Cầu thủ Huỳnh Như tiết lộ từng suýt bỏ bóng đá về làm ruộng

Minh Anh
29/03/2022 - 11:21
Cầu thủ Huỳnh Như tiết lộ từng suýt bỏ bóng đá về làm ruộng

Cầu thủ Huỳnh Như

Khó khăn, áp lực trong những ngày đầu tham gia bóng đá chuyên nghiệp đã khiến cầu thủ Huỳnh Như có lúc muốn buông xuôi, định bỏ về quê làm ruộng phụ giúp cha mẹ…

Tối 28/3, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm Vị trí của phụ nữ trong thể thao. Tọa đàm do Viện Pháp tại Hà Nội - L'Espace và Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp tổ chức, Báo Phụ nữ Việt Nam bảo trợ truyền thông.

Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả: Huỳnh Như - đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam; bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Việt Nam; ông Cao Huy Thọ - Phó giám đốc Trung tâm truyền thông báo Tuổi trẻ; nhà văn Trang Hạ; bà Laurence Fischer - Đại sứ Thể thao của Bộ Ngoại giao Pháp; bà Elisa Fernandez - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam. Điều phối chương trình là MC Marvin Long Đỗ.

Tọa đàm Vị trí của phụ nữ trong thể thao do

Tọa đàm "Vị trí của phụ nữ trong thể thao" do Viện Pháp tại Hà Nội và UN Women tại Việt Nam tổ chức

Chia sẻ tại tọa đàm, cầu thủ Huỳnh Như cho biết: Ngày nhỏ, khi bắt đầu đến với bóng đá, cô chơi hoàn toàn vô thức, vì đam mê, cũng không hề biết Việt Nam có đội tuyển bóng đá nữ. Chiều nào cô cũng đi đá bóng. Cha mẹ thấy con gái yêu thích bóng đá thì ủng hộ, dù hồi đó, trong đội bóng của xóm, chỉ duy nhất Huỳnh Như là con gái.

"Khi lớn lên một chút, tầm 8-9 tuổi, tôi cùng đội bóng đi đá với xóm khác, được các bạn nam tin tưởng trao cho băng đội trưởng. Trận đó đội tôi chiến thắng, tôi là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất. Phần thưởng cho "Vua phá lưới" lúc đó là 20 nghìn đồng. Với tôi lúc đó, đây không chỉ là một số tiền lớn mà còn vô cùng ý nghĩa", đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ chia sẻ.

Khi Huỳnh Như học phổ thông, tỉnh Trà Vinh thành lập đội bóng đá nữ, cô được gọi đến thử việc rồi gia nhập đội. Nhưng được mấy tháng thì đội bóng phải giải thể, vì tỉnh nghèo không đủ tiền duy trì. Người thầy của Huỳnh Như đã ngỏ lời với gia đình cho cô lên TPHCM đi theo bóng đá chuyên nghiệp. "Năm đó tôi học lớp 12, thời điểm rất quan trọng trong đời, nhưng khi nghe tin được lên Sài Gòn theo bóng đá thì tôi chấp nhận hết, không hề suy nghĩ, quyết định rất dứt khoát", cô cho biết.

Đam mê bóng đá tự nhiên như máu thịt là vậy, nhưng đã có lúc Huỳnh Như muốn dừng lại. Lên TPHCM, môi trường bóng đá chuyên nghiệp cạnh tranh rất khắc nghiệt, một cô gái trẻ mới rời xa quê hương, gia đình như Huỳnh Như không khỏi áp lực. Thời gian đầu, Huỳnh Như tham gia thi đấu ở những giải trẻ và thành tích của đội không được tốt, gặp nhiều thất bại.

"Tôi gọi điện về nhà nói, hay con nghỉ đá bóng, về phụ gia đình làm ruộng. Nhưng cha mẹ tôi đã động viên tôi vượt qua. Cha tôi đã mang chiếc xe đạp từ dưới Trà Vinh lên Sài Gòn, đạp từ bến xe miền Tây đến CLB, đưa cho tôi chiếc xe đó để tôi đi đá bóng, đi học. Hình ảnh đó in trong tôi, khiến tôi nhớ mãi, không bao giờ muốn từ bỏ", cô chia sẻ.

Các diễn giả tham gia tọa đàm: Nhà văn Trang Hạ, cầu thủ Huỳnh Như, bà Lê Thị Hoàng Yến, ông Cao Huy Thọ, bà Elisa Fernandez

Từ trái qua, các diễn giả tham gia tọa đàm: Nhà văn Trang Hạ, cầu thủ Huỳnh Như, bà Lê Thị Hoàng Yến, ông Cao Huy Thọ, bà Elisa Fernandez

Có lẽ không chỉ Huỳnh Như mà con đường đến với thể thao của rất nhiều vận động viên nữ khác cũng rất nhiều gian nan, khó khăn. Vượt qua những khó khăn đó, họ vẫn mang vinh quang về cho thể thao Việt Nam. Tại tọa đàm, bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chia sẻ một thông tin thú vị: Tính đến nay hầu hết những thành tích cao nhất của thể thao Việt Nam là do các nữ vận động viên mang về. Có thể kể đến Trần Hiếu Ngân là VĐV giành huy chương đầu tiên (Huy chương Bạc) cho thể thao Việt Nam ở đấu trường Olympic (Sydney 2000). Mới nhất, đội tuyển bóng đá nữ quốc gia giành vé dự World Cup 2023, xác lập cột mốc mới vẻ vang cho thể thao nước nhà.

Tuy nhiên, có một thực tế là vẫn tồn tại khoảng cách rất lớn giữa nam và nữ trong thể thao, từ thu nhập đến sự quan tâm của dư luận, truyền thông… Sự chênh lệch này không phải đến từ chính sách, khi ở thể thao Việt Nam, vận động viên nam và nữ đều hưởng lương, chế độ giống nhau. Nhưng có thể thấy thể thao nam, đặc biệt là trong bóng đá, vẫn được khán giả yêu thích hơn. Điều đó ảnh hưởng ít nhiều đến các nguồn lực xã hội hóa, họ sẽ đổ tiền vào những nơi khán giả quan tâm hơn, truyền thông tốt hơn. Điều đó dẫn đến một thực tế, trong khi các cầu thủ nam có thể thu nhập tới hàng chục tỉ đồng mỗi năm thì các cầu thủ nữ, như Huỳnh Như tiết lộ, rất nhiều người phải bán hàng online hay đi dạy thêm để trang trải cuộc sống.

"Chúng tôi đang tìm cách để thu hẹp khoảng cách này bằng chính sách thúc đẩy xã hội hóa thể thao, truyền thông tốt, ủng hộ hơn với nữ giới, mang lại sự công bằng về chính sách tốt cho thể thao nữ; giúp các nữ vận động viên đảm bảo cuộc sống, yên tâm cống hiến cho thể thao nước nhà", bà Hoàng Yến nói.

Cũng theo bà Hoàng Yến, nhìn chung thể thao Việt Nam không có định kiến về giới như một số nước châu Á khác, nhưng về mặt bằng chung các nữ vận động viên vẫn cần được quan tâm hơn. Họ không cần sự ưu ái vì là nữ, mà cần sự công bằng về ứng xử, chính sách để có thể yên tâm trong việc cống hiến đam mê của mình. Hiện nay, một số trường đại học dạy nghề quản lý thể thao, có thể là một gợi mở cho các vận động viên nữ sau khi hết tuổi nghề. Bà Hoàng Yến cho biết, sau thành tích của đội tuyển nữ Việt Nam, cũng đã có một số đơn vị cam kết hỗ trợ. Tuy nhiên, bà mong muốn rằng đây là việc lâu dài chứ không phải nhất thời.

Trong khi đó, từ góc độ cơ quan bình đẳng giới của Liên hợp quốc, bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam, cho rằng, cần có chính sách để giúp nữ giới có thể sống được bằng thể thao, tự chủ về tài chính, cùng cộng đồng xã hội chống xâm hại, định kiến giới, đồng thời trao quyền nhiều hơn cho nữ giới trong thế thao...

Mặt khác, theo bà bà Elisa Fernandez, đã đến lúc truyền thông cần dành một thời lượng thích đáng cho thể thao nữ, để thể thao nữ đến gần hơn với công chúng. Đó là điều quan trọng góp phần khẳng định vai trò, vị thế của nữ giới đối với sự phát triển của thể thao.

Ý kiến của bà Elisa Fernandez cũng nhận được sự đồng tình của nhiều khán giả có mặt tại tọa đàm Vị trí của phụ nữ trong thể thao. Một khán giả nữ cho biết, chị xem bóng đá nhiều, nhưng về bóng đá nữ chỉ biết đội tuyển và các cầu thủ nổi bật, còn những thông tin bên lề của cầu thủ, hay sự tương tác của cầu thủ với công chúng… gần như không có. Điều đó cũng ít nhiều làm giảm bớt sự quan tâm của công chúng với thể thao nữ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm