Cạnh tranh tích cực sẽ tốt cho trẻ

18/02/2016 - 13:44
Nếu được điều chỉnh đúng hướng, cạnh tranh sẽ giúp những trẻ nhỏ học được những kỹ năng hữu ích cho cuộc sống.

Đối với nhiều bậc phụ huynh, từ “cạnh tranh” có vẻ luôn mang hàm ý tiêu cực. Họ nghĩ rằng nó không chỉ gây ra áp lực, tạo căng thẳng cho trẻ, mà còn làm cho đứa trẻ cảm thấy thất vọng nếu chúng không thắng cuộc. Nhiều ông bố, bà mẹ luôn tuyên bố con mình là người thắng cuộc, hoặc tránh đưa con vào tình huống cạnh tranh với đứa trẻ khác.

Cạnh tranh của trẻ cần được hướng theo nghĩa tích cực, không ganh đua ăn thua.

Tuy nhiên, biện pháp này của cha mẹ không phải là cách tốt nhất cho sự phát triển của bé. Các chuyên gia về sự phát triển của trẻ nhỏ chỉ ra rằng các cuộc thi lành mạnh sẽ đem lại những lợi ích cho sự phát triển của bé. Bên cạnh đó, những lần cạnh tranh sẽ giúp chúng nhận thức được chuyện thắng – thua trong cuộc sống, chúng sẽ không bị quá xúc động mỗi khi tham gia một cuộc thi và trở thành người thắng hay người thua. Ngoài ra, các cuộc cạnh tranh cũng giúp cho trẻ nhỏ phát triển những kỹ năng quan trọng trong cuộc sống cũng như tính kiên trì và sự đồng cảm.

Chuyên gia tâm lý Timothy Gunn nói: “ Cạnh tranh giúp những đứa trẻ học được rằng những người thành công không phải luôn luôn là những người tốt nhất hay tỏa sáng nhất, mà là những người luôn làm việc chăm chỉ và cố gắng”. Ngoài ra ông cũng chia sẻ rằng những đứa trẻ tham gia vào các cuộc thi sẽ có cơ hội học hỏi những kỹ năng xã hội thông qua tương tác với những đứa trẻ khác, học được giá trị của việc lao động chăm chỉ và phát triển sự tự tin cũng như tính tự lập.

Một điểm cộng nữa của các cuộc thi là tạo ra môi trường lý tưởng thúc đẩy tư duy làm việc nhóm của trẻ. Nhiều trò chơi đòi hỏi trẻ nhỏ phải làm việc theo nhóm để giải quyết vấn đề. Đây là kỹ năng quan trọng sẽ theo trẻ cho đến suốt cuộc đời.

Điều quan trọng là bạn cần hướng con mình theo hướng cạnh tranh mang tính xây dựng. Hãy chú ý đến phản ứng của bé trong mỗi lần tham gia các cuộc thi.

Có thể có những biểu hiện sau sẽ cho bạn biết bé đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh tích cực:

  • Yêu cầu tham gia lại các hoạt động
  • Có thể chấp nhận chiến thắng hoặc thua cuộc một cách nhẹ nhàng
  • Học các kỹ năng mới và muốn vươn lên
  • Cảm thấy tự tin hơn

Còn nếu bé có những biểu hiện sau thì có lẽ là bé đang tham gia một cuộc cạnh tranh mang tính tiêu cực nhiều hơn:

  • Không muốn tham gia vào các hoạt động
  • Giả bệnh để tránh phải tham gia
  • Nói thẳng rằng mình không muốn tham gia
  • Có những dấu hiệu của chứng trầm cảm, lo âu quá mức, khó ngủ hay không ngon miệng. Hầu hết thì các cuộc thi, đặc biệt là trước các cuộc thi lớn thì trẻ nhỏ luôn tỏ ra lo lắng, tuy nhiên nếu những dấu hiệu lo lắng đó vượt quá mức cho phép và ảnh hưởng đến những sinh hoạt bình thường của trẻ, thì bạn nên cân nhắc lại việc cho trẻ tham gia cuộc thi đó.

Vậy làm thế nào để khuyến khích trẻ tham gia những cuộc cạnh tranh lành mạnh?

Biết rằng thắng một cuộc thi là không dễ dàng chút nào, tuy nhiên bạn cũng không nên nói với con mình như vậy. Hãy khuyến khích chúng tham gia, không phải là để giành được vị trí cao nhất mà chỉ đơn giản là để thử sức mình. Để bắt đầu, trước hết bạn nên giúp con xác định mục tiêu không chỉ là chiến thắng mà còn là các hoạt động trong cuộc thi đó. Bạn cần phải tạo cảm giác mọi thứ vẫn ổn với bé để bé có thể yên tâm tập trung vào các hoạt động trong cuộc thi mà không bị phân tâm hay thất vọng bởi việc thắng hay thua.

Đừng bao giờ đánh giá thấp sự nỗ lực của trẻ nhỏ trong một cuộc thi. Chẳng hạn trong một cuộc thi chạy, con bạn là người chạy chậm nhất, bạn không nên nhắc đến điều đó, càng không nên đem nó ra so sánh với người thắng cuộc mà hãy tập trung vào thời gian chạy và khích lệ những nỗ lực của chúng.

Hãy thay đổi quan điểm của trẻ từ việc cạnh tranh với các đối thủ khác thành cạnh tranh với chính bản thân mình. Khi một đứa trẻ thua trong một cuộc thi chạy, hãy ngừng so sánh thời gian chạy của chúng với thời gian chạy của những đứa trẻ khác mà hãy so sánh nó với vòng quay của đồng hồ hay với thành tích trước đây của bé. Điều này sẽ giúp bé bỏ qua tâm lý ganh đua tiêu cực và củng cố nỗ lực để hoàn thiện bản thân hơn nữa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm