Cấp Hội vùng dân tộc thiểu số chủ động đề xuất chính sách, bảo vệ phụ nữ, trẻ em

PVH
16/05/2023 - 21:29
Cấp Hội vùng dân tộc thiểu số chủ động đề xuất chính sách, bảo vệ phụ nữ, trẻ em

Cán bộ Hội LHPN xã Ba Trại - huyện Ba Vì (bìa phải) tuyên truyền luật pháp về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình tại các hộ dân trên địa bàn xã. Ảnh PVH

Thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã đề xuất được các chính sách thiết thực, được cấp Uỷ, chính quyền địa phương ghi nhận; góp phần tích cực vào bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới từ cấp cơ sở.

Các mô hình thiết thực từ cộng đồng

Mới đây, nhận được tin chị N.T.H bị chồng bạo hành, chị Bạch Tố Uyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Trại (huyện Ba Vì – Hà Nội) cùng chị em trong Tổ hoà giải thôn 9 lập tức đến gia đình chị H. để nắm bắt tình hình. Được biết, chị N.T.H nhiều lần bị chồng bạo lực cả về thể xác và tinh thần nhưng hàng xóm không hay biết. 

Mỗi lần động tay, người chồng lại khoá kín cửa, bật nhạc rất lớn để át đi tiếng kêu khóc của chị và các con. Sau nhiều lần bị chồng đánh đập trong những cơn say rượu, chửi rủa vì chuyện sinh con một bề, chuyện tiền nong trong nhà… chị N.T.H không thể nín nhịn và tìm cách phản kháng, tố cáo hành vi của chồng. 

Chị Bạch Tố Uyên kể, nắm rõ hành vi sai trái của người chồng, Tổ hoà giải thôn – nòng cốt là Chi hội phụ nữ, vừa mềm mỏng, khéo léo phân tích cho người chồng hiểu về những thiệt thòi, đau khổ của chị vợ chịu cảnh bạo lực tinh thần, thể xác; đồng thời vừa cứng rắn nhắc nhở, phổ biến cho anh biết những quy định pháp luật hiện hành, các mức xử phạt những hành vi bạo lực. Thậm chí, Tổ hoà giải huy động đại diện đoàn thể, chính quyền địa phương cùng vào cuộc để tạo sức ép từ cộng đồng, để giúp người chồng từng bước thay đổi được nhận thức và hành vi.

Thời gian qua, Hội LHPN xã Ba Trại tiếp tục duy trì được nhóm tuyên truyền phòng chống ma tuý, tệ nạn xã hội; câu lạc bộ "Mẹ và con gái", nhóm phụ nữ nòng cốt tuyên truyền pháp luật từ gia đình, tổ chức các buổi phổ biến về về luật bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mua bán người, phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội lồng ghép các kỳ sinh hoạt hội viên tại 10 chi hội, 25 tổ phụ nữ cho hơn 800 hội viên, phụ nữ tham gia... 

Xã Ba Trại là một trong số 7 xã miền núi, vùng dân tộc thiểu số của huyện Ba Vì thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực, xâm hại cho Phụ nữ và trẻ em vùng miền núi huyện Ba Vì giai đoạn 2021- 2026". Đề án này được Hội LHPN huyện chủ động xây dựng, đề xuất và được Ban Thường vụ huyện uỷ thông qua, triển khai thực hiện từ năm 2021. Qua đó nhằm giải quyết thực trạng bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em hiện còn phức tạp. Đồng thời nâng cao ý thức phòng ngừa, trang bị kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại cho phụ nữ, trẻ em; kịp thời phát hiện, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Cấp Hội vùng dân tộc thiểu số chủ động đề xuất chính sách, bảo vệ phụ nữ, trẻ em - Ảnh 1.

Lễ ra mắt mô hình điểm “Tổ truyền thông cộng đồng” tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì)

Phát huy tính chủ động, sáng tạo đề xuất chính sách ở cấp Hội địa phương

Theo thống kê, số phụ nữ, trẻ em trên địa bàn 7 xã miền núi huyện Ba Vì là hơn 36.000 người, trong đó có hơn 14.000 phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, là đối tượng thụ hưởng của đề án. Qua 1 năm triển khai đề án đã có những kết quả cụ thể. Hội LHPN huyện đã tổ chức Hội thi tuyên truyền pháp luật về phòng chống bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em với 6 đội thi; Tổ chức 1 diễn đàn xây dựng gia đình bình an hạnh phúc với sự tham gia của 100 phụ nữ, trẻ em; Vận động 821 người tham gia dự thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình", 1.058 phụ nữ và nhân dân tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu quy định pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động" do Thành Hội tổ chức; Tổ chức 55 buổi truyền thông, nâng cao nhận thức, lồng ghép giới, kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại, luật đất đai, luật hôn nhân gia đình; Tổ chức 55 cuộc trợ giúp pháp lý cho 2.926 phụ nữ, tư vấn trực tiếp cho 326 trường hợp về lĩnh vực hôn nhân gia đình, đất đai, thừa kế...

Cấp Hội vùng dân tộc thiểu số chủ động đề xuất chính sách, bảo vệ phụ nữ, trẻ em - Ảnh 2.

Hoạt động truyền thông, phổ biến pháp luật phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh minh họa

Đặc biệt, mô hình phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em tại cộng đồng phát huy hiệu quả tích cực; cụ thể như: Mô hình tuyên truyền pháp luật tại cộng đồng với 02 nhóm phụ nữ nòng cốt gồm 43 thành viên (xã Ba Trại), 01 CLB phòng chống mua bán người (xã Châu Sơn) với 56 thành viên, 03 CLB phụ nữ với pháp luật với 65 thành viên, 03 CLB trợ giúp pháp lý với 108 thành viên; 15 tủ sách phụ nữ với pháp luật và bình đẳng giới; Duy trì 104 địa chỉ tin cậy tại 31 xã, thị trấn, trong đó có 40 địa chỉ tin cậy tại 7 xã miền núi bước đầu góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng và bảo vệ chị em phụ nữ khi bị bạo lực gia đình...

Chia sẻ quá trình xây dựng và đề xuất chính sách, chị Lê Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Vì (Hà Nội), cho biết: Đề xuất thành công Đề án, trước tiên là xuất phát từ những nhu cầu bức thiết của tình hình thực tế cuộc sống tại địa phương; hướng tới từng bước nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực, xâm hại với phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là những đối tượng phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, phụ nữ - trẻ em dễ bị tổn thương, ít được tiếp cận thông tin…

Cấp Hội vùng dân tộc thiểu số chủ động đề xuất chính sách, bảo vệ phụ nữ, trẻ em - Ảnh 2.

Pano, áp phích tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình trên các tuyến đường

Các mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng", CLB phòng chống mua bán người, CLB phụ nữ với pháp luật… là những hoạt động thiết thực nhằm thực hiện Kế hoạch số 257/KH-UBND ngày 3/10/2022 của UBND TP Hà Nội và Kế hoạch số 16/KH-BTV ngày 9/2/2023 của Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội về triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trong quá trình xây dựng đề án, Hội LHPN huyện thường xuyên xin ý kiến định hướng của lãnh đạo huyện Uỷ. Đồng thời huy động trí tuệ tập thể từ các thành viên Ban Chấp hành Hội LHPN huyện thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau như Viện kiểm soát, Tư pháp, Toà án, Công an, LĐ-TB&XH, giáo dục… cùng góp sức cung cấp thông tin, số liệu, xây dựng nội dung đề án. Trong quá trình đó lại trùng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khắc phục khó khăn, việc lấy ý kiến của các cấp uỷ, chính quyền cơ sở và hội viên, phụ nữ tại các xã vẫn được tiến hành, tiếp thu thông qua các buổi họp Zoom, mạng xã hội. Nhờ đó, đề án có được sự tán thành cao.

Phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em là cuộc chiến lâu dài, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Theo chị Lê Thị Tuyến, đề án được Ban Thường vụ Huyện uỷ thông qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu quả phối hợp của ban ngành, đoàn thể của huyện; đặc biệt là với cấp ủy, chính quyền 7 xã miền núi trong việc chỉ đạo thực hiện, tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động mô hình quần chúng tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc; duy trì việc tuyên truyền, vận động người dân địa phương ký cam kết tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội tại địa bàn dân cư. Đồng thời chỉ đạo các ban, ngành, UB MTTQ, các đoàn thể tại địa phương phối hợp với Hội LHPN xã lồng ghép các hoạt động của ngành, đơn vị với tổ chức thực hiện các hoạt động của Đề án.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm