực vào ban đêm mà bạn nên chú ý. Một đánh giá năm 2022, theo Medical News Today, cho thấy 43% các tình trạng đánh trống ngực có nguyên nhân từ tim, 34% có nguồn gốc từ sức khỏe tâm thần và 10% là do các tình trạng khác.

- Tình trạng sức khỏe

+ Bệnh tim: Một số vấn đề về tim có thể gây ra tình trạng đánh trống ngực về đêm khiến giấc ngủ bị gián đoạn, bao gồm nhịp nhanh thất, rung nhĩ, cuồng động nhĩ, tổn thương tim khác... Người bệnh có thể dễ nhận thấy hiện tượng đánh trống ngực khi nằm xuống.

Cẩn thận nếu bị đánh trống ngực về đêm- Ảnh 1.

Bệnh tim là một trong những nguyên nhân gây đánh trống ngực về đêm (Ảnh: Internet)

+ Thiếu máu: Bệnh thiếu máu có thể khiến một người bị đánh trống ngực vào ban đêm do nhu cầu oxy của cơ thể không được đáp ứng do lượng hồng cầu giảm. Điều này buộc tim phải làm việc nhiều hơn để cung cấp đủ oxy đến các mô và cơ quan, có thể dẫn đến nhịp tim nhanh, đặc biệt là trong lúc nghỉ ngơi hoặc ban đêm.

+ Bệnh Paget: Bệnh Paget có thể gây tăng nhịp tim, bởi bệnh này làm tăng quá trình chuyển hóa của cơ thể và có thể gây ra những thay đổi trong lưu lượng máu. Điều này có thể khiến tim phải làm việc nhiều hơn, đặc biệt là vào ban đêm khi người bệnh nghỉ ngơi, và có thể dẫn đến cảm giác đánh trống ngực.

+ Cường giáp: Hay còn gọi là hyperthyroidism, là tình trạng nơi tuyến giáp hoạt động mạnh và sản xuất quá nhiều hormone thyroxine. Thyroxine có thể xem là chất dẫn nhịp tim. Sự gia tăng hormone này có thể làm tăng tốc độ của các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, dẫn đến sự tăng cường các chức năng cơ bản như nhịp tim. Do đó, vào ban đêm, ngay cả khi cơ thể cần nghỉ ngơi, người bệnh cường giáp vẫn có thể cảm thấy bị đánh trống ngực do tác động của hormone thyroxine lên tim, gây ra tình trạng đánh trống ngực và khó ngủ.

+ Bệnh tế bào mast: Bệnh tế bào mast hệ thống còn có tên gọi khác là bệnh quá mẫn tức thì (type I) thường gặp ở người lớn. Triệu chứng đặc trưng là các tổn thương đa ổ trong tủy xương và kèm theo các tổn thương đa cơ quan khác như da, hạch bạch huyết, gan, lách và đường tiêu hóa.

Các tế bào mast chứa histamine và các chất hóa học khác có thể được giải phóng vào máu, gây ra các triệu chứng giống như phản ứng dị ứng. Sự giải phóng này có thể làm tăng nhịp tim và gây ra cảm giác đánh trống ngực. Điều này có thể trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm do sự thay đổi của mức độ hoạt động cơ thể và hormone, làm cho người bệnh nhận thức rõ ràng hơn về nhịp đập tim của họ khi họ nghỉ ngơi.

+ Hạ đường huyết: Hạ đường huyết, hay còn gọi là hypoglycemia, có thể khiến bạn bị đánh trống ngực về đêm do phản ứng của cơ thể nhằm tăng cường sản xuất glucose. Khi lượng đường trong máu giảm, cơ thể phản ứng bằng cách giải phóng hormone adrenaline, làm tăng nhịp tim và cảm giác hồi hộp để cảnh báo bạn về tình trạng hạ đường huyết. Điều này có thể xảy ra vào ban đêm khi mức đường huyết thường tự giảm do không tiêu thụ thực phẩm trong nhiều giờ.

Cẩn thận nếu bị đánh trống ngực về đêm- Ảnh 2.

Hạ đường huyết có thể khiến bạn bị đánh trống ngực về đêm do phản ứng của cơ thể nhằm tăng cường sản xuất glucose (Ảnh: Internet)

+ Các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo lắng và cơn hoảng loạn: Các tình trạng này đều có thể cản trở giấc ngủ, dẫn tới bị đánh trống ngực và huyết áp tăng cao hơn do tiết ra các hormone căng thẳng như adrenaline. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng những người mắc chứng lo âu mãn tính có nhiều khả năng mắc chứng rối loạn nhịp tim hơn, khiến nhịp tim không đều, khi thì đánh trống ngực.

+ Huyết áp thấp: Huyết áp thấp có thể khiến bạn bị đánh trống ngực vào ban đêm do cơ thể cố gắng bù đắp cho sự thiếu hụt áp lực cần thiết để duy trì lưu lượng máu đến các cơ quan và mô. Khi huyết áp giảm, tim có thể tăng tần suất co bóp để cố gắng tăng áp lực và duy trì lưu lượng máu, dẫn đến tình trạng đánh trống ngực, đặc biệt có thể cảm nhận rõ ràng hơn vào ban đêm khi bạn nghỉ ngơi và cơ thể ít vận động.

- Nguyên nhân phổ biến khác

+ Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc hít trị hen suyễn, thuốc cảm lạnh, thuốc điều trị bệnh tuyến giáp.

+ Caffeine từ cà phê, sô cô la khi tiêu thụ quá nhiều và sát giờ ngủ do tác dụng của caffeine có thể kéo dài tới 8 giờ, vì vậy những người tiêu thụ caffeine vào buổi chiều và buổi tối có nguy cơ bị đánh trống ngực vào ban đêm cao hơn.

+ Rượu: Người nghiện rượu nặng có nguy cơ mắc bệnh cơ tim cao hơn, tình trạng làm tim to và làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim. Uống rượu sau 6 giờ tối có thể cản trở giấc ngủ nên có nhiều khả năng nhận thấy tình trạng đánh trống ngực do rượu gây ra vào ban đêm.

+ Nicotine từ thuốc lá: Nicotine có thể kích thích hệ thống thần kinh trung ương, tăng giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh như adrenaline, làm tăng nhịp tim và huyết áp. Việc sử dụng nicotine, đặc biệt là vào buổi tối hoặc trước khi ngủ, có thể ảnh hưởng đến khả năng nghỉ ngơi của cơ thể và gây ra cảm giác đánh trống ngực hơn vào ban đêm.

Cẩn thận nếu bị đánh trống ngực về đêm- Ảnh 3.

Nicotine có thể kích thích hệ thống thần kinh trung ương, tăng giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh như adrenaline, làm tăng nhịp tim và huyết áp (Ảnh: Internet)

+ Tập thể dục hoặc hoạt động thể chất quá mức, ngay sát giờ đi ngủ.

+ Mất nước: Không uống đủ nước có thể khiến đánh trống ngực và mạnh. Vì vậy, những người đi ngủ trong tình trạng mất nước có thể có nguy cơ bị đánh trống ngực hơn. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy mất nước có thể rút ngắn thời gian ngủ vì thế mà bạn cũng dễ dàng nhận ra tình trạng đánh trống ngực về đêm hơn.

+ Mất cân bằng điện giải: Chứng loạn nhịp tim hoặc nhịp tim không đều có thể xảy ra do lượng chất điện giải như kali và magie thấp. Mất cân bằng điện giải có thể xảy ra vào ban đêm nếu một người không tiêu thụ đủ thức ăn và đồ uống đủ dinh dưỡng trong ngày.

+ Tư thế ngủ: Những người có thói quen nằm ngửa hoặc nghiêng bên trái khi ngủ có nhiều khả năng bị đánh trống ngực. Đặc biệt, ngủ nghiêng về bên trái có thể nâng cao cảm giác liên quan tới tim vì nó rút ngắn khoảng cách giữa tim và thành ngực.

+ Mang thai: Phụ nữ mang thai thường nhận thấy đánh trống ngực, có thể do nhịp tim tăng cao và lưu lượng máu trong thai kỳ.

2. Khi nào đánh trống ngực về đêm cần thăm khám bác sĩ?

Hiện tượng đánh trống ngực ngắn và không thường xuyên vào ban đêm thường không phải là một dấu hiệu đáng báo động. Tuy nhiên bạn cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu cảm thấy bị đánh trống ngực kèm theo bất kì triệu chứng nào sau đây:

- Thở hụt hơi

- Ngất xỉu, mất ý thức

- Đau ngực, đau thắt ngực

- Cảm thấy choáng váng, lú lẫn, mệt mỏi, bồn chồn.

Để chẩn đoán nguyên nhân gây ra hiện tượng đánh trống ngực về đêm là gì, bác sĩ sẽ đặt ra một số câu hỏi về thời điểm xảy ra tình trạng đánh trống ngực, cảm giác như thế nào, kéo dài bao lâu, tần suất liên tục hay ngắt quãng, điều gì khiến tình trạng đánh trống ngực nặng hơn hoặc giảm nhẹ và tiền sử sức khỏe bản thân nếu có.

Tùy thuộc vào từng trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm hỗ trợ cho việc chẩn đoán nguyên nhân đánh trống ngực về đêm, bao gồm: điện tâm đồ, siêu âm tim, bài kiểm tra mức độ căng thẳng, xét nghiệm máu, Holter điện tâm đồ...

Việc điều trị đánh trống ngực như thế nào cũng sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh cơ bản gây ra là gì. Tuy nhiên, một số thay đổi lối sống cũng có thể giảm tần suất đánh trống ngực, chẳng hạn như: tránh các hoạt động gây căng thẳng hoặc quản lý căng thẳng, ngừng hút thuốc, tránh hoặc giảm lượng caffeine hoặc cồn từ rượu bia, thử một tư thế ngủ khác, uống đủ nước...

Nguồn: Healthline, Medical News Today
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm