Cảnh báo nguy hiểm của cúm thường và cúm A
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng, người dân không nên chỉ chú trọng vào phòng, phống cúm A/H5N1 mà bỏ qua cúm thường, do cúm này cũng có thể khiến người mắc tử vong.
Việt Nam đang lưu hành các chủng cúm mùa là cúm B, cúm A/H1N1 và H3N2. Còn nhớ, chủng virus cúm H1N1 từng là chủng cúm gây đại dịch vào năm 2009. Dù chưa có sự biến đổi về kháng nguyên và tăng độc lực nhưng năm 2013, đã có nhiều người mắc cúm và thiệt mạng. Hơn nữa, các chủng cúm thường như trên lây qua đường hô hấp và lây trực tiếp từ người sang người rất nhanh thông qua việc tiếp xúc với người mang mầm bệnh hoặc gián tiếp qua đồ vật chứa mầm bệnh. Tuy đa số ca nhiễm cúm ở thể nhẹ, bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị nhưng với nhiều trường hợp, đặc biệt là người già, trẻ dưới 6 tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ suy dinh dưỡng… dễ bị bệnh nặng hơn, gây biến chứng viêm phổi, thậm chí tử vong.
Đối với người già, trẻ dưới 6 tuổi , phụ nữ mang thai… bệnh cúm rất dễ biến chứng và gây tử vong
Khác với các chủng cúm thường như trên, cúm A/H7N9 và H5N1 lây từ gia cầm, chim sang người qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh hoặc với môi trường nhiễm virus như chuồng gà, vịt, phân, chất thải gia cầm. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân chưa xác định được nguồn lây nhiễm. Trong khi đó, một số nghiên cứu đã cho rằng, bước đầu đã có bằng chứng 2 chủng cúm trên lây từ người sang người. Nếu đây là sự thực thì nguy cơ nhiễm bệnh và tử vong do cúm gia cầm rất lớn.
Mặc dù nguy hiểm nhưng hiện cúm A/H5N1 và H7N9 chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thuốc kháng virus. Tuy nhiên, thuốc chỉ hiệu quả khi được điều trị sớm. Trong khi đó, cúm A/H5N1 thường khởi phát với sốt cao trên 39-40oC, kèm các triệu chứng về hô hấp như ho khan hoặc có đờm, tức ngực, thở nhanh, tím tái. Người bệnh cũng có thể xuất hiện các triệu chứng như: Tiêu chảy, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi. Bệnh nhân cúm A/H5N1 thường diễn tiến nhanh, dẫn đến suy hô hấp và tử vong sau thời gian ngắn mắc bệnh. Vì thế, khi xuất hiện các triệu chứng trên, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Phòng và chống bệnh
Theo các chuyên gia y tế, để phòng cúm nói chung, tốt nhất người dân nên nâng cao sức đề kháng, không tiếp xúc với người bệnh, nguồn bệnh. Riêng cúm A/H5N1 và H7N9, mọi người cần vệ sinh tay chân sạch sẽ sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc chất thải gia cầm, thủy cầm; đeo khẩu trang khi tiếp xúc với vật nuôi này; khi sử dụng thịt gia cầm, thủy cầm nên nấu chín, vì virus sẽ bị diệt ở nhiệt độ từ 70oC trở lên. Không ăn thịt gia cầm luộc, hấp còn màu đỏ hoặc trứng còn lòng đào.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên tự phòng cúm cho chính bản thân và gia đình mình
Trong khi dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm xuất hiện ở nhiều tỉnh/thành của nước ta thì không ít người dân vẫn vô tư sử dụng tiết canh ngan, vịt. TS Trần Đắc Phu cho rằng, đây là một trong những con đường ngắn nhất đưa virus cúm A/H5N1 vào cơ thể. Nhiều trường hợp trong số những người tử vong do nhiễm cúm này, trước đó từng sử dụng tiết canh. Vì thế, mọi người tuyệt đối không sử dụng tiết canh, nếu không nguy cơ mắc cúm và tử vong rất cao.
Dịch cúm gia cầm đang lan rộng nên những người từng tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm A/H5N1 hoặc gia cầm bị bệnh, cần báo cho cơ quan y tế dự phòng địa phương và theo dõi 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối, đối với người lớn; 21 ngày đối với trẻ em dưới 15 tuổi. Nếu trong thời gian này bị sốt trên 38oC hoặc có các biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp, phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe. |