Dự án về bình đẳng giới với phụ nữ dân tộc và các mô hình chỉ đạo điểm

Hải Yến. Ảnh: Tuấn Dũng
20/09/2022 - 21:27
Dự án về bình đẳng giới với phụ nữ dân tộc và các mô hình chỉ đạo điểm

Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh phát biểu tại Hội nghị

TƯ Hội LHPN Việt Nam sẽ chỉ đạo điểm triển khai mô hình Tổ truyền thông cộng đồng; Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; Tổ Tiết kiệm vay vốn thôn bản; CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi.

Ngày 20-21/9/2022, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến 2025. Hội nghị diễn ra trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu địa phương.

Đây là hội nghị đầu tiên của Ban Điều hành Dự án triển khai đến tất cả các ngành và 51 tỉnh, thành về việc thực hiện Dự án trong giai đoạn 1.

Dự án về bình đẳng giới với phụ nữ dân tộc và các mô hình cụ thể triển khai điểm ở các tỉnh - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trực tiếp Hà Nội

Tại hội nghị, Uỷ viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết, Dự án 8 được triển khai tại các tỉnh thành gồm xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi, ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn, xã ATK thuộc khu vực II, I (xã chưa được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành Chương trình 135); xã biên giới được xác định theo các văn bản của cấp có thẩm quyền.

Trong đó, 10 tỉnh triển khai gói chính sách sinh đẻ an toàn, đó là: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Nghệ An, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đăk Lăk, Gia Lai.

Đặc biệt, trong thời gian từ 2022 - 2025, TƯ Hội LHPN Việt Nam sẽ trực tiếp chỉ đạo điểm 8 xã thuộc 8 tỉnh đại diện các vùng miền (miền núi Phía Bắc, miền Trung, Tây nguyên, Tây Nam bộ, Đông Nam bộ) để triển khai dự án. Tại mỗi tỉnh sẽ lựa chọn 01 xã phù hợp để tập trung nguồn lực và can thiệp toàn diện các mô hình của Dự án. 8 tỉnh gồm: Thái Nguyên, Thanh Hóa, Cao Bằng, Lai Châu, Quảng Bình, Gia Lai, Bình Phước, Sóc Trăng. 

Dự án về bình đẳng giới với phụ nữ dân tộc và các mô hình cụ thể triển khai điểm ở các tỉnh - Ảnh 2.

Hội nghị diễn ra trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu địa phương.

Cụ thể, TƯ Hội LHPN Việt Nam sẽ trực tiếp triển khai mô hình Tổ truyền thông cộng đồng tại tỉnh Điện Biên và Quảng Bình; Mô hình Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng tại Thanh Hoá, Bình Phước; Mô hình Tổ Tiết kiệm vay vốn thôn bản tại Thái Nguyên và Gia Lai; Mô hình CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi tại Lào Cai và Sóc Trăng.

Theo đó, Hội LHPN 8 tỉnh điểm cần bố trí nguồn lực triển khai các mô hình còn lại của Dự án 8 trên cùng địa bàn chỉ đạo điểm của TƯ ngoài mô hình TƯ Hội đã thực hiện và lựa chọn địa bàn chỉ đạo điểm của tỉnh để thực hiện. Hội LHPN các tỉnh không thuộc địa bàn điểm tiếp tục tham mưu triển khai chỉ đạo điểm mô hình phù hợp với điều kiện địa phương mình.

Dự án 8 do Hội LHPN Việt Nam chủ trì, xây dựng và triển khai. Đối tượng của dự án là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi.

Dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số & miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Đây là lần đầu tiên, trong chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số & miền núi có riêng một dự án thành phần về thúc đẩy bình đẳng giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm