pnvnonline@phunuvietnam.vn
Câu lạc bộ Nữ từ thiện tỉnh Tây Ninh: "Chắp cánh" cho phụ nữ bất hạnh vươn lên thoát nghèo
Trao tặng bò sinh sản cho phụ nữ nghèo
Bà Nguyễn Thị Nhàn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ từ thiện tỉnh Tây Ninh - cho biết, câu lạc bộ được thành lập vào năm 2012, trực thuộc Hội LHPN tỉnh. Đến nay, câu lạc bộ có 13 thành viên chính thức và ngoài ra còn có các thành viên danh dự. Hàng tháng, câu lạc bộ sẽ trao 2 con bò sinh sản, mỗi con trị giá 22 triệu đồng cho các phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Trong quá trình trao tặng, cũng có những hoàn cảnh khó khăn quá thì chị em cũng có thể hỗ trợ thêm trong cuộc sống hoặc trợ giúp về y tế. Tiêu chí của câu lạc bộ là giúp đỡ những phụ nữ nghèo đơn thân; những hộ nghèo gặp bất hạnh, trong gia đình có người bị khuyết tật, mắc bệnh nan y.
+ Vậy công tác rà soát, lựa chọn các trường hợp để hỗ trợ được thực hiện như thế nào, thưa bà?
Các thành viên trong câu lạc bộ sẽ đề xuất các trường hợp, sau đó ban chủ nhiệm sẽ phối hợp với Hội LHPN địa phương để xác minh lại thông tin một lần nữa. Đa số các thành viên khi đề xuất các trường hợp để hỗ trợ đề rất đúng với tiêu chí đã đề ra. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp do Hội LHPN đề xuất.
Câu lạc bộ đã trao tặng được 215 con bò sinh sản cho các hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn
Trong thời gian đầu, khi trao bò, nếu con bò đó bị bệnh hoặc trong trường hợp không thể chửa đẻ thì sẽ được câu lạc bộ đổi lại một con bò khác. Nhưng sau này, bò được trao tặng bắt buộc phải có chửa luôn. Tính đến nay, câu lạc bộ đã trao tặng được 215 con bò sinh sản cho các hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
+ Tại sao câu lạc bộ lại lựa chọn việc trao bò sinh sản cho hộ nghèo và bà có đánh giá thế nào hiệu quả của hoạt động này?
Người xưa thường nói đối với người nghèo, khi giúp họ bằng tiền thì chẳng khác nào "gió vào nhà trống"; nhưng khi mình trao cho họ con bò, lại là bò sinh sản thì chỉ cần một thời gian ngắn chăm sóc là họ đã có thêm bò con. Họ có thể bán bò con để trang trải cuộc sống gia đình, tiếp tục phát triển kinh tế. Hội LHPN địa phương cũng sẽ theo dõi sát sao để làm sao hoạt động chăn nuôi được hiệu quả cao nhất.
Thực tế khi đi kiểm tra lại thì thấy các chị em đều giữ, phát triển được đàn bò và cải thiện được cuộc sống, sửa sang lại nhà cửa. Rõ ràng là hoạt động có hiệu quả và chúng tôi đã duy trì được đến ngày hôm nay.
Khi mọi người đến những nơi vùng sâu, vùng xa để trao tặng bò thì thấy có những hoàn cảnh rất khổ cực. Từ đó, mọi người càng thấy thương người nghèo hơn, gắn kết với nhau hơn và tự dặn lòng là còn sức tới đâu thì cố gắng tới đó.
+ Bên cạnh việc trao tặng bò sinh sản thì câu lạc bộ có hỗ trợ thêm về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cho các hộ dân không?
Do các hộ dân thụ hưởng đa số đều ở khu vực nông thôn nên đều biết cách chăm sóc bò.
Tuy nhiên, câu lạc bộ cũng phối hợp với ngành nông nghiệp cung cấp các kiến thức chăm sóc bò sinh sản cho các hộ dân. Cán bộ xã cũng sẽ hướng dẫn trực tiếp cho người dân để việc chăn nuôi đạt hiệu quả nhất.
+ Vậy bà có cảm nhận, đánh giá gì về nỗ lực vươn lên thoát nghèo của hội viên phụ nữ?
Như đã chia sẻ, do mỗi tháng chỉ trao được 2 con bò nên câu lạc bộ hướng đến những phụ nữ nghèo gặp bất hạnh. Khi được trao tặng bò thì chị em vui lắm, có người mừng đến mức xỉu tại chỗ.
Cũng có chị chia sẻ với tôi rằng, khi họ nằm mơ thì chỉ ước có được một con bò con thôi chứ không nghĩ được trao tặng luôn con bò sinh sản. Đặc biệt, bò sinh sản là mình trao tặng luôn cho chị em, chứ không cần điều kiện nào khác nữa cả, không cần phải xoay vòng.
+ Tiếp xúc, hỗ trợ hàng trăm phụ nữ nghèo. Vậy có trường hợp nào để lại ấn tượng lớn đối với bà không?
Có trường hợp hai vợ chồng sinh được 3 người con nhưng cứ học đến lớp 11 là mấy đứa trẻ… phát điên. Một thành viên trong câu lạc bộ cảm thương quá nên đã hỗ trợ xây nhà, trong đó có một căn phòng được ngăn làm đôi, làm cửa sắt và những đứa trẻ ở trong đấy. Sau đó thì câu lạc bộ tiếp tục hỗ trợ cho gia đình bò sinh sản.
Từ nguồn bò được trao tặng, các chị em đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo
Cũng có trường hợp hai vợ chồng rất nghèo, các con lại ở xa. Bản thân người chồng bị tai biến, phải ngồi xe lăn. Khi chúng tôi đưa bò xuống trao tặng thì người chồng rất hạnh phúc, nước mắt cứ lăn dài trên má. Vừa rồi, khi quay lại thì số lượng bò đã tăng lên 4 con, cuộc sống của gia đình đã được cải thiện hơn nhiều.
Rồi có trường hợp một chị chồng đã mất, phải chăm sóc hai người em chồng bị nhiễm chất độc màu da cam. Cũng nhờ con bò sinh sản mà câu lạc bộ trao tặng mà chị đã trả được nợ ngân hàng, làm được nhà.
+ Liệu trong quá trình triển khai có gặp khó khăn gì không? Bà có thể chia sẻ thêm về kế hoạch của câu lạc bộ trong thời gian sắp tới?
Để duy trì hoạt động của một câu lạc bộ phụ nữ thì chúng tôi cũng hết sức chú ý. Các chị em tham gia vào câu lạc bộ phải thực sự có tâm, chia sẻ với người nghèo.
Quan điểm của chúng tôi là câu lạc bộ hoạt động vừa phải có hiệu quả, lại phải đảm bảo được giá trị tốt đẹp, không thể mang tiếng vì những vấn đề này kia. Thực ra, điều này cũng có phần làm khó ban chủ nhiệm. Do vậy, thành viên câu lạc bộ dù ít nhưng chắc, có tiếng thơm.
Khi chứng kiến cảnh các chị em được hỗ trợ có cuộc sống tốt hơn thì hạnh phúc lắm. Quá vui. Cảm giác mình làm chỉ cần giúp được người ta một phần nào trong cuộc sống cũng là niềm vui rất lớn. Khi đó chị em nhìn nhau rồi thầm bảo "Mình làm tiếp nhé. Cố gắng làm tiếp nhé". Rõ ràng việc câu lạc bộ làm đã có hiệu quả và các chị em nhận được hỗ trợ cũng trân trọng đóng góp, sẻ chia của câu lạc bộ.
Xin cảm ơn bà!
Câu lạc bộ Nữ từ thiện Tây Ninh tập hợp các nữ doanh nhân trên địa bàn, bên cạnh đó có cán bộ lãnh đạo tham gia. Từ nguồn quỹ, câu lạc bộ trao tặng bò sinh sản đến những hội viên phụ nữ nghèo, bất hạnh trong cuộc sống. Hội Phụ nữ cơ sở cũng có nhiệm vụ giới thiệu, giám sát các chị em có hoàn cảnh khó khăn, có nguyện vọng nuôi bò sinh sản.
Việc hỗ trợ nuôi bò sinh sản đến hội viên phụ nữ nghèo là hết sức thiết thực. Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng cỏ nhiều nên có nguồn thức ăn dồi dào cho bò. Bên cạnh đó, việc chăm sóc bò cũng phù hợp, vừa sức với các chị em phụ nữ nghèo. Cán bộ thú ý địa phương cũng hỗ trợ các chị em được nhận bò trong việc phòng chống dịch bệnh.
Đặc biệt, sự hỗ trợ của câu lạc bộ luôn rất kịp thời, khi địa phương giới thiệu hoàn cảnh phù hợp thì hỗ trợ ngay và người dân được hưởng trọn con bò sinh sản, không phải xoay vòng. Qua đó, giúp hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ngày một tốt hơn.
Bà Kim Thị Minh - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tây Ninh