Trước tiên, cha mẹ đừng quá lo lắng. Phản ứng “e ngại người lạ” hoàn toàn tự nhiên và hợp lý. Nguyên nhân của phản ứng này được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, có thể là do di truyền, do môi trường sống… Nếu trong gia đình có những người thân ít nói, ngại giao tiếp thì rất có thể trẻ cũng như vậy. Hoặc ngay từ khi sinh ra, trẻ đã được người thân quá bao bọc, khép kín. Hoặc trẻ bẩm sinh là người có tính cách hướng nội, thiên nhiều về đời sống tinh thần, nhạy cảm, dễ bị mất cân bằng trong não, dễ bị sợ hãi, khi giao tiếp hoặc lúc đứng trước đám đông thì trẻ cảm thấy người mệt mỏi, ức chế…
Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ thường xuyên có biểu hiện chạy trốn hoặc quá sợ hãi, thì cha mẹ có thể thử một vài biện pháp tập luyện để can thiệp. Bởi nếu để tình trạng này kéo dài, thì có thể tính cách của trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Trẻ sẽ gặp nhiều trở ngại trong giao tiếp xã hội, hạn chế cơ hội học hỏi, có thể trở thành đối tượng bị bắt nạt… Sau đây là một số lời khuyên dành cho cha mẹ:
Thận trọng khi phản ứng
Nếu trẻ quá sợ hãi trước người lạ, trốn nấp sau lưng cha mẹ thì phụ huynh tuyệt đối đừng cố ép con phải lộ diện, đừng bắt trẻ phải chào hỏi, niềm nở ngay. Cha mẹ nên cố gắng tránh liên tục gọi con là “đứa trẻ nhút nhát”, bởi điều đó khiến cho trẻ dần định hình trong suy nghĩ rằng “Mình đúng là đứa bé nhút nhát”. Cha mẹ cũng đừng bao giờ lên án hay trách mắng con rằng: “Nếu con không chào hỏi người lớn là rất mất lịch sự, là rất hư!”. Trẻ chưa thể hiểu ngay khái niệm đó và việc lên án này của cha mẹ chỉ gây ra áp lực cho tâm lý yếu ớt của trẻ, khiến trẻ càng khó thay đổi.
Đưa con ra ngoài nhiều hơn
Cho con tiếp xúc nhiều hơn với nhiều người, sự việc, sự vật chứ không nên bó hẹp trẻ trong một môi trường quá ít người. Cha mẹ cần phải tươi cười, chào hỏi làm mẫu trước. Ví dụ, mẹ có thể dẫn con cùng đi chợ các buổi sáng, dạy bé tập chào người hàng xóm, bà bán xôi, chú giao báo… Có thể trẻ làm theo ngay hoặc chưa làm theo thì cha mẹ cần kiên nhẫn. Đừng quên việc giới thiệu thêm cho trẻ biết một số thông tin tốt về người lạ mà trẻ đang đối diện để con bạn có được cảm giác yên tâm, được trải qua cảm giác “làm quen”. Ví dụ: “Bố/mẹ biết con cảm thấy ngại nhưng bác/cô… tốt bụng lắm, bố/mẹ chắc bác/cô ấy sẽ rất vui nếu lần sau con chào bác/cô ấy”.
Khi trẻ đã đến tuổi đi học mẫu giáo
Cha mẹ nên từ bỏ ý định “cho trẻ ở nhà vì có điều kiện chăm sóc tốt hơn”. Hãy gửi trẻ đến trường để bé có cơ hội khám phá môi trường xung quanh, gặp gỡ, giao lưu với các bạn cùng lứa tuổi, tham gia các trò chơi tương tác và kết bạn.
Khi trẻ lớn hơn
Phụ huynh nên hướng dẫn trẻ cách đi mua hàng và giao tiếp với người bán hàng. Tham gia các câu lạc bộ, lớp ngoại khóa như bơi lội, diễn kịch, âm nhạc, hội họa… để trẻ có cơ hội được thể hiện khả năng của bản thân và học cách đóng các vai trò khác nhau.
Hãy hướng dẫn con một cách dần dần, từng bước để trẻ có được sự tự tin, có đủ thời gian để thích ứng. Cha mẹ cũng đừng quên khen ngợi trẻ về những biểu hiện tích cực của con trong giao tiếp. Khi trẻ tích lũy được nhiều kinh nghiệm như vậy, cha mẹ sẽ thấy việc tiếp xúc với người mới của con không còn quá khó khăn.