Cao Bằng: Phụ nữ Trùng Khánh nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới

PV
01/10/2022 - 22:35
Trong những năm qua, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) đã luôn chủ động tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác bình đẳng giới.

Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số về các nội dung hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ bằng các phương tiện thông tin đại chung, phát tờ rơi, tài liệu…; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật; phối hợp điều tra, khảo sát thực trạng tình hình và nguyên nhân xảy ra bạo lực gia đình, đề xuất các giải pháp trọng tâm trong phát hiện sớm, can thiệp, xử lý các vụ bạo lực gia đình có dấu hiệu vi phạp pháp luật; phối hợp trong đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho phụ nữ ở nông thôn…

Kết quả, trên 95% hội viên phụ nữ, nữ thanh niên, nữ cán bộ, công chức được tuyên truyền, giáo dục phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trên 95% cán bộ lãnh đạo, quản lý được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phụ nữ Trùng Khánh nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới - Ảnh 1.

Hội LHPN huyện Trùng Khánh trong dịp kỷ niệm 21 năm Ngày gia đình Việt Nam

Đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp từng bước được trẻ hóa, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND, UBND các cấp và các cơ quan chính quyền, Mặt trận, đoàn thể ngày càng tăng. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp huyện tăng từ 15% (nhiệm kỳ 2015 - 2020) lên 16% (nhiệm kỳ 2020 - 2025); cấp xã từ 19% (2015 - 2020) lên 24,3% (2020 - 2025). Tỷ lệ nữ là đại biểu HĐND cấp huyện từ 20,3% lên 22,2% (nhiệm kỳ 2021 - 2026); cấp xã đạt từ 21% (2016 - 2020) lên 25,7% (2021 - 2026).

Tiếp đó, các cơ quan, đơn vị đã đưa chỉ tiêu cơ cấu về giới trong đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ tham gia các lớp học nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ; trên 98% nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn biết chữ.

Hệ thống y tế được hoàn thiện và đổi mới, phát triển mạng lưới tư vấn sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình tại các cơ sở y tế; tăng cường trang thiết bị cho các cơ sở y tế để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ;

100% trạm y tế xã, thị trấn có cán bộ phụ trách công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và có nữ hộ sinh. Các chính sách về bảo hiểm y tế và các chính sách hỗ trợ liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số đều được triển khai thực hiện, 100% phụ nữ nghèo, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được tư vấn tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Giảm thiểu tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản và tỷ lệ nạo phá thai; tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe được tăng lên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm