pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cha mẹ 9x Trung Quốc "dạy con ngược", chuyên gia lo ngại
Ảnh minh họa
Vào một đêm muộn, Nghiên Dương (Thượng Hải, Trung Quốc) lại phải vật lộn với cơn giận dữ của cậu con trai 5 tuổi. Khi không được tiếp tục xem bộ phim hoạt hình yêu thích Paw Patrol, đứa trẻ la hét và khóc lóc mặc mẹ kiên nhẫn giải thích đã đến giờ phải lên giường đi ngủ.
Cơn giận đứa trẻ đạt đến đỉnh điểm, người mẹ dường như bất lực. Lúc này, chồng của Nghiên Dương kể cho vợ nghe về một khái niệm hấp dẫn mà anh tình cờ xem được. Đó chính là "reverse parenting" - Nuôi dạy con "ngược".
Có nghĩa là khi trẻ nhất quyết làm những điều vô lý, hành động xấu hoặc gây rắc rối một cách vô lý, cha mẹ để chúng làm mà không ngăn cản hay la mắng, thậm chí bắt chước những hành vi vô lý này. Từ đó để trẻ trải nghiệm và chịu đựng cảm xúc thực sự về hậu quả hành động của mình gây ra, nhận thức được hành vi này là sai trái.
Chẳng hạn, khi con nằm trên sàn trong cửa hàng kem, các bậc cha mẹ cũng làm như vậy. Nếu trẻ vứt đi một món đồ chơi thì cha mẹ cũng vứt đi những đồ chơi khác. Một số thậm chí còn đi đến quyết định cực đoan: Tạm dừng việc học của con để cho chúng chơi trò chơi điện tử hàng giờ liền, đúng như trẻ mong muốn.
Mong muốn tìm ra giải pháp, Nghiên Dương đã quyết định thử nghiệm cách nuôi dạy con ngược của riêng mình. Cô đặt TV phát lặp lại cùng một tập phim Paw Patrol. Cô nói với con: "Nếu con muốn xem phim hoạt hình, con sẽ được xem thỏa thích và thậm chí hơn thế nữa".
Sau khi tròn mắt nhìn hơn một giờ, sự phấn khích ban đầu của cậu bé dần dần giảm đi. Đến nửa đêm, đứa trẻ càng ngày càng buồn chán. Và mỗi lần nhắm mắt lại, bố mẹ lại lay cậu bé dậy. Đến 2 giờ sáng, khi con gần như không thể tỉnh táo, người mẹ mới yêu cầu con hứa trước khi tắt TV rằng nếu đến giờ đi ngủ, phải đi ngủ. "Đã ba tháng rồi và đứa trẻ vẫn còn nhớ đêm đó", Nghiên Dương nói.
Giáo dục trẻ em không phải là một cuộc chiến để phân thắng bại
Vài năm gần đây, phương pháp nuôi dạy con mới này đang phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc, thu hút sự quan tâm của vô số phụ huynh, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Trong số các ví dụ phổ biến nhất về cách nuôi dạy con ngược trên mạng xã hội là một video dài bảy phút trên MXH Douyin quay một người mẹ và đứa con mới biết đi đang đi dạo lúc nửa đêm. Theo đó, người mẹ ghi lại cảnh con gái mình, trông khoảng 2-3 tuổi, đòi ra ngoài chơi vào khoảng 2h30 sáng. Người mẹ đồng ý nhưng bắt con gái hứa sẽ chơi bên ngoài cho đến khi mặt trời mọc. Con gái chị vui vẻ đồng ý.
Lúc đầu, bé gái rất phấn khích. "Hãy nhớ rằng hiện tại con đang hạnh phúc biết bao. Chúng ta hãy chờ xem. Nếu sau này con khóc, con nên nhớ khoảnh khắc này", người mẹ nói với giọng bình tĩnh. Gần 5 giờ sáng, cô con gái lẩm bẩm nói mệt muốn về nhà ngủ. Mẹ em từ chối.
Đoạn video không tiết lộ thời điểm cuối cùng họ về nhà là vào mấy giờ. Nhưng nó đã lan truyền nhanh chóng trên MXH, thu hút hơn 5 triệu lượt xem.
Trên mạng nổ ra các ý kiến trái chiều. Một số người khen ngợi thái độ điềm tĩnh của bà mẹ. Tuy nhiên, những người khác cho rằng phương pháp của chị là cực đoan. “Người mẹ không nghĩ xem liệu một đứa bé có thể hiểu được “cho đến khi mặt trời mọc” nghĩa là gì không?”.
Bất chấp cuộc tranh luận, cách dạy con độc đáo này đã thu hút sự chú ý đáng kể, phần lớn được lan truyền bởi các nền tảng truyền thông xã hội như Douyin – phiên bản TikTok của Trung Quốc.
Trong khi một số chuyên gia khen ngợi thì nhiều người lại cảnh báo về những tác động bất lợi tiềm tàng của nó đối với trẻ em. Họ lập luận rằng mặc dù mục tiêu dự định của nó là ngăn cản hành vi sai trái của trẻ nhưng có thể gây ra những hậu quả bất lợi.
Jiang Lingling, một cố vấn tâm lý chuyên về trị liệu gia đình, nói rằng cách nuôi dạy con ngược có những điểm tương đồng với cách nuôi dạy con truyền thống, ở chỗ cốt lõi của cả hai đều liên quan đến động lực quyền lực. Jiang nói: "Người mẹ đồng ý cho con gái đi chơi, nhưng quyền quyết định thời điểm các con trở về vẫn nằm trong tay người mẹ".
Một cố vấn khác - Si Yamei - cũng có quan điểm tương tự. Cô cho biết mục đích thực sự của việc "nuôi dạy con ngược" vẫn là để khiến trẻ không dám cư xử sai trái nữa. "Nhưng đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, điều đó thực sự có hại", cô nói. Cô Si tin rằng mục tiêu của việc nuôi dạy con cái là hướng dẫn trẻ phát triển lành mạnh và khuyến khích trẻ tự suy nghĩ theo hướng tích cực, giúp chúng thích nghi tốt hơn với xã hội.
Cha mẹ sinh sau những năm 1990 khác với thế hệ cũ do phúc lợi vật chất được cải thiện. Cô Si nói: "Thế hệ sau thập niên 80 vẫn gặp phải tình trạng khan hiếm vật chất nên họ biết cuộc sống của mình đang trở nên tốt đẹp hơn như thế nào và họ có thể cảm thấy hài lòng với những thay đổi đó.
"Nhưng thế hệ sau thập niên 90 quá được bảo vệ. Họ chưa trải qua sự thất vọng thực sự và bản thân họ vẫn còn là những đứa trẻ. Họ thực sự đang đối xử với trẻ em giống như một phương tiện để trả thù".
Cai Dan, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Gia đình và Phát triển Trẻ em tại Đại học Sư phạm Thượng Hải, cho biết việc nuôi dạy con ngược có tiềm năng giáo dục trẻ em một cách hiệu quả. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng để phương pháp này thành công, cha mẹ phải thực sự tin tưởng và hỗ trợ con mình trong suốt quá trình.
Ông Cai nói: "Nếu động cơ là cố ý trừng phạt bọn trẻ, chẳng hạn như khiến chúng bị cảm lạnh hoặc bị thương thì điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Trên thực tế, một số bậc cha mẹ sử dụng phương pháp nuôi dạy ngược không thực sự nhằm mục đích giáo dục nên chưa phát huy được hiệu quả, chẳng hạn như không có ý thức rèn luyện cho con tính tự giác, tính kiên trì và tích lũy được những kiến thức, kinh nghiệm thực sự trong quá trình trải nghiệm.
Ngược lại, họ có tâm lý cố tình "trừng phạt" con cái, với mục đích ích kỷ là "cạnh tranh" với con, "thao túng" con, muốn giành lợi thế trong "cuộc chiến cha mẹ con cái" để chiếm thế thượng phong và quan sát trẻ mắc lỗi.
Cha mẹ có tâm lý như vậy sẽ không thực sự đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển của con khi áp dụng phương pháp giáo dục ngược. Ngược lại, đôi khi sẽ khiến con phản kháng, chán nản, lâu dần sẽ gây hại cho con. Lòng tự trọng và sự tự tin giảm sút, phá hủy mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái, thậm chí gây ra tổn thương tâm lý ở mức độ nhất định cho đứa trẻ.
Giáo dục trẻ em không phải là một cuộc chiến để phân thắng bại. Phương pháp giáo dục nhẹ nhàng và kiên quyết không sai nhưng tiền đề của nó là tình yêu thương chứ không phải sự tức giận, trả đũa.
Nhà tâm lý học David Elkind từng nói: Điều trẻ cần biết nhất là chúng rất quan trọng với cha mẹ và sẽ luôn được bao bọc bởi tình yêu thương. Thực ra, điều con cái muốn rất đơn giản: Đó là sự ghi nhận và đánh giá chân thành; sự chấp nhận kiên nhẫn và bao dung của cha mẹ là đủ để bảo vệ con một cách ấm áp và an toàn để con trưởng thành tử tế.