pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cha đã ở đâu trong thế giới tuổi thơ con?
1
Tôi không thực hiểu vai trò của bố vì người nấu cơm cho tôi ăn hàng ngày là mẹ. Người nhắc tôi mặc áo ấm khi trời lạnh đương nhiên là mẹ. Người thơm má chúc tôi ngủ ngon mỗi tối chắc chắn vẫn là mẹ. Vì thế, tôi thường sợ vắng mẹ, không chỉ lúc còn thơ bé…
Lúc nào đi đâu tôi cũng muốn có mẹ ở bên cạnh là vì tôi có cảm giác an tâm và an toàn. Chúng tôi thường cảm thấy căn nhà thiếu vắng khi không có mẹ. Còn bố thì có ở nhà là tốt, nhưng nếu bố đi vắng cũng chẳng sao, mọi việc vẫn diễn ra trôi chảy.
Đến ngay cả khi tức giận cái gì với lũ bạn cùng trang lứa chúng tôi cũng dấm dứ: "Tao về nhà mách mẹ". Sao không phải là mách bố mà ai cũng đòi về mách mẹ nhỉ?
Bố ít nói, bố ít hành động, bố hay đi vắng, bố quá nghiêm khắc, bố thiếu gần gũi… Tất cả đều có thể là lý do khiến tôi sợ xa mẹ, còn vắng bố thì chẳng sao hết.
Tuổi thơ cứ dần trôi qua, tôi nhớ mùi ngai ngái từ làn da mẹ, nhớ bàn tay mẹ, nhớ giọng nói biết xóa đi mọi mệt mỏi… Còn bố thì mọi ký ức về ông đều quá nhạt nhòa.
Sau này lớn lên rồi lập gia đình, tôi làm mẹ. Tôi nhàn nhã vô cùng vì lũ trẻ bám bố đến độ thấy bố về là reo mừng, là đòi chơi trò chơi cùng bố, tôi cảm thấy mình kém quan trọng so với chồng tôi trong mắt con mình. Tôi không cảm thấy ưu phiền vì điều đó mà đôi lúc lại rất tự hào.
Chồng tôi có biệt tài khiến lũ trẻ vô cùng thích bố. Anh cũng dành nhiều thời gian, tâm huyết và sự kiên nhẫn cho con. Có nhiều trò chơi mà chỉ có bố mới khiến lũ trẻ thích mê như những trò chơi vận động, các trò trốn tìm. Lũ trẻ nhà tôi khá mạnh mẽ, không biết sợ sệt, khác hẳn tôi của ngày xưa và cả bây giờ.
Cùng là 2 người cha thuộc về 2 thế hệ mà vai trò của họ khác nhau đến thế là vì sao?
Bố có yêu tôi không?
2
Ngày tôi bị ông hàng xóm đánh vì lỡ làm gãy chiếc cung tên của ông ấy, lũ trẻ kéo đến nhà gọi bố tôi để mách. Chỉ 5 phút sau, bố tôi xuất hiện nhanh như một cơn gió, việc đầu tiên bố nói: "Đánh 1 đứa trẻ là hèn. Nếu có giỏi hãy đánh nhau với tôi này". Rồi bố và ông hàng xóm đánh nhau thật. Bố bị trầy xước nhưng sau cuối bố vẫn chỉ hỏi tôi: "Con có đau không?".
Lần khác lớn hơn chút nữa lúc tôi bị ngã xe, ai đó nói rằng đi tìm mẹ tôi để báo, nhưng người đến rất nhanh đứng trước mặt tôi lại là bố. Ông chảy nước mắt và ôm lấy tôi: "Nào, để bố cõng". Những lần bố tôi xuất hiện đúng lúc thường ít ỏi, nhưng ấn tượng như thế.
Bố yêu tôi, nhưng vì sao hình ảnh người cha vẫn nhạt nhòa?
Có lẽ bố tôi đã không biết mình quan trọng đến thế, để đứng xa ra khỏi con cái và quan sát, chỉ lúc cần mới xuất hiện. Tôi lớn lên như cây cỏ và cũng không biết rằng, ông quan trọng với tôi đến thế. Sau này, đôi lúc tôi ước nếu bố hiện diện trong cuộc sống của tôi hàng ngày, có lẽ tôi đã biết mình cần bố hoặc có thể giúp tôi mạnh mẽ hơn trước những sóng gió cuộc đời.
Đôi lúc, tôi vẫn nhìn hình ảnh nhiều gia đình đi dạo trong công viên, bế trẻ con thường là người mẹ. Có thể, không phải những ông bố không bế chúng, mà sự lựa chọn của lũ trẻ để "cho" ai bế chính là mẹ. Sự thân thuộc hàng ngày đã khiến cho người mẹ có một thứ hạng được ưu tiên tuyệt đối trong lòng lũ trẻ.
Nhưng tôi vẫn nghĩ, biết đâu hình ảnh sẽ khác đi nếu giống gia đình tôi. Khi người đàn ông lúc nào cũng dành thời gian để chơi đùa cùng con cái, sự lựa chọn số 1 của con tôi chính là người bố.
Cậu bé hàng xóm rất ngạc nhiên khi thấy con tôi đang vần chiếc ghế và xoay chiếc tô vít: "Tớ không thích sửa đồ và mẹ tớ thường phải loay hoay rất lâu để làm việc này". Con tôi hếch chiếc mũi lên và bảo: "Tớ thích trò này lắm, 2 bố con tớ thường làm cùng nhau rất vui".
3
Khoa học đã chứng minh người cha trong cuộc đời một đứa trẻ có vai trò không thể thay thế. Người cha không phải là vị trí thứ 2 hỗ trợ chăm sóc con cái mà là vị trí độc tôn và mang lại nhiều giá trị cho 1 đứa trẻ từ tuổi thơ cho đến ngay cả khi trưởng thành.
Nhà tâm lý học Sigmund Freud nói: "Mọi đứa trẻ trong suốt thời kỳ thơ ấu đều mong muốn được che chở và bảo vệ bởi người cha".
Tình yêu với con cái trong người đàn ông nào cũng có, nhưng quan trọng hơn vẫn là cách 'người ấy' thể hiện tình yêu ấy ra như thế nào, bao nhiêu và khi nào?
Theo Ths.BSNT Phạm Văn Dương (chuyên khoa Tâm thần - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội) thì vai trò người cha trong gia đình là vô cùng quan trọng. Người cha có thể giúp cho con cái phát triển lành mạnh trong cảm xúc, nhận thức, giải quyết những vấn đề khó khăn, tăng lòng tự trọng, tăng giá trị bản sắc của bản thân, tăng khả năng đương đầu với những khó khăn qua lòng can đảm và sự bạo dạn.
Có rất nhiều ví dụ cho thấy sự hiện diện của người cha có tác động tích cực đến cuộc sống của trẻ. Trong các nghiên cứu về bệnh mãn tính ở trẻ em thì với những đứa trẻ không có cha, khả năng tuân thủ điều trị, điều chỉnh tâm lý và tình trạng sức khỏe kém hơn so với những trẻ có sự quan tâm và chăm sóc của cha.
Việc chơi đùa giữa cha và con trong những năm tuổi thơ đã được chứng minh là làm giảm các vấn đề stress và trầm cảm ở trẻ, do xu hướng các trò chơi với ông bố có tính 'hành động' hơn khiến lũ trẻ trở nên mạnh mẽ hơn. Mặc dù người mẹ có thể chăm sóc con cái tỉ mỉ hơn, nhưng sự quan tâm của cha giúp những đứa trẻ luôn có cảm giác được khích lệ và có người ủng hộ hơn.
Một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thanh thiếu niên có khả năng hút thuốc thường xuyên hơn nếu người cha không tham gia vào cuộc sống của họ. Thậm chí, người ta cũng khẳng định sự tham gia của người cha trong gia đình tỷ lệ thuận với những nhận thức tích cực của những đứa trẻ khi lớn lên.
Chính bản thân tôi cũng hoàn toàn tin rằng: Nếu người đàn ông hiểu đúng về vai trò của mình để 'hiện diện' đúng và đầy đủ trong gia đình thì những đứa trẻ sẽ luôn được trú ẩn an toàn trong một ngôi nhà bão dừng sau cánh cửa!