Cần xem lại khái niệm 'chủ sở hữu' đại học công lập

06/11/2018 - 13:42
Góp ý Dự thảo Luật GD Đại học sáng 6/11, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP HCM quan tâm đến khái niệm sở hữu khối ĐH công lập. Ông cho rằng cần làm rõ khái niệm này vì liên quan đến việc vận hành các trường ĐH công lập hiện nay.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi lời cảm ơn tới Quốc hội vì đã cho “một thầy giáo già phát biểu” theo lời chia sẻ mở đầu của mình. Theo ông, việc sửa đổi Luật GD Đại học sẽ tạo điều kiện tốt cho nền giáo dục hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu nhân dân tốt hơn. Tuy nhiên, còn có một số nội dung cần được xem xét làm rõ hơn, liên quan đến quá trình vận hành.

Cụ thể, tại Điều 7 của dự thảo Luật cần phải xác định rõ hơn nội dung cơ sở giáo dục ĐH công lập do nhà nước là chủ sở hữu đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.

“Chữ “sở hữu” ở đây rất quan trọng. Chủ sở hữu là người đầu tư cho đại học phát triển nhưng phải là người có quyền quyết định nhân sự. Theo tôi nên xem lại khái niệm chủ sở hữu. Khái niệm này cũng tương tự với khối đại học tư thục, bởi đây là các trường do cá nhân tổ chức trong hoặc ngoài nước là chủ sở hữu đầu tư và đảm bảo điều kiện” - ông Nhân cho biết.

77630.jpg
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân góp ý dự thảo Luật GD Đại học sáng 6/11

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, trong văn bản có đề cập đến một số chủ sở hữu nhưng không có định nghĩa. Theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, chủ sở hữu tức là có vốn, có quyền thành lập, quyền đầu tư, quyền quyết định nhân sự và xử lý chế tài khi vi phạm pháp luật.

“Nếu không làm rõ thì sẽ thấy rằng, các trường Đại học như không có chủ. Rất nguy hiểm. Không thể có đại học vô chủ. Mà người chủ phải làm đúng các quyền của mình”, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề xuất.

Về tương quan giữa vấn đề chủ sở hữu với hội đồng trường, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, dự thảo Luật nêu rất rõ, Hội đồng trường công lập là tổ chức đại diện cho quyền chủ sở hữu Nhà nước.  Tuy nhiên, chủ sở hữu nhà nước là ai, trong Luật chưa rõ. Do đó, cần phải xác định, ai là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước để quản lý, giám sát.

Liên quan tới thành viên hội đồng trường, theo ông Nhân, vì Hội đồng trường là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu nên họ phải có một số quyền liên quan. Ví dụ, Hội đồng trường sẽ bầu ra chủ tịch của Hội đồng trường cùng các thành viên. Nhưng tất cả những người này, về nguyên tắc là phải đảm bảo yêu cầu của chủ sở hữu.

“Chính vì vậy, quy trình, danh sách hội đồng trường được thông qua sau đó mới gửi cho chủ sở hữu duyệt là hơi ngược. Thay vào đó, nhà trường đưa ra một danh sách dài, sau đó chỉ bầu trong những người mà đã được chủ sở hữu phê duyệt, thấy đảm bảo quyền lợi cho mình” – ông nói.

Quy trình này cũng tương tự áp dụng đối với việc bầu Chủ tịch Hội đồng trường. “Chủ tịch Hội đồng trường có thể dự kiến 2-3 người, nhưng 2-3 người này này phải được chủ sở hữu đồng ý. Hội đồng trường bầu trong số, chứ không phải Hội đồng trường bầu xong đưa cho chủ sở hữu công nhận” - ông Nhân nêu quan điểm.

Ông lấy ví dụ về sự việc đáng tiếc xảy ra ở TP HCM trong thời gian qua, đó một giáo sư người Việt sống ở nước ngoài được mời về Việt Nam làm hiệu phó của một trường Đại học. Sau đó, vị giáo sư này được bầu làm hiệu trưởng nhưng sau khi chuyển sang cơ quan quản lý thì không được chấp thuận.

“Đó chính là quy trình ngược. Lẽ ra danh sách ứng cử viên đó phải được ông chủ sở hữu đồng ý đã, rồi trường có bầu hay không là việc của trường” - Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phân tích.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng góp ý liên quan đến quy định cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.

“Nội dung này theo tôi rất đúng nhưng chưa đủ. Chịu trách nhiệm giải trình trước chủ sở hữu, trước người học, trước xã hội và các cá nhân, tổ chức liên quan. Trách nhiệm phải chịu trước ai, trước chủ sở hữu, trước người học, trước tổ chức, cá nhân liên quan thì lúc đó mới có cơ chế giám sát từ trong ra ngoài” – Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT cho ý kiến.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm