pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cảnh báo 8 nguồn thực phẩm phổ biến dễ bị nhiễm kim loại nặng
Kim loại nặng thường có trong thực phẩm như thủy ngân, chì, cadmium, niken, kẽm, asen và nhôm.
Các kim loại nặng ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của con người khi đi vào cơ thể. Việc tiêu thụ lâu dài những thực phẩm có kim loại nặng có thể dẫn đến sự tiến triển dần dần của quá trình thoái hóa về thể chất, cơ bắp và thần kinh.
Một số tình trạng sức khỏe dễ gặp nếu như nhiễm kim loại nặng: các bệnh như bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer và chứng loạn dưỡng cơ. Các hợp chất trong kim loại nặng cũng hoạt động như một chất gây ung thư, có thể dẫn đến tỷ lệ mắc một số bệnh ung thư cao hơn.
Dưới đây là danh sách 8 nguồn thực phẩm dễ bị nhiễm kim loại nặng mà mọi người cần chú ý:
1. Cá
Cá là một nguồn thực phẩm rất tốt cho sức khoẻ vì có chứa nhiều vitamin D, E, canxi, omega-3, DHA... Một số lợi ích nổi bật của cá đối với sức khỏe như tốt cho tim mạch, thị lực, làm chậm quá trình lão hóa, tốt cho làn da, cải thiện tinh thần và giấc ngủ...
Tuy nhiên, một số loại cá có chứa hàm lượng kim loại nặng cao, cụ thể là thủy ngân. Cá bị nhiễm thủy ngân bắt nguồn từ chuỗi thức ăn, chẳng hạn như tảo. Chuỗi thức ăn của cá lại bị ô nhiễm do hoạt động của con người.
Thủy ngân được coi là kim loại nặng có độc tính cao. Theo Healthline, cơ thể con người nạp quá nhiều thủy ngân sẽ dẫn tới suy giảm thần kinh như thính giác, thị giác, khó khăn trong phối hợp và yếu cơ.
Đặc biệt, nhiễm thủy ngân là mối quan tâm lớn đối với phụ nữ mang thai và đang cho con bú vì người mẹ có thể truyền kim loại nặng sang con, ảnh hưởng đến não và thần kinh của trẻ, từ đó dẫn tới các tình trạng như chậm nói, chậm đi.
Mặc dù có nguy cơ nhiễm kim loại nặng qua nguồn thực phẩm này nhưng không phải vì thế mà chúng ta loại bỏ cá ra khỏi chế độ ăn uống. Mọi người nên lựa chọn loại cá nhỏ như cá mòi, cá cơm và cá thu. Những loại cá này thường có hàm lượng kim loại nặng thấp hơn. Tránh hoặc hạn chế ăn một số loại cá có hàm lượng kim loại nặng như cá mập, cá kiếm, cá ngừ, cá vược, cá bơn và cá marlin. Mỗi tuần chỉ nên ăn từ 2 - 3 bữa cá, bổ sung nhiều nguồn thực phẩm khác để đa dạng nguồn dinh dưỡng cho cơ thể.
2. Nước ép trái cây chế biến sẵn
Nước ép trái cây chế biến sẵn là lựa chọn của nhiều người để giải khát, đặc biệt nhiều người còn cho rằng nước uống này an toàn cho trẻ.
Nhưng có một điều đáng lưu ý, có nghiên cứu cho thấy nhiều loại nước ép trái cây có chứa kim loại nặng. Một cuộc khảo sát từ Consumer Reports đã thử nghiệm 45 loại nước ép trái cây phổ biến bao gồm táo, nho, lê và hỗn hợp trái cây. Mỗi sản phẩm họ thử nghiệm đều chứa lượng cadmium, asen, chì hoặc thủy ngân khác nhau và một nửa số nhãn hiệu được thử nghiệm có mức độ "đáng lo ngại". Ở một số loại nước ép được thử nghiệm, chỉ uống 120ml mỗi ngày (nửa cốc) cũng đủ gây hại.
Thay vì nước trái cây chế biến sẵn, mọi người nên ăn trái cây nguyên chất hữu cơ hoặc tự làm nước ép tại nhà.
3. Gạo
Chắc hẳn nhiều người sẽ bất ngờ khi nói rằng trong gạo có chứa kim loại nặng và có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Gạo dễ bị nhiễm asen do trồng cấy ở những nơi nguồn nước và đất bị ô nhiễm hoặc phun thuốc trừ sâu. Đặc biệt, asen thường tích tụ ở lớp ngoài của gạo, vì vậy gạo lứt dễ chứa nhiều asen hơn gạo trắng.
Tiêu thụ những thực phẩm có chứa asen và hàm lượng kim loại nặng này trong cơ thể cao thì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh thận, bệnh não và tiểu đường.
Để bảo vệ sức khỏe, mọi người nên chọn mua gạo ở những nơi có xuất xứ rõ ràng và có chứng nhận an toàn hoặc tự trồng cấy.
4. Gia vị
Gia vị là thứ không thể thiếu trong các món ăn, giúp làm tăng hương vị và kích thích vị giác. Nhưng điều đáng lo ngại là trong một số loại gia vị có chứa kim loại nặng. Các nhà nghiên cứu tìm thấy lượng chì và cadmium quá mức trong húng quế khô, quế, hành khô và nghệ.
Tuy nhiên, phần lớn các loại gia vị không vượt quá giới hạn kiểm tra. Vì vậy, mọi người cũng không nên quá lo lắng mà loại bỏ gia vị khỏi chế độ ăn uống. Các bạn có thể lựa chọn gia vị có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm chứng an toàn cho sức khoẻ.
5. Trà khô
Trà khô là thức uống được nhiều người ưa chuộng nhưng tiềm ẩn nguy cơ chứa kim loại nặng như chì và nhôm, tồn đọng thuốc trừ sâu do phun trừ quá nhiều.
Do vậy, mọi người nên lựa chọn nguồn trà khô an toàn, tránh mua những sản phẩm giá quá rẻ, chất lượng kém sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
6. Nước hầm xương
Nước hầm xương là món ăn được cho là có tác dụng giảm viêm, nuôi dưỡng da và tăng cường sức khỏe đường tiêu hóa. Tuy nhiên, khi động vật tiếp xúc với một số kim loại nhất định, đặc biệt là chì, chúng thường lưu trữ chất này trong xương.
Chưa có nhiều nghiên cứu xem xét kim loại nặng trong nước hầm xương. Tuy nhiên, có một nghiên cứu nhỏ năm 2013 đã đo mức độ chì trong nước dùng làm từ xương gà hữu cơ. Nước dùng có xương được phát hiện có nồng độ chì cao rõ rệt so với nước dùng thường.
Mặc dù nước hầm xương có thể có chứa kim loại nặng nhưng không có nghĩa là bạn nên tránh hoàn toàn nguồn thực phẩm này. Điều quan trọng là bạn nên bổ sung vào chế độ ăn uống một cách vừa phải và chọn nguồn thực phẩm chất lượng.
7. Rau lá xanh và rau củ
Các loại rau lá xanh và rau củ rất tốt cho sức khỏe nhờ có chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, ít calo tốt cho thị lực, xương, tiêu hoá, hỗ trợ giảm cân...
Rau xanh và một số rau củ dễ nhiễm kim loại nặng từ đất, nước bị ô nhiễm và phun thuốc trừ sâu quá nhiều. Các loại rau lá xanh như rau bina và rau diếp rất dễ hấp thu kim loại nặng. Khoai lang và cà rốt cũng dễ bị ô nhiễm từ đất.
Cũng như các nguồn thực phẩm khác, chọn rau được trồng ở nơi đảm bảo các điều kiện an toàn như đất và nước sạch, không có nhiễm thuốc trừ sâu.
8. Sô cô la đen
Nguyên liệu để làm sô cô la đen chủ yếu từ cacao mà cacao chứa nhiều flavanol giàu chất chống oxy hóa và chống viêm có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, chức năng nhận thức và huyết áp.
Nhưng điều đáng lo ngại là trong sô cô la đen có thể chứa chì và cadmium. Theo Consumer Reports, cadmium làm ô nhiễm hạt ca cao trong đất, nơi cây hấp thụ kim loại khi lớn lên. Chì có thể được tìm thấy trên lớp vỏ bên ngoài của quả cacao và khi chúng được thu hoạch, hạt cacao sẽ tự tích tụ chì từ bụi bẩn trong quá trình này.
Kết luận lại, mặc dù các nguồn thực phẩm trên có thể dễ bị nhiễm kim loại nặng nhưng không đồng nghĩa với việc bạn cần loại bỏ những thực phẩm đó khỏi chế độ ăn uống. Những nguồn thực phẩm trên rất tốt cho sức khoẻ, điều quan trọng là bạn lựa chọn sản phẩm ở những nơi có nguồn gốc rõ ràng. Đối với những thực phẩm có nguy cơ cao thì bạn nên hạn chế, không ăn liên tục.
Một số câu hỏi liên quan
Con người có thể tiêu thụ khoảng bao nhiêu kim loại nặng?
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng không có mức tiêu thụ kim loại nặng "an toàn". Người lớn khỏe mạnh có thể chịu đựng được mức độ tiếp xúc với kim loại nặng trong một khoảng nào đó. Tuy nhiên, đối với trẻ em, nhiễm kim loại nặng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, đặc biệt là về mặt phát triển trí não. Các rối loạn nhận thức thần kinh, suy giảm sự phát triển của não, giảm chỉ số IQ và các rối loạn hành vi khác đều có thể xảy ra.
Làm thế nào để giảm tiêu thụ kim loại nặng
Để tránh hoàn toàn kim loại nặng từ thực phẩm là rất khó, đặc biệt trong thời đại mà đất và nước bị ô nhiễm nặng nề. Tuy nhiên, bằng cách lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng, chúng ta có thể hạn chế, giảm thiểu hàm lượng kim loại nặng vào cơ thể.