Khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Bạch Mai thời gian qua tiếp nhận một số trẻ nghi ngờ mắc bệnh ho gà. Các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, biến chứng viêm phổi. Còn tại BV Nhi TƯ cũng tiếp nhận nhiều trẻ được người nhà đưa đến khám trong tình trạng suy hô hấp do mắc ho gà lâu ngày. Hiện khoa Truyền nhiễm của BV điều trị cho gần 10 bệnh nhi có biểu hiện mắc bệnh ho gà.
Bệnh ho gà từng "đi vào dĩ vãng" gần đây đang tái xuất
Trong số những trẻ mắc ho gà có bé V.P.D (ở Hải Phòng). Cách đây 1 tháng, bé D. có biểu hiện ho rũ rượi, tiếng thở rít, sau cơn ho thì tím tái... Vì thế, người nhà đưa bé đến BV địa phương điều trị. Sau 10 ngày điều trị, bệnh tình của bé không đỡ nên được bác sĩ chuyển lên BV Nhi TƯ. Qua thăm khám và chụp X-quang phổi, xét nghiệm máu, dịch mũi họng, các bác sĩ phát hiện D. bị bội nhiễm viêm phế quản, dương tính với vi khuẩn ho gà.
Ngoài bệnh nhi D., các bác sĩ BV Nhi TƯ vừa tiếp nhận và điều trị cho cháu Mai Hoàng L. (2 tuổi, ở Hà Nội). Bé L. được gia đình đưa vào BV trong tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn do viêm phổi vì ho gà. Sau khi được điều trị, sức khỏe của bệnh nhi đã dần cải thiện.
TS Đỗ Sĩ Hiển, nguyên Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, cho rằng, trước đây, khi chưa được tiêm vaccine phòng ho gà, tỉ lệ trẻ mắc căn bệnh này khá nhiều. Sau khi vaccine ho gà được đưa vào tiêm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, số trẻ mắc bệnh này giảm hẳn. Vài năm qua, hầu như không có trẻ bị ho gà nhưng thời gian gần đây, căn bệnh tưởng như đã đi vào dĩ vãng này lại tái xuất.
Mắc bệnh do chưa tiêm vaccine
Trong số những trẻ mắc ho gà phải nhập viện, đa phần chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ các vaccine phòng bệnh này. Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nếu chưa được tiêm phòng. Bệnh dễ lây qua đường hô hấp. Biểu hiện của ho gà khá điển hình với những cơn ho dữ dội kéo dài.
Trẻ mắc bệnh ho gà thường chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine
Bệnh thường diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu, bệnh nhi ho kéo dài từ 1 đến 2 tuần với triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên không rõ ràng như chảy mũi, ho nhẹ, hay ho về đêm. Ở giai đoạn toàn phát (1-2 tuần kế tiếp), bệnh nhi ho nhiều hơn, ho từng cơn kéo dài, sặc sụa. Những cơn ho khiến trẻ cảm giác không thở được, người tím tái. Còn giai đoạn 3 của ho gà thì các cơn ho ngắn lại, số cơn ho giảm.
Theo các chuyên gia y tế, khi trẻ ho kéo dài mà chưa được tiêm vaccine phòng ho gà, phụ huynh cần nghĩ đến nguy cơ trẻ mắc bệnh này để đưa trẻ đi khám và điều trị sớm. Cha mẹ không nên tự điều trị cho con, vì nếu để lâu, trẻ dễ tím tái, suy hô hấp, ảnh hưởng đến tính mạng. Ho gà nếu không được điều trị kịp thời thì trẻ dễ bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản-phổi, thậm chí tử vong, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.
TS Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế)
Việc xuất hiện những ca bệnh ho gà thời gian qua không quá đáng lo nhưng người dân không nên chủ quan. Tại Việt Nam, bệnh ho gà có thể lưu hành ở hầu hết địa phương trong cả nước.
Để phòng bệnh ho gà thì tiêm vaccine là cách hiệu quả nhất. Những trường hợp không được tiêm vaccine phòng bệnh, nguy cơ mắc ho gà rất cao. Vì thế, trẻ cần được tiêm đầy đủ các mũi vaccine 5 trong 1 phòng bệnh ho gà theo đúng độ tuổi. Thời gian tiêm mũi 1 khi trẻ được 2 tháng tuổi, mũi 2 khi 3 tháng và mũi 3 khi 4 tháng; trẻ tiêm thêm mũi thứ 4 nhắc lại khi được 18 tháng tuổi. Vaccine này hiện đã được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia tiêm miễn phí cho trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ không nên cho con tiếp xúc với những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, để tránh trẻ bị lây bệnh.
|