Cảnh sát PCCC-CHCN sẽ được ưu tiên trang bị máy bay hiện đại như thế nào?

B. Bình
28/07/2023 - 14:22
Việc đầu tư, trang bị máy bay chữa cháy cho Trung tâm huấn luyện, ứng phó PCCC-CHCN của Bộ Công an được coi là dự án cần được ưu tiên và bắt buộc phải làm.

Ngày 27/7, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị công bố Quyết định số 819 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về phương hướng, mục tiêu đến năm 2030, nước ta sẽ phát triển hệ thống phát triển hạ tầng phòng cháy chữa cháy đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam, tiến tới đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của quốc gia; kiềm chế sự gia tăng về cháy, nổ, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người và tài sản, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

Đáng chú ý, theo bản quy hoạch có đưa ra danh mục ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông phục vụ phòng cháy chữa cháy đến năm 2030 là việc phát triển hệ thống bãi đỗ máy bay chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và hệ thống trung tâm chỉ huy điều hành bay phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhà cao tầng, phương tiện trên sông, biển và cháy rừng.

Trong đó, Chính phủ cũng ưu tiên việc đầu tư trang bị máy bay chữa cháy cho Trung tâm huấn luyện, ứng phó PCCC-CHCN của Bộ Công an và nhấn mạnh, đây là một trong những danh mục dự án "bắt buộc phải làm".

Việc ưu tiên trang bị máy bay chữa cháy cho lực lượng cảnh sát nằm trong bối cảnh, thời gian qua, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM xảy ra nhiều vụ cháy ở khu dân cư trong ngõ nhỏ, lực lượng chữa cháy khó tiếp cận, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nhiều người tử vong thương tâm. Chủ trương nêu trên nhằm khắc phục những bất cập này.

Cảnh sát PCCC-CHCN sẽ được ưu tiên trang bị máy bay hiện đại như thế nào? - Ảnh 1.

Quyết định của Chính phủ ưu tiên và coi việc trang bị máy bay chữa cháy là bắt buộc. Ảnh minh họa: Công ty trực thăng miền Nam

Dự kiến, máy bay sẽ tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhà cao tầng, phương tiện trên sông, biển và cháy rừng. 

Bước đầu, Trung tâm Huấn luyện và Ứng phó khẩn cấp về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), công an một số tỉnh thành được ưu tiên đầu tư bãi đỗ và trung tâm chỉ huy điều hành bay.

Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu quy hoạch điểm cung cấp nước cho máy bay chữa cháy.

Trước đó, Thông tư 60 của Bộ Công an quy định, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn quốc gia được trang bị định mức 1-2 trực thăng chữa cháy và cứu hộ; địa phương loại đô thị đặc biệt được trang bị 1-2 chiếc và phải có niên hạn sử dụng trong 15 năm...

Quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nêu rõ nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng phòng cháy chữa cháy toàn quốc đến năm 2030 dự kiến hơn 89.300 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn địa phương.

Hiện nay, trực thăng Mi-172 là dòng máy bay được nâng cấp tính năng chữa cháy tại Việt Nam. Những chiếc Mi-172 được cải tiến thiết kế để cẩu thêm gàu nước nặng 4 tấn. Khi bay đến đám cháy, phi công sẽ căn chỉnh quán tính, hướng gió để thả "quả bom nước" trúng khu vực có lửa.

Trong các năm từ 2016 tới 2017, Công ty Trực thăng Miền Nam đã sử dụng trực thăng Mi-172 cải tiến để cung cấp dịch vụ bay cứu hỏa quốc tế cho một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Trực thăng Mi-172 có ưu thế về tốc độ, thời gian cũng như khả năng tiếp cận những địa hình phức tạp để hỗ trợ việc kiểm soát những đám cháy trên khu vực rộng như rừng, các khu công nghiệp… Công ty Trực thăng miền Nam (Binh đoàn 18) đã tham gia hoạt động bay chữa cháy rừng tại Indonesia từ năm 2016 đến nay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm