Cần xác định cụ thể trách nhiệm cơ quan, đơn vị giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân mua bán người

PVH (thực hiện)
19/07/2023 - 16:31
Cần xác định cụ thể trách nhiệm cơ quan, đơn vị giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân mua bán người

Hoạt động bàn giao nạn nhân bị mua bán được giải cứu tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Ảnh: BĐBP tỉnh Quảng Ninh)

Tình hình tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trung tá Nguyễn Thanh Tuấn, Phòng Phòng chống Mua bán người (thuộc Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm – Bộ đội Biên phòng) cho rằng, rất cần thiết có giải pháp lồng ghép giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm trong Luật Phòng, chống mua bán người.

PV: Những năm gần đây, trên các tuyến biên giới trên đất liền, vùng biển, tình hình tội phạm mua bán người đang diễn ra thế nào, thưa ông?

Trung tá Nguyễn Thanh Tuấn: Những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới, vùng biển và đưa người ra nước ngoài trái phép diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, đa dạng hơn. Với tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, hoạt động mua bán người giảm đáng kể, tuy nhiên, một số đối tượng vẫn lừa gạt, đưa phụ nữ sang Trung Quốc mang thai hộ vì mục đích thương mại (đẻ thuê) hoặc môi giới, ép kết hôn trái pháp luật.

Còn tuyến biên giới nước ta với Campuchia, Lào, hoạt động mua bán người sang các casino, cơ sở game online, công ty kinh doanh trực tuyến nhằm cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục, ép hoạt động lừa đảo trên mạng và vận chuyển, mua bán ma túy gia tăng, rất nghiêm trọng. Nếu người lao động muốn về nước phải nộp tiền chuộc rất cao từ 100 - 150 triệu đồng.

Còn tuyến biển, nhất là các tỉnh phía Nam, do thiếu lao động trên biển nên hoạt động như "cò" ngư phủ, kéo theo các hoạt động mua bán người nhằm mục đích cưỡng bức lao động trên biển có xu hướng gia tăng. 

Thủ đoạn hoạt động mới của các đối tượng là triệt để lợi dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Wechat…; tạo tài khoản ảo, lập ra các hội, nhóm "cho nhận con nuôi", "tìm dâu cho người Trung Quốc", "lao động việc nhẹ, lương cao"… để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân ra nước ngoài bán.

PV: Trước tình đó, Bộ đội Biên phòng đã triển khai công tác tiếp nhận, giải cứu, xác minh, hỗ trợ nạn nhân mua bán người thế nào? Kết quả đạt được ra sao?

Trung tá Nguyễn Thanh Tuấn: Từ năm 2021 đến nay, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã đấu tranh 24 chuyên án mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi. Điều tra, xử lý 135 vụ, 69 đối tượng, liên quan đến 209 nạn nhân.

Cần xác định cụ thể trách nhiệm cơ quan, đơn vị giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân mua bán người - Ảnh 1.

Trung tá Nguyễn Thanh Tuấn, Phòng Phòng chống Mua bán người (thuộc Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm – Bộ đội Biên phòng)

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Bộ đội Biên phòng đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng phát hiện, điều tra, xử lý tổng số 10 vụ việc nghi vấn mua bán người từ Việt Nam ra nước ngoài; xác lập đấu tranh 06 chuyên án. Bắt giữ, xử lý 27 vụ/25 đối tượng/47 nạn nhân (tăng 13 vụ/21 đối tượng/26 nạn nhân so với 6 tháng đầu năm 2022); khởi tố 06 vụ (03 vụ theo Điều 150; 03 vụ theo Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015), liên quan đến 18 đối tượng phạm tội MBN. Bắt 02 vụ/13 đối tượng; điều tra làm rõ hành vi phạm tội MBN, chuyển Cơ quan CSĐT khởi tố bị can 05 vụ/19 đối tượng.

Về công tác tiếp nhận, giải cứu, xác minh, hỗ trợ nạn nhân, qua thống kê, nạn nhân mua bán người bao gồm cả nam giới và nữ giới trong độ lao động từ 18-35 chiếm đa số và một số nạn nhân là người dưới 16 tuổi (trong số 47 nạn nhân thì có 38 nạn nhân là nữ chiếm tỉ lệ 80,86 %, 09 nạn nhân là nam giới chiếm tỉ lệ 19,14%), điều đó cho thấy tỉ lệ nạn nhân là nữ giới chiếm đa số bị lừa bán nhằm mục đích mại dâm, kết hôn trái pháp luật, cưỡng mức lao động, mua bán trẻ sơ sinh, cho nhận con nuôi…

Mức độ tổn thương và khả năng phục hồi về tinh thần, thể chất, sức khỏe của nữ giới sẽ bị nặng lề, việc tái hòa nhập cộng đồng sẽ khó khăn và lâu hơn nam giới. Nạn nhân bị lừa bán có trình độ nhận thức pháp luật hạn chế, học vấn chủ yếu ở cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, thuộc các dân tộc: HMông, Tày, Thái, Dao, Khơ mú, Khơ me, một số dân tộc ở Tây nguyên và người Kinh sinh sống ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thuộc Tây Bắc, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

Cần xác định cụ thể trách nhiệm cơ quan, đơn vị giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân mua bán người - Ảnh 3.

Các đại biểu thảo luận Hội thảo “Lồng ghép giới, bình đẳng giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm vào Luật Phòng chống mua bán người” tại tỉnh Quảng Ninh

Sau khi giải cứu hoặc tiếp nhận, các đơn vị Bộ đội Biên phòng tiến hành hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu ban đầu, cấp giấy xác nhận cho nạn nhân và chuyển tuyến đến Trung tâm công tác xã hội/Cơ sở bảo trợ xã hội của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân thuộc các tổ chức quốc tế để tiếp tục hỗ trợ hoặc chuyển tuyến về đoàn tụ với gia đình theo nguyện vọng của nạn nhân.

Những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã giải cứu, tiếp nhận hàng trăm nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, cũng như nạn nhân bị bán ở trong nước. Từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng trong, ngoài nước giải cứu, tiếp nhận 08 vụ/12 nạn nhân; tiếp nhận do nước ngoài trao trả 03 vụ/05 nạn nhân; sàng lọc, rà soát công dân do nước ngoài trao trả 12 đợt; xác minh, xác định, phát hiện 31 công dân nghi vấn bị mua bán.

Tổ chức xác minh, xử lý 27 vụ/47 nạn nhân bị mua bán; trong đó, nhiều nạn nhân là nam giới bị mua bán nhằm cưỡng bức lao động trong các sòng bạc, game online, tiền ảo tại Campuchia, Lào đã được giải cứu, hỗ trợ phục vụ công tác điều tra…

PV: Qua thực tế, việc giải cứu, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân, đặc biệt nạn nhân là phụ nữ, trẻ em có những điểm đặc thù riêng về giới, ông có đề xuất, kiến nghị gì nhằm thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới?

Trung tá Nguyễn Thanh Tuấn: Từ thực tế triển khai công tác giải cứu, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân, chúng tôi cho rằng, rất cần thiết có các giải pháp lồng ghép giới, bình đẳng giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm trong Luật Phòng, chống mua bán người.

Trong đó, cần bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người đảm bảo thống nhất với các nội dung quy định của Luật Bình đẳng giới; thể hiện cụ thể về việc các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trong công tác giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân cũng như quá trình điều tra, xử lý vụ việc luôn xác định nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm là phương pháp hàng đầu để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, đặc biệt đối với nạn nhân là phụ nữ, trẻ em gái, những người dễ bị sang trấn, tổn thương về tinh thần, thể chất.

Đồng thời nghiên cứu, bổ sung những quy định của pháp luật về việc trợ giúp tâm lý, pháp lý, y tế… trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích của nạn nhân được đặt lên hàng đầu để đảm bảo nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm.

Mọi can thiệp đều phải cân nhắc đầy đủ các yếu tố liên quan đến sức khỏe tâm lý, tinh thần, thể chất, cũng như nhu cầu được hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ tài chính và các nhu cầu xã hội khác của người bị mua bán để có thể hỗ trợ họ một cách tốt nhất và phù hợp nhất.

Về đối tượng hỗ trợ, chế độ hỗ trợ, chúng tôi cho rằng, cần đảm bảo cho nạn nhân, người nghi vấn là nạn nhân trong thời gian chờ xác minh, xác nhận là nạn nhân, người nước ngoài, người không quốc tịch (nghiên cứu cấp các loại giấy xác nhận theo từng cấp độ tổn thương) đều được hỗ trợ; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu trong thời gian lưu trú tại các đơn vị giải cứu, tiếp nhận và cơ sở bảo trợ, cơ sở hỗ nạn nhân.

Cần xây dựng chính sách, bảo đảm các gói hỗ trợ dựa trên nhu cầu thiết yếu của người được hỗ trợ như: Tiền ăn, quần áo, vật dụng sinh hoạt… và có những gói hỗ trợ cho cả đối tượng là nam giới và nữ giới.

Đặc biệt, cần bổ sung chế độ hỗ trợ về tâm lý và y tế cho các nạn nhân bị mua bán trở về không vào cư trú tại cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Có thể bằng hình thức hỗ trợ cá biệt, hỗ trợ tại gia đình hoặc nơi làm việc, học tập để đảm bảo an toàn cho nạn nhân, giữ bí mật đời tư của nạn nhân. Đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội trong việc thực hiện công tác tiếp nhận, giải cứu và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán..

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm