Câu đố Tiếng Việt: "Vì sao lại gọi là tuổi tác?", nghe giải thích xong thấy quá lý thú

Ứng Hà Chi
26/06/2022 - 05:25
Câu đố Tiếng Việt: "Vì sao lại gọi là tuổi tác?", nghe giải thích xong thấy quá lý thú
Nhiều người cho rằng từ "tuổi tác" là một từ láy nhưng sự thật hoàn toàn không phải vậy!

Chúng ta đều biết từ láy là từ được cấu tạo từ 2 tiếng, được tạo nên bởi các tiếng giống nhau về âm, về vần hoặc cả âm và vần. Trong đó, có thể có 1 tiếng có nghĩa hoặc tất cả các tiếng đều không có nghĩa. Khi đó, 2 từ được ghép với nhau tạo nên một từ có nghĩa. Dựa vào cấu trúc, từ láy được chia thành 2 loại chính là: Từ láy toàn bộ và từ láy bộ phận.

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, nhiều người vẫn lầm tưởng giữa từ láy và từ ghép. Đối với một số từ khi phân tích tưởng chừng không có nghĩa nhưng thật ra đó lại là từ cổ mà ít người biết đến. Từ "tác" trong "tuổi tác" cũng là một từ như vậy, nhiều người cho rằng "tuổi tác" là từ láy bộ phận.

Từ "tuổi tác" xuất hiện nhiều trong giao tiếp thường ngày. Chẳng hạn như chúng ta thường nói rằng: "Tuổi tác với anh ấy không là vấn đề", "Tuổi tác cao rồi phải giữ sức khỏe nhé!",… Nhiều người cho rằng từ "tuổi tác" là từ láy vì cả hai tiếng đều có phụ âm đầu là chữ "t" và chữ "tác" không có nghĩa. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy.

Câu đố Tiếng Việt: "Vì sao lại gọi là TUỔI TÁC?" – Nghe giải thích xong "mắt chữ A mồm chữ O" bởi quá lý thú! - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Thực tế, "tuổi tác" là một từ ghép đẳng lập. Và từ "tác" ở đây cũng có nghĩa là "tuổi". Trong cuốn Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí, tác giả Tiến Đức đã giảng như sau: "Tác: Tuổi. Ví dụ: Tác cao". Học giả Lê Văn Đức cũng giải thích: "Tác (danh từ): Tuổi, lứa. Ví dụ: Bạn tác, tuổi tác".

Theo Đại Nam quốc âm tự vị, từ "tác" ở đây vốn được viết bằng chữ Hán, có một nghĩa là "dây tơ". Hẳn vì "tuổi" (thời gian) và "tơ" đều có đặc điểm chung là "dài, kéo dài".

Như vậy, "tuổi tác" vốn là từ ghép đẳng lập chứ không phải từ láy và "tác" cũng có nghĩa là "tuổi". Thế mới thấy tiếng Việt thật phong phú và giàu đẹp. Để hiểu hết được ngữ nghĩa, chúng ta cần dày công nghiên cứu, đối chiếu với nhiều tư liệu.

Ngoài ra, Tiếng Việt còn một số từ ghép khác thường bị nhầm lẫn là từ láy như:

Chùa chiền – "Chiền" trong "chùa chiền" có nghĩa là tương đương là chùa. Đây là một từ cổ.

Rơi rớt – "Rớt" trong "rơi rớt" nghĩa là còn sót lại, hỏng, không đỗ hoặc cũng có nghĩa là rơi.

Yêu dấu – "Dấu" là một từ cổ, sách Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của có giảng: "Dấu" nghĩa là "yêu mến". Từ điển Việt – Bồ - La của Alexandre de Rhodes (năm 1951) cũng giải thích "dấu" là một từ cổ để chỉ sự thương yêu.

Hỏi han – "Hỏi han" không phải là từ láy mà là từ ghép đẳng lập, trong đó cả "hỏi" và "han" đều có nghĩa. Đại Nam quốc âm tự vị giải thích: "Han" nghĩa là "hỏi tới", "nói tới".

Chói chang – Từ "chang" cũng chính là thành tố trong chữ "nắng chang chang". Vậy nó không phải là một yếu tố láy. "Chang" chỉ ánh nắng gay gắt tỏa đều ra chung quanh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm