Cần xác định rõ danh mục 1.472 ngành nghề nặng nhọc, độc hại được nghỉ hưu sớm

PV
14/05/2020 - 16:26
Cần xác định rõ danh mục 1.472 ngành nghề nặng nhọc, độc hại được nghỉ hưu sớm
Tại hội thảo tham vấn góp ý dự thảo Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu sáng nay 14/5, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng cần phải làm rõ danh mục 1.472 ngành nghề nặng nhọc, độc hại mà người lao động có thể nghỉ hưu sớm; cũng như quy định "tháo ra" để những phụ nữ có năng lực, trình độ tiếp tục được cống hiến theo nguyện vọng.

Phát biểu tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, dự thảo Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu chỉ cần hướng dẫn Điều 169 và Điều 219 của Bộ luật Lao động.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua 20/11/2019, có hiệu lực từ 1/1/2021 đã quy định tăng tuổi nghỉ hưu tại Điều 169. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình kể từ năm 2021, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Cần xác định rõ danh mục 1.472 ngành nghề nặng nhọc, độc hại được nghỉ hưu sớm - Ảnh 1.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, phả biểu tại hội nghị

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, khi trình thông qua Bộ luật Lao động có đưa ra 1.472 danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại; nhưng đến nay, dự thảo Nghị định lại "chỉ có danh mục ngành nghề khai thác than trong hầm lò".

"Nếu không đưa danh mục ngành nghề độc hại vào Nghị định này thì cũng cần phải nói rõ danh mục sẽ đưa vào Thông tư", ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Bùi Sỹ Lợi cũng đặt vấn đề, tại sao dự thảo Nghị định chỉ đưa các trường hợp thứ trưởng được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, trong khi luật còn có nhóm lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao?

Theo quy định của Bộ luật Lao động, người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Bộ luật Lao động giao cho Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Nghị định hướng dẫn cũng cần quy định "tháo ra" để những phụ nữ có năng lực, trình độ tiếp tục được cống hiến theo nguyện vọng.

Cần xác định rõ danh mục 1.472 ngành nghề nặng nhọc, độc hại được nghỉ hưu sớm - Ảnh 2.

Người lao động làm việc trong ngành nghề nặng nhọc, độc hại có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: Với lao động suy giảm sức lao động, làm công việc nặng nhọc độc hại thì phải cụ thể hóa những đối tượng nào thuộc trong các nhóm này. Nếu không cụ thể bằng các phụ lục thì phải làm rõ nội dung "Chính phủ quy định chi tiết" như thế nào?

Ví dụ, nhóm giáo viên mầm non, các ngành nghề nghệ thuật, thể thao… những ngành nghề đặc thù thì không thể làm kéo dài tới tuổi nghỉ hưu, thì Nghị định hướng dẫn cần phải làm rõ. Cùng với đó, cũng cần làm rõ "một số trường hợp đặc biệt" trong quy định về nhóm đối tượng có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm