Cảnh báo tác hại sức khỏe từ khói đốt rơm rạ

zknight
24/06/2020 - 13:44
Cảnh báo tác hại sức khỏe từ khói đốt rơm rạ
Bụi mịn từ khói đốt rơm rạ có thể đi vào phổi và máu của người hít phải, gây ra các bệnh đường hô hấp cấp tính và mạn tính.

Hàng năm cứ đến tháng 6, Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Sông Hồng sẽ vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân. Sau khi thu hoạch, một số người nông dân sẽ đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng, phát tán một lượng lớn bụi mịn và khí thải ô nhiễm vào không khí.

Một nghiên cứu năm 2017 ước tính mỗi năm Hà Nội phải hứng chịu 2,24 Gg (tương đương 2.240 tấn) bụi mịn PM2.5 từ hoạt động đốt rơm rạ. Cùng với đó là 36,54 Gg khí CO và 567.79 Gg khí CO2. Hoạt động đốt rơm rạ ở Việt Nam đóng góp vào 12,8% lượng phát thải hàng năm, ảnh hưởng lớn tới môi trường và sức khỏe con người.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết khi đốt rơm rạ, một lượng bụi mịn có đường kính 1/30 sợi tóc sẽ đi sâu vào phổi, máu của người hít phải, gây nên các bệnh về đường hô hấp cấp tính và mạn tính.

Cảnh báo tác hại sức khỏe từ khói đốt rơm rạ - Ảnh 1.

1. Cảnh báo ô nhiễm không khí do đốt rơm rạ

Đầu tháng 6, Tổng cục Môi trường đã đưa ra một cảnh báo ô nhiễm không khí tại khu vực miền bắc sau khi chỉ số chất lượng không khí liên tục xuống thấp vào ban đêm.

Nguyên nhân được cho là do hoạt động đốt rơm rạ đang diễn ra phổ biến ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Theo tập quán, sau khi thu hoạch lúa, một số người nông dân sẽ phơi nắng rơm rạ thừa và tập trung đốt vào buổi chiều tối.

Hoạt động đốt rơm rạ phát tán các chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 vào không khí bắt đầu tăng từ khoảng 18 giờ trở đi và đạt giá trị cực đại vào 20–22 giờ hàng ngày. Tại nội thành Hà Nội, mặc dù không có hoạt động đốt rơm rạ, nhưng do hoạt động của gió, bụi mịn vẫn được đưa từ khu vực ngoại thành, thậm chí các tỉnh lân cận vào Hà Nội.

Chỉ số bụi mịn vì thế tăng lên cao bắt đầu từ giữa buổi tối và đạt cực đại trễ hơn, cao nhất trong khoảng từ 23 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau. Kết hợp với các nguồn phát thải sẵn có như xe cơ giới, chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội thường ở mức cao vào ban đêm.

Kết quả tính toán chỉ số AQI theo giờ cho thấy, vào buổi tối (từ 23 giờ đến 1 giờ) các ngày từ ngày 3 đến 7-6, chất lượng không khí ở mức xấu (AQI từ 151 – 200). Trong đêm 6-6, rạng sáng 7-6 chất lượng không khí đã ở ngưỡng rất xấu (AQI từ 201 – 300).

Mặc dù hàm lượng PM2.5 khá thấp vào thời gian ban ngày, nhưng nếu tính theo trung bình ngày (trung bình 24 giờ) thì tại một số trạm như: Minh Khai, Hàng Đậu, thông số PM2.5 trung bình 24 giờ đã vượt quá so với Quy chuẩn Việt Nam (QCVN). Trong khi đó một số trạm khác như Tân Mai, Tây Mỗ, Kim Liên thông số PM2.5 trung bình 24 giờ vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN.

Cảnh báo tác hại sức khỏe từ khói đốt rơm rạ - Ảnh 2.

2. Khói rơm rạ ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe con người?

Nói về tác hại của khói rơm rạ, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết trên báo Sức khỏe đời sống: "Trong khói đốt rơm, rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2... Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở... Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO (gọi là khí monoxide carbon).

Đây là loại khí rất độc có thể gây chết người. Người hít nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi..."

Bụi mịn trong khói rơm rạ cũng có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Trong số các loại bụi, PM2.5 được mệnh danh là loại bụi nguy hiểm nhất. Chúng là các hạt dạng lỏng hoặc rắn trôi nổi trong không khí, có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5µm (bằng 2,5 phần triệu của 1 mét).

PM2.5 có thể xâm nhập vào tĩnh mạch phổi, túi phổi thông qua hoạt động hít thở. Khi loại bụi siêu vi này xâm nhập vào cơ thể, chúng có thể gây ảnh hưởng sức khỏe ngắn hạn và tức thì như: Gây kích ứng mắt, mũi, cổ họng, với các biểu hiện chảy nước mắt nước mũi, hắt hơi và ho.

Nếu hít phải bụi PM2.5 thường xuyên, chúng có thể làm giảm chức năng của phổi (làm thở nhanh, hụt hơi) và gây nên các bệnh như hen suyễn hoặc bệnh tim. Bây giờ, chúng ta còn biết nó làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư thận và bàng quang, chứ không chỉ là ung thư và các bệnh về phổi.

Cảnh báo tác hại sức khỏe từ khói đốt rơm rạ - Ảnh 3.

TS. Hoàng Dương Tùng cho biết thêm: "Về lâu dài, khói bụi, khí độc hít phải sẽ gây tổn thương khó nhận thấy nhưng nguy hiểm vì nó từ từ phá hủy bộ máy hô hấp. Trước hết là mũi họng, thanh quản bị viêm thường xuyên. Dấu hiệu ban đầu chỉ là hắt hơi, sổ mũi nhưng sau đó dẫn đến viêm mạn tính đường hô hấp trên.

Người bị bệnh luôn thiếu ôxy dẫn đến suy giảm sức khỏe và dễ mắc các bệnh khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản, viêm phổi và ung thư phổi. Khi đường hô hấp trên bị tấn công và phá hủy dần, sẽ không còn khả năng ngăn chặn những bụi bặm vi trùng tấn công sâu hơn vào phế quản và phổi.

Bị viêm lâu ngày, khí quản phải chống lại bằng cách tăng tiết nhiều đờm gây cản trở lưu thông bình thường ở đường thở. Tắc nghẽn này gây khó thở và ứ đọng đờm dãi, trở thành môi trường cho các vi khuẩn sinh sôi và dần đẩy người bệnh vào suy hô hấp, suy tim, suy nhược cơ thể và tử vong".

Một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Development Economics tại Trung Quốc, trong đó các nhà khoa học đã lập một thang đo phát hiện các đám cháy rơm rạ quan sát được từ vệ tinh. Họ nhận thấy cứ mỗi 10 điểm tăng lên trên thang đo, tỷ lệ tử vong trong vùng dân số bị ảnh hưởng bởi đám cháy sẽ tăng lên 1,56%.

Cũng vì những tác hại này, Tổng cục Môi trường cảnh báo để giảm bớt tình trạng ô nhiễm không khí, người nông dân không nên đốt rơm rạ sau khi thu hoạch. Tuy nhiên, hoạt động đốt rơm rạ vẫn còn có thể xảy ra. Cho nên nếu chất lượng không khí vào ban đêm không có chiều hướng cải thiện trong những ngày tới, người dân Hà Nội và các vùng lân cận nên giảm thiểu các hoạt động ngoài trời vào buổi tối.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm