Cứ mỗi sáng, ngồi chải đầu, thấy tóc vương trên lược, rớt xuống vai, sàn nhà... thậm chí, vuốt tay một cái cũng được cả nhúm tóc rụng, chị Giang không khỏi sót ruột. Vì thế, chị đã vào cuộc để chăm sóc tóc nhưng dù chăm chút cho mái tóc đã khá lâu mà những sợi tóc dài óng hôm nào vẫn cứ theo lìa khỏi da đầu... Lo ngại việc rụng tóc là tín hiệu mắc bệnh gì đó, chị Giang quyết định đên bệnh viện để khám.
Các bác sĩ cho biết, bình thường, tóc rụng là hiện tượng tự nhiên của cơ thể. Khi đến tuổi trung niên, tóc sẽ rụng nhiều hơn. Hiện tượng rụng tóc ở tuổi trung niên do nhiều nguyên nhân, trong đó, quá trình thay đổi hormone là một yếu tố quan trọng. Khi lượng hormone sụt giảm ở giai đoạn tiền mãn kinh, tóc sẽ rụng nhiều hơn.
Chị em không nên gội đầu bằng nước quá nóng để tránh tóc bị gãy, rụng. Ảnh minh họa: internet
Chứng rụng tóc ở tuổi trung niên có thể chia làm 2 loại: Một là rụng tóc từng vùng, tóc sẽ rụng ở phạm vi nhỏ, tạo nên những mảng trống trên da đầu. Hiện tượng này thường xuất hiện do da đầu bị nhiễm nấm... Bên cạnh đó, stress, thiếu ngủ, suy nghĩ, lo lắng quá mức... cũng là các yếu tố tác động, khiến tóc rụng nhiều.
Hai là rụng tóc lan tỏa, tóc rụng trên diện rộng với số lượng lớn. Thông thường, một người có thể rụng khoảng 40-50 sợi tóc/ngày nhưng ở người mắc chứng rụng tóc lan tỏa, tóc sẽ rụng hơn 100 sợi. Nguyên nhân thường bắt nguồn từ việc ăn uống thiếu chất, cơ thể thiếu máu và chất sắt... Ngoài ra, việc nhuộm và duỗi tóc nhiều, dầu gội không phù hợp, da đầu bị kích ứng sẽ gây nên gàu và tác động xấu đến chân tóc, khiến tóc rụng.
Để điều trị rụng tóc, tốt nhất chị em nên đến khám ở các chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp. Muốn tóc không bị gãy, rụng, trước tiên, chị em không nên gội đầu bằng nước quá nóng, mỗi tuần chỉ nên gội tối đa 2 lần và tránh dùng các loại lược có răng quá xít.
Bên cạnh đó, chị em có thể massage đầu với các loại tinh dầu dưỡng tóc để giúp nuôi dưỡng tóc khỏe mạnh và giảm nguy cơ gãy rụng.