pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cao Bằng: Chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm cho người dân
Cơ quan chức năng kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm tại các cở sở kinh doanh thực phẩm
Hiện nay, trên toàn tỉnh Cao Bằng có 7.434 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được quản lý, trong đó, 673 cơ sở sản xuất thực phẩm, 2.977 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 1.802 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 1.982 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Xác định an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề luôn được người dân quan tâm, các ngành chức năng của tỉnh và các địa phương tăng cường siết chặt quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Nhằm đảm bảo công tác an toàn thực phẩm, hàng năm Cao Bằng chú trọng tổ chức “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”. Trong năm 2024, chương trình này được tổ chức từ ngày 15/4 - 15/5/2024, với quy mô chỉ đạo thực hiện từ tỉnh đến huyện, xã. 10/10 huyện, thành phố và 120 xã ban hành kế hoạch và các văn bản chỉ đạo triển khai tháng hành động.
Hưởng ứng chương trình hành động trên, toàn tỉnh đã tổ chức 183 buổi hội thảo/nói chuyện với trên 7.000 lượt người tham gia; 2 lớp tập huấn về an toàn thực phẩm với 73 người tham gia; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng 148 tin, bài, phóng sự, tọa đàm; treo 211 băng rôn, khẩu hiệu; cấp phát 2.300 tờ gấp, tờ rơi. Thành lập 147 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm trên 300 cơ sở, trong đó, phát hiện 15 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm. Các lỗi vi phạm chủ yếu: Ghi nhãn thực phẩm không đầy đủ, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh chuyển hồ sơ cho đoàn kiểm tra liên ngành huyện, thành phố xử lý theo quy định. Đối với kiểm nghiệm thực phẩm, tỉnh chưa có đơn vị được Bộ Y tế và các bộ, ngành chỉ định đủ điều kiện kiểm nghiệm thực phẩm.
Vì vậy, các sở, ngành thực hiện giám sát mối nguy bằng xét nghiệm bộ kit test nhanh của Bộ Công an sản xuất được 287 mẫu; hóa lý 336 mẫu, trong đó 296 mẫu đạt, 40 mẫu không đạt, chủ yếu vi phạm về chỉ tiêu thuốc trừ sâu, test nhanh độ sạch bát, đĩa.
Qua các đợt thanh, kiểm tra đột xuất và theo kế hoạch của các cơ quan, đơn vị chức năng, đa phần các cơ sở chấp hành tương đối tốt các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm; có ý thức trong việc sử dụng, chế biến, bảo quản thực phẩm; nâng cao trách nhiệm với các sản phẩm do mình làm ra và sức khỏe người tiêu dùng; người tiêu dùng biết lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn để sử dụng.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng một số cơ sở kinh doanh thực phẩm chưa thực hiện nghiêm về quy định đảm bảo an toàn vệ sinh, vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm; không có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; chưa thực hiện cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm với chính quyền địa phương; nhiều người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa thiếu kiến thức, kỹ năng trong chọn lựa, sử dụng và phòng tránh ngộ độc thực phẩm...
Năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm với 88 người mắc, 36 người nhập viện, có 1 người tử vong (do ăn củ ấu tàu). Trong đó, có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Cốc Pàng (Bảo Lạc) 32 người mắc; Phân trường Bản Khau thuộc Trường Tiểu học Việt Chu (Hạ Lang) với 25 người mắc. Trung tâm y tế các huyện gửi mẫu thức ăn nghi gây ngộ độc xét nghiệm tìm nguyên nhân, tuy nhiên, đơn vị kiểm nghiệm mẫu không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc.
Ðể bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai hoạt động đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Các sở, ngành, chính quyền các cấp và các cơ quan quản lý ATTP theo chức năng, nhiệm vụ triển khai hoạt động thông tin, truyền thông rộng rãi đến mọi đối tượng về các nội dung bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế như: tuyên truyền trực quan, treo băng rôn, phát tờ rơi tại các chợ, siêu thị; tuyên truyền về phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Hội LHPN các cấp thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lựa chọn, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, bảo đảm chất lượng; thành lập các mô hình phụ nữ thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, chuỗi hàng hóa sản phẩm nông sản, thực phẩm sạch, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành, cơ quan chức năng, mỗi người dân phải thực sự là những người tiêu dùng thông thái; chú ý lựa chọn những thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ; kiên quyết tẩy chay những thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng; nâng cao ý thức trong việc chấp hành đúng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc, góp phần chung tay bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.